Thành phố Hà Tĩnh cho hôm nay, cho muôn đời sau...

(Baohatinh.vn) - Thăng trầm cùng lịch sử 190 năm lập tỉnh Hà Tĩnh, TX Hà Tĩnh xưa, TP Hà Tĩnh nay đã vững vàng thế đứng của một trung tâm tỉnh lỵ trong thời kỳ đổi mới. Thành Sen đang từng ngày hoàn thiện vóc dáng của một đô thị trẻ, hướng biển để sánh vai với các đô thị trong cả nước, không chỉ hôm nay mà cả mai sau.

Bức tranh tỉnh lỵ buổi đầu

1831 là mốc định danh khó quên của tỉnh Hà Tĩnh và cũng là mốc đáng nhớ của trung tâm tỉnh lỵ. Sử sách ghi: năm Tân Mão, Minh Mệnh thứ 12 (1831), nhà vua chuẩn cho bỏ trấn, chia đặt các tỉnh; lấy 2 phủ Hà Hoa, Đức Thọ gồm 6 huyện: Thạch Hà, Kỳ Hoa, Hương Sơn, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn lập thành tỉnh mới Hà Tĩnh.

Thành phố Hà Tĩnh cho hôm nay, cho muôn đời sau...

Đường Phan Đình Phùng - TX Hà Tĩnh năm 1993. Ảnh: Sỹ Ngọ

Trong buổi sơ thiết, tỉnh đường tạm đặt tại xã Đại Nài, phủ Hà Hoa. Vào tháng Giêng năm Quý Tỵ (1833), tỉnh thành mới được khởi công xây đắp tại xã Trung Tiết (địa điểm hiện nay UBND tỉnh đóng). Sau quá trình nhập, tách với Nghệ An, bỏ tỉnh lập đạo, rồi lập lại tỉnh, năm 1875, tỉnh thành Hà Tĩnh lại dời về thành cũ ở Trung Tiết. Đến năm 1881, thành Hà Tĩnh mới được xây xong, bằng đá ong. Trong thời gian mới thành lập, tỉnh lỵ chỉ có các dinh thất đồn trại trong thành. Bên ngoài cũng có chợ búa (chợ tỉnh Trung Tiết, chợ đạo Đại Nài) và một số quán xá, nhưng chỉ là chợ, quán kiểu nông thôn.

Thành phố Hà Tĩnh cho hôm nay, cho muôn đời sau...

Toàn cảnh di tích thành Hà Tĩnh (Ảnh chụp lại trong sách “An Tĩnh cổ lục” của tác giả Hippolyte Le Breton).

Bức tranh ban đầu của tỉnh lỵ Hà Tĩnh được phác thảo đơn giản như vậy. Cùng với bức ảnh chụp di tích tỉnh thành Hà Tĩnh trong không gian vùng đầm Cửa Sót - Nam Giới từ trên không của người Pháp cho ta thấy một quang cảnh nghèo nàn, trống trải, buồn tẻ của tỉnh lỵ những năm cuối thế kỷ XIX. Năm 1924, TX Hà Tĩnh chính thức được thành lập dưới triều vua Khải Định.

Thành phố Hà Tĩnh cho hôm nay, cho muôn đời sau...

Quốc lộ 1 đoạn qua TX Hà Tĩnh (nay là TP Hà Tĩnh), năm 1994. Ảnh Sỹ Ngọ

Theo dòng chảy của lịch sử, qua nhiều triều đại phong kiến, dưới ách thực dân nô lệ, với truyền thống yêu nước và tinh thần quật khởi, Liên Thành - Thành Sen đã vươn lên với sức sống mạnh mẽ. Dù nạn đói 1945 làm nhiều người chết nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh, Nhân dân thị xã Hà Tĩnh đã vùng lên giành chính quyền, xây dựng chế độ dân chủ mới. Sau Cách mạng tháng Tám, dẫu tỉnh lỵ nhỏ bé chỉ với 2,5 km2 và hơn 4.400 dân nhưng Thành Sen đã cùng cả nước anh dũng bước vào 2 cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc, đóng góp to lớn vào công cuộc giải phóng đất nước ở thế kỷ XX.

Thành phố Hà Tĩnh cho hôm nay, cho muôn đời sau...

Thành Sen thơm ngát hương sen

Dẫu nhỏ bé và yên bình trong dải đất Hà Tĩnh, Thành Sen vẫn ăm ắp những giá trị văn hóa lịch sử trường tồn với thời gian. Những địa danh chất chứa hoài niệm như: Tiền Bạt, Trung Tiết, Văn Miếu, Võ Miếu, Nhà hát Nhân dân, chợ tỉnh, sông Phủ, núi Nài, di tích Thành Hà Tĩnh, Hào Thành, sông Cụt, cửa hậu, cửa tiền... mãi đi vào tâm khảm của bao thế hệ. Đặc biệt, tên gọi “Thành Sen” từ trong huyền thoại những ngày đầu lập tỉnh, xây thành đã được nâng lên thành biểu tượng của TX Hà Tĩnh ngày ấy, TP Hà Tĩnh và tỉnh Hà Tĩnh hôm nay.

Thành phố Hà Tĩnh cho hôm nay, cho muôn đời sau...

Mỗi mùa sen nở là mỗi lần Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh nhớ ơn Bác, thấm nhuần lời dạy của Người. Ảnh: Huy Tùng

Ngày 15/6/1957, vào mùa sen nở, Bác Hồ đã về thăm Hà Tĩnh. Hình ảnh Người giản dị và gần gũi với chân trần, áo nâu bên hồ sen Tỉnh ủy, đọc câu ca dao về sen đã khắc họa chân dung đẹp đẽ của một lãnh tụ, nhà hiền triết phương Đông, nhà cách mạng lỗi lạc. Lời Người dặn vẫn còn vang vọng, trở thành động lực để cán bộ, đảng viên và Nhân dân Hà Tĩnh, Nhân dân Thành Sen vươn tới. Mỗi mùa sen nở là mỗi lần Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh nhớ ơn Bác, thấm nhuần lời dạy của Người.

Nỗ lực vì một đô thị trẻ, năng động và hướng biển

Được tiếp nhận, trao truyền những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn từ lớp lớp tiền nhân, Đảng bộ và Nhân dân TP Hà Tĩnh hôm nay đang cùng với cả tỉnh, cả nước và con em xa quê xây dựng Thành Sen thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xứng tầm với sự phát triển của Hà Tĩnh, hòa nhập vào bức tranh đổi mới của đất nước.

Qua bao giai đoạn phát triển, TP Hà Tĩnh hôm nay có 15 xã, phường với diện tích gần 5.655 ha. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển với tầm vóc mới. Hạ tầng giao thông được đầu tư hiện đại. Hiện nay, thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Năm 2020, toàn thành phố đã huy động sức dân đóng góp 5.900 tỷ đồng chỉnh trang đô thị; ban hành bộ tiêu chí “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị kiểu mẫu”, tập trung xây dựng phường Nam Hà cơ bản đạt mẫu năm 2021, xây dựng 23 tổ dân phố mẫu. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 54 triệu đồng. Thu ngân sách nội địa 6 tháng đầu năm 2021 là 415,77 tỷ đồng, đạt gần 60% kế hoạch được giao. Công tác cải cách hành chính dẫn đầu trong toàn tỉnh.

Thành phố Hà Tĩnh cho hôm nay, cho muôn đời sau...

Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Đức đi kiểm tra tiến độ một số dự án xây dựng hạ tầng trên địa bàn TP Hà Tĩnh vào ngày 30/5.

Thành phố có nhiều lợi thế của một đô thị gần biển (cách 10 km), nhiều sông ngòi bao quanh, gần hồ Kẻ Gỗ, nằm trên con đường thiên lý Bắc - Nam, khí hậu ôn hòa, ít lũ lụt. Hệ thống đường ven biển giúp kết nối phát triển du lịch và kinh tế biển.

Là “trái tim” của cả tỉnh, thành phố đã thu hút một lực lượng lao động trẻ bổ sung cho dân số của các xã, phường, tạo nên nguồn lực văn hóa - con người to lớn, đồng thời cũng hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong cả nước. TP Hà Tĩnh có nhiều cơ hội để phát triển KT-XH nhanh và bền vững, nhất là trong bối cảnh tỉnh đang nỗ lực xây dựng tỉnh công nghiệp và duy trì vị thế một cực tăng trưởng của cả nước.

Mặc dù có tiềm năng và lợi thế như vậy nhưng so với nhiều đô thị của các tỉnh có KT-XH tương đồng, trong xu thế phát triển của chuỗi các đô thị miền Trung, TP Hà Tĩnh vẫn có quy mô nhỏ bé, nền sản xuất chưa tiên tiến, thương mại - dịch vụ chưa thật sự sôi động, đặc biệt là vấn đề quy hoạch thành phố vẫn còn nhiều hạn chế.

Thành phố Hà Tĩnh cho hôm nay, cho muôn đời sau...

Khu quy hoạch nuôi tôm VietGap, an toàn dịch bệnh tại vùng Đồng Ghè, xã Thạch Hạ được đầu tư hoàn chỉnh, bài bản tạo điều kiện cho bà con nuôi trồng theo hướng công nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Ảnh: Thành Nam.

Đề án “Xây dựng và phát triển TP Hà Tĩnh có quy mô phù hợp, hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” vừa được ban hành là “đòn bẩy” quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững của TP Hà Tĩnh nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung. Trọng tâm của đề án là phát triển không gian, đầu tư hạ tầng để thu hút đầu tư và phát triển vành đai xanh, gắn với quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. Thành phố cũng đã lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có đề cập vấn đề xây dựng, mở rộng đô thị và khu dân cư. Đô thị TP Hà Tĩnh tiếp tục được đầu tư phát triển, ngoài ra còn phát triển các khu thị tứ vệ tinh tại các cụm dân cư tập trung, đẩy mạnh du lịch nghỉ dưỡng trong tương lai.

Thành phố Hà Tĩnh cho hôm nay, cho muôn đời sau...

Hồ Bảy Mẫu tại phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh). Ảnh: Đồng Anh

Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Hiếu - Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh chia sẻ: “Xây dựng thành phố thông minh, hiện đại và giàu bản sắc là khát vọng của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh và thành phố. Sau 190 năm lập tỉnh, Thành Sen đã có bước phát triển vượt bậc. Nhưng cần phải nhìn xa hơn trong mối so sánh với các thành phố khác để thống nhất tư duy và hành động. Làm sao để thành phố đẹp, hiện đại mà vẫn có một dấu ấn riêng để khi đến, người ta biết đây là “gương mặt” của Hà Tĩnh?

Có 3 vấn đề đặt ra là: phải mở rộng không gian hướng biển; phải khôi phục, nâng tầm các giá trị văn hóa và phải tuân thủ quy hoạch. Không gian hướng Đông là để phát triển kinh tế biển và phát huy lợi thế các dòng sông, hướng Tây phát triển công nghiệp - thương mại, phía Nam mở rộng các đô thị. Hạ tầng giao thông phải được hoàn chỉnh và kết nối vùng miền”.

Thành phố Hà Tĩnh cho hôm nay, cho muôn đời sau...

Thành phố Hà Tĩnh chào mừng ngày lễ Quốc khánh. Ảnh: Đình Nhất.

Nhiều và nhiều việc đang cần khối óc và bàn tay của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, để TP Hà Tĩnh xứng tầm với lịch sử 190 năm, đáp ứng khát vọng của các thế hệ hôm qua, hôm nay và mai sau.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast