Cần thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, có một số đối tượng tự xưng là phóng viên, cộng tác viên của các tờ báo trong nước, có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và hình ảnh của các tờ báo và các nhà báo chân chính.

>Từ con dấu giả, đến nhà báo …rởm

Tác nghiệp. Ảnh: Sohoa.net.

Bên cạnh đó, một số báo đã đăng tải tin, bài của thông tin viên, cộng tác viên mà không kiểm chứng nguồn tin dẫn đến sai sót đáng tiếc hoặc không phù hợp với định hướng tuyên truyền của tỉnh. Có thể nói, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là do việc thực hiện các quy định của Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo Quyết định số 77/2007/QĐ ngày 28-5-2007 của Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện 1 cách nghiêm túc. Tình trạng đùn đẩy, né tránh, không giám chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, các cấp ngành vẫn xảy ra tương đối phổ biến.

Trước thực trạng đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu chu UBND tỉnh ban hành văn bản số 3163/QĐUB-VX ngày 20-9-2011 về việc cử người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Theo đó, đối với các đơn vị cấp sở, trách hiệm phát ngôn thuộc Giám đốc, Phó Giám đốc; với các ngành, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan là người phát ngôn; các huyện, thị xã, thành phố, người phát ngôn là Chủ tịch UBND huyện. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị tự xây dựng quy chế phát ngôn theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, nhằm làm tốt công tác quản lý Nhà nước về báo chí trên địa bàn, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh của các cơ quan báo chí Trung ương và tỉnh bạn, ngày 25-8-2011, Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản số: 130/STTTT-BCXB gửi Ban Biên tập các Báo Trung ương, báo ngành và Báo các tỉnh về việc phối hợp quản lý thông tin viên, cộng tác viên trên địa bàn. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị Ban Biên tập các báo có quy chế kiểm soát nguồn tin của thông tin viên, cộng tác viên, tránh những thông tin sai sót trên báo; rà soát danh sách phóng viên, cộng tác viên của báo mình trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, kiện toàn Văn phòng Đại diện hoặc phóng viên thường trú theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời có văn bản thông báo cho Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh.

Có thể thấy rằng, do một số ban, ngành, địa phương không có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý báo chí, các đơn vị chủ quản của phóng viên nên đã để xảy ra tình trạng lộn xộn, lẫn lộn giữa nhà báo chính thống và những đối tượng giả danh. Đặc biệt, việc không thực hiện đúng quy định về phản hồi thông tin theo Luật Báo chí cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số nhà báo và những người mượn danh báo chí gây nhũng nhiễu, phiền hà, thậm chí là có dấu hiệu "tống tiền" như những trường hợp gần đây báo chí đã phản ánh. Đó là chưa nói đến việc không thực hiện quy định về phản hồi thông tin khiến các vụ việc sai trái mà báo chí phản ảnh trôi vào im lặng, theo kiểu "đá ném ao bèo". Vì vậy, tỉnh cần có văn bản quy định về mối quan hệ phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Hội Nhà báo Hà Tĩnh, Sở Thông tin - Truyền thông, quy định rõ về thẩm quyền yêu cầu trả lời, phản hồi của các đơn vị liên quan đến nội dung báo chí phản ảnh để làm tốt hơn chức năng quản lý Nhà nước và công tác quản lý báo chí.

Ông Phan Tấn Linh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh: Ngày 25/8/2011, Sở TT và TT đã có công văn số 130 CV/STTT-BCXB v/v phối hợp quản lý TTV, CTV trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Đến thời điểm này, đã có một số tờ báo như: Vietnamnet, Tuổi trẻ Thủ đo, Tuổi trẻ TP HCM, Công an TP HCM, Nông nghiệp Việt Nam...gửi công văn thông báo chính thức về tên, tuổi, tư cách pháp nhân của Văn phòng đại diện và phóng viên thường trú. Sắp tới, tỉnh sẽ có văn bản cung cấp các thông tin liên quan đến văn phòng đại diện và phóng viên thường trú chính thức của các báo trên địa bàn cho các sở, ngành, địa phương. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị khi làm việc phải nắm rõ "tư cách phóng viên" của các nhà báo, trường hợp nào có dấu hiệu nghi vấn phải liên hệ với các cơ quan chức năng để kiểm tra, làm rõ. Cũng cần nói thêm là, Sở Thông tin và truyền thông chỉ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về báo chí (báo chí chính thống - P.V) còn các trường hợp giả danh nhà báo là thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng, trực tiếp là của lực lượng Công an.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương khi có thông tin phản ánh trên báo chí liên quan đến ngành mình, đơn vị mình cần có phản hồi theo quy định của Luật Báo chí. Việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí và phản hồi thông tin trên báo chí chính là việc minh bạch thông tin. Minh bạch trong thông tin dẫn đến minh bạch trong tất cả các vấn đề khác.

Điều 7 Luật Báo chí có quy định: "Không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Các cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đó..."

Khoản 1 điều 5 Quy chế phát ngôn và đăng phát, xử lý thông tin trên báo chí của UBND tỉnh: "Khi nhận được thông tin do báo chí đăng, phát hoặc khi có công văn chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về các vấn đề được báo chí đăng, phát chậm nhất trong thời gian 25 ngàylàm việc, kể từ ngày báo chí đăng, phát thì người đứng đầu các sở, ban, ngành địa phương phải khẩn trương tổ chức kiểm tra, xác minh, làm rõ sự việc và trả lời bằng văn bản về kết quả, biện pháp giải quyết cho các cơ quan báo chí đã đưa tin, báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Văn phòng UBND tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông"

.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast