Ka Đay khát khao tình yêu

(Baohatinh.vn) - Với đồng bào dân tộc, người lính biên phòng Bản Giàng như cây lim trên núi, như bông hoa trong rừng. Họ là điểm tựa, mang niềm vui đến và thổi lên ngọn lửa tình yêu cho dân bản.

Tình yêu của người lính biên phòng

Đồn Biên phòng Bản Giàng (Hương Vĩnh – Hương Khê) nằm cheo leo trên ngọn núi. Đồn như một đốm lửa cháy lên giữa bạt ngàn núi rừng xua đi cái lạnh lẽo của vùng thâm sâu. Thượng tá Phan Trọng Nhân - Chính trị viên của đồn vui vẻ mở lời: “Lính biên phòng là vậy đấy, đồn là nhà... Ở đây, quanh năm chỉ có người lính với nhau và với bà con dân bản”... Vừa dứt lời, thấy có tiếng nói cười của một cô gái đi vào, tôi tỏ ý thắc mắc, anh Nhân giải thích: “Đấy là vợ của một đồng chí trong đồn, tên là Hồng, con gái của bản. Từ nhỏ, đồn đã là nhà của cô ấy”.

Bản Rào Tre vào xuân.

Bản Rào Tre vào xuân.

Cô gái có nước da nâu, mái tóc màu nắng, cặp môi hơi dày. Tôi tới bắt chuyện, ban đầu, Hồng tỏ ra e ngại nhưng sau đó lại rất thân thiện. Cô bảo: “Về nhà chơi đi. Nhà không xa đâu”...

Từ Đồn Biên phòng Bản Giàng, men theo con đường độc đạo về xuôi khoảng 800m là đến ngôi nhà gỗ khang trang của gia đình Hồng. Hồng khoe: “Tớ có hai cháu rồi, cả hai đang học nội trú dưới huyện. Từ nhỏ, tớ đã rất thân thiết với các chú bộ đội. Các chú dạy chữ cho, chỉ bảo cho những cái gì mình cần biết mà chưa biết, rồi nói chuyện vui…”.

Chúng tôi đang chuyện trò rôm rả thì người đàn ông mặc quân phục đi xe máy vào. Hồng giới thiệu: “Anh Thành, chồng tớ đấy”.

Là lính biên phòng nên tính quần chúng rất rõ. Mới gặp chúng tôi lần đầu nhưng anh Thành đã tỏ ra rất thân thiện, gần gũi.

Anh tiếp chuyện: “Hồi ấy, những năm 1995, 1996, chúng tôi vào đây còn nhiều khó khăn lắm. Lương thực phải ra ngoài Lâm trường Chúc A mang vác vào, đi từ hôm nay thì hôm sau mới về đến nơi. Nhiều khi thức ăn hết sạch sành sanh nhưng đôi vai vẫn chưa hết đau. Bộ đội khổ vì chưa có đường sá đi lại, phương tiện liên lạc còn hạn chế nhưng dân bản còn khổ hơn. Cả bản Giàng I có 11 hộ nhưng nhà nào cũng đói. Bởi vậy, chỉ huy giao cho anh em “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” để hướng dẫn, giúp bà con.

Chiến sỹ Đồn Biên phòng Bản Giàng thăm hỏi bà con dân bản

Chiến sỹ Đồn Biên phòng Bản Giàng thăm hỏi bà con dân bản

Vào bản làm công tác dân vận, tình thương với dân bản theo đó ngày một nhân lên rồi chuyển thành tình yêu từ lúc nào không hay. Năm 1999, anh Thành chính thức kết hôn với cô gái của bản. Đám cưới diễn ra hết sức đơn sơ. Chỉ có bộ đội biên phòng và dân bản là chính. Bố mẹ anh Thành không vào được vì đường sá đi lại quá vất vả.

Anh Thành vui vẻ: “Mình “nổ phát súng” đầu tiên, đến bây giờ đã có thêm 3 người lính biên phòng là rể của bản, đó là đồng chí Trường, đồng chí Tâm và Tuấn Anh. Đặc biệt, đồng chí Tuấn Anh, quê ở Nam Định, vào lính nghĩa vụ nhưng tình yêu đã giữ chân anh lại với bản, với núi rừng biên viễn. Bộ Chỉ huy BĐBP rất quan tâm động viên, khuyến khích anh em. Ngoài tạo điều kiện luân chuyển công tác phù hợp còn được hỗ trợ 60 triệu đồng làm nhà… Thêm niềm vui nữa là con trai bản cũng đã vượt qua được “ngọn núi cao” để đến với cô gái người Kinh, đó là em Hồ Văn Hải. Hải được đồn đỡ đầu trong quá trình học tập và sau đó nhận em về công tác. Em kết hôn với cô gái người Kinh, quê ở Phúc Đồng, đã sinh được một cháu bé bụ bẫm…

Khát khao tình yêu Ka Đay

Năm 1992, BĐBP Hà Tĩnh phát hiện người Chứt trong rừng sâu và đưa về lập bản quần tụ dưới chân núi Ka Đay. Từ đó đến nay, BĐBP thành lập một tổ công tác đặc biệt “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con dân bản.

Nhìn từ xa, núi Ka Đay như vòng tay ôm trọn bản Rào Tre. Trung tá Dương Thanh Tịnh – Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt dẫn chúng tôi đi trên con đường như dải lụa kéo dài từ đầu bản tới cuối bản. Đã hơn 10 năm gắn bó với dân bản nên anh thuộc lòng bàn tay tên, phong tục tập quán và kể cả tình trạng sức khỏe, tính cách từng người dân.

Hết chuyện y tế, đến giáo dục, văn hóa tộc người, cuối cùng, anh dừng lại câu chuyện giống nòi như một cái chốt: “Bà con ở đây sức khỏe yếu, trái gió, trở trời người Kinh chưa ai ốm thì người Chứt đã ốm; tuổi thọ cao nhất chỉ được ngoài 60. Có nhiều yếu tố tác động nhưng hôn nhân cận huyết, thậm chí, còn có cả trực hệ là vấn đề trăn trở nhất. Và năm nay, nút thắt này đã được mở bằng 4 đám cưới của các cặp đôi người dân tộc Chứt với người Kinh và với người dân tộc Chứt Quảng Bình. Có thể nói, đó là niềm vui lớn nhất trong 10 năm công tác tại bản của tôi”.

Nụ cười Ka Đay.

Nụ cười Ka Đay.

Chúng tôi ghé vào ngôi nhà sàn còn nguyên mùi gỗ nằm ngay đầu bản. Chủ nhân ngôi nhà là đôi bạn trẻ Nguyễn Nhân và Hồ Duyên. Nhân ở xóm 1, xã Hương Liên, còn Duyên là con gái bản Rào Tre. Nhân vui vẻ: Khi quyết định cưới nhau, bọn em được sự ủng hộ và quan tâm đặc biệt của BĐBP, các tổ chức đoàn thể trong huyện và tỉnh. Giờ chúng em đang chuẩn bị các điều kiện để chào đón thành viên mới của gia đình”.

Nhờ sự quan tâm của BĐBP, mà trực tiếp là tổ công tác đặc biệt bản Rào Tre và các tổ chức, đoàn thể từ huyện đến tỉnh, khoảng cách giữa người dân tộc Chứt và người Kinh ngày càng được rút ngắn. Người Chứt không còn co mình trong bản như một con ốc, chỉ biết đến sông suối, núi rừng mà đã tìm thấy niềm vui khi lội qua con suối, băng rừng để về xuôi. Tôi hỏi ông Hồ Bắc, người có hai cô con gái là Hồ Thị Đinh Mai và Hồ Thị Xuân lấy chồng là người Kinh:

- Con gái lấy người Kinh có vui không?

- Vui chứ. Giờ đang thời mở cửa, con gái càng đi ra càng vui chứ không thích quanh quẩn trong bản nữa. Thỉnh thoảng thông gia lại vào chơi, vui lắm!

Đám cưới giữa chàng trai Hồ Văn Nghĩa, người dân tộc Chứt ở xã Hương Liên (Hương Khê) và cô gái Hồ Thị Kham, dân tộc Mã Liềng ở xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa - Quảng Bình) là đám cưới đầu tiên giữa người 2 dân tộc Chứt và Mã Liềng

Đám cưới giữa chàng trai Hồ Văn Nghĩa, người dân tộc Chứt ở xã Hương Liên (Hương Khê) và cô gái Hồ Thị Kham, dân tộc Mã Liềng ở xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa - Quảng Bình) là đám cưới đầu tiên giữa người 2 dân tộc Chứt và Mã Liềng

Lòng người đã mở như sự giao thoa của trời đất, vạn vật trong tiết xuân sang. Tất cả đang chuyển động, sinh sôi vì khát khao tình yêu, sự sống. Tạm biệt bản Rào Tre, tôi mang trọn hình ảnh ngọn núi Ka Đay vững chãi, thanh bình và ấm áp như chính vòng tay yêu thương, nặng nghĩa đồng bào của người lính biên phòng.

Và hơn thế là niềm vui tràn đầy hy vọng từ lời chia sẻ vội vã của Trung tá Dương Thanh Tịnh khi tiễn chân chúng tôi: “Điều lo lắng nhất hiện nay đối với bản làng là tỷ lệ chênh lệch giới tính trong độ tuổi dựng vợ, gả chồng rất cao, 1 nữ/14 nam. Vì vậy, ngoài việc tăng cường giao lưu do các đoàn thể tổ chức, cái tết Chăm cha bới vừa rồi được BĐBP chủ trì giống như một phiên chợ tình nhằm tạo môi trường gặp gỡ, tháo gỡ rào cản giữa dân tộc Chứt Hà Tĩnh với dân tộc Chứt Quảng Bình lâu nay để cho các đôi nam nữ 2 dân tộc có thể đi lại tìm hiểu, cho tình yêu nẩy nở, đơm hoa kết trái”…

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast