Nỗi đau không của riêng ai

Chiều tháng tám sau một cơn mưa nhẹ trời đất có dịu hơn, nhưng căn phòng làm việc của anh Nguyễn Quang Tiến - Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc màu da cam của huyện vừa mới thành lập vẫn ngột ngạt, bức bối.

Cảnh ngộ từ mỗi gia đình:

Nỗi đau của người mẹ khi nhìn con bị mù lòa do chất độc da cam.
Nỗi đau của người mẹ khi nhìn con bị mù lòa do chất độc da cam.

Huyện Đức Thọ hiện có 1.185 trường hợp bị phơi nhiễm chất độc màu da cam. Số người được hưởng chế độ 759 người (trực tiếp 357 người, gián tiếp 402 người)

Vượt qua cầu Thọ Tường, chạy vòng theo con đường rải thảm nhựa, tôi đến thăm gia đình ông Đào Văn Ngụ ở xóm An Tùng, xã Đức Tùng.

Một cảnh tượng bi thương hiện lên trước mặt tôi. Ngôi nhà tranh rách nát, mọi tiện nghi trong gia đình chẳng có cái gì đáng giá vài trăm ngàn. Đôi mắt của ông Ngụ trũng sâu, hai gò má gầy tóp lại vì đã vật lộn với bao nhiêu sóng gió đời thường. Thế nhưng, điều tôi không ngờ đến chính người cựu chiến binh này vừa qua lại gương mẫu tới mức từ chối không nhận hộ nghèo.

Hồi trẻ ông đi bộ đội, tham gia nhiều trận chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên và bị nhiễm chất DIOXIN tại đây.

Ông Ngụ trở lại quê hương sông nước của mình, mặc dầu da không hằn lên những vết sẹo của bom đạn nhưng vết thương lòng đã làm cho ông không bao giờ nguôi. Năm 1974, vợ ông sinh cháu trai đầu là Đào Hữu Phúc, đến năm 1977, sinh tiếp cháu trai nữa là Đào Hữu Tiến. Cả hai cháu đều bị dị hình dị tật, nhiều lúc ra đường không biết về.

Sau chiến tranh trở về ông Ngụ cùng vợ một nắng hai sương chăm lo thửa ruộng khoán của mình, phần chăm cây lúa, phần phải chăm con. Trăm thứ sinh hoạt chủ yếu nhờ vào bông lúa và hơn 700 ngàn đồng phụ cấp chế độ. Mọi thứ sinh hoạt của hai đứa con bị nhiễm chất độc màu da cam gia đình ông phải nhẫn nhục chịu đựng. Đùng một cái vợ ông bị ung thư qua đời. Bây giờ ông Ngụ một mình lại gánh thêm gánh nặng…

Các nhà hảo tâm tặng quà cho ông Đào Xuân Ngụ, xã Đức Tùng (Đức Thọ - Hà Tĩnh) nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10-8-2009.
Các nhà hảo tâm tặng quà cho ông Đào Xuân Ngụ, xã Đức Tùng (Đức Thọ - Hà Tĩnh) nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10-8-2009.

Ông Nguyễn Như Hà ở xã Đức Hòa một thời dũng cảm chiến đấu ở chiến trường núi Bà Đen Nam Bộ. Trong lúc bom sôi đạn réo ông khỏe tới mức có thể bê được hai hòm đạn lên vai một lúc. Điều ông cũng không tin được mình lại bị nhiễm chất độc màu da cam. Vợ ông Hà sinh 3 người con thì cả ba đều bị nhiễm chất độc da cam nặng, đó là: Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Thị Thúy Kiều và Nguyễn Thị Giang.

Cháu Nguyễn Đức Tùng bị liệt từ nhỏ và được 2 tháng thì mất. Hai người con gái đều bị sụn xương và khèo tay. Khi nghe tiếng khách ngoài cổng, Kiều và Giang đã chạy ùa ra. Không phân biệt người quen kẻ lạ, cứ ôm vai bá cổ và giọng lưỡi líu lại phát không rõ âm ..

Tôi nhìn khuôn mặt cả hai chị em đều giống nhau, nước da trắng bợt. Hai cái má béo phung phúc, cái miệng bao giờ cũng há ra trông đến là thương hại. Ông Hà tâm sự: "Điều đau khổ nhất là cả ba đứa con của tôi đều bị di chứng lấy nhiễm do tôi truyền sang. Mà đâu chỉ có tôi, những ai ở tiểu đội tôi sống sót trở về đều chịu cảnh ngộ như tôi ".

Những người bị chất độc màu da cam nếu không có tình thương của cộng đồng thì họ dễ mặc cảm và buồn chán. Hãy làm dịu vết thương lòng của họ, không chỉ là chỉ là những đồng tiền quyên góp nhân đạo, hưởng ứng theo phong trào mà phải có những kế hoạch cụ thể hơn như xây dựng “mái ấm tình thương”, khám và chữa bệnh cho các đối tượng.

Trong nỗi đau về chất độc da cam mà tôi gặp, hầu như gia đình nào cũng nghèo khó, cái khổ hơn là họ phải hầu hạ con mình ngay cả chuyện vệ sinh. Tôi đã gặp chị Phan Thị Xuân ở xã Tùng Ảnh. Nhìn người mẹ này ai lại nghĩ sẽ sinh ra một một đứa con thân hình dị tặc như thế. Cháu tên là Lê Thị Hoa đã nằm một chỗ trên giuờng hai mươi năm nay. Miệng của cháu mọc tới ba lớp răng, nó tua tủa trông như những mảnh thuỷ tinh vỡ. Do nằm một chỗ nên cái lưng cháu rắn như một thanh gỗ. Đôi cặp mắt trắng dã vô hồn, ráo hoảnh.

Chị Xuân là một trong hàng trăm người đang chờ đợi chế độ chính sách gọi đến lượt mình. Tôi thầm nghĩ, dầu mỗi tháng chỉ có mấy trăm ngàn đồng bạc nhưng ít nhất cũng làm cho họ có thêm hơi ấm của ngọn lửa tình thương .

Vĩ Thanh

Ai chẳng có một đời người. Bao người cha, người mẹ đều coi con cái là tài sản vô giá, là nguồn hạnh phúc vô biên. Vậy mà biết bao nhiêu những người lại phải cam chịu, khi con cái của mình bị tuyệt vọng tương lai bởi thứ chất độc ghê tởm này.

Vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là những người làm công tác chính sách xã hội từ mọi ngành mọi cấp phải hướng dẫn hồ sơ thật cụ thể, phải thông cảm sẽ chia và luôn luôn ý thức rằng, giúp những đối tượng này là giúp Đảng giúp nhân dân tiếp tục hàn gắn vết thương trong chiến tranh.

Không có gì đẹp bằng đỉnh cao tình thương!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast