Những tín hiệu tích cực tại Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân

Một loạt tín hiệu tích cực tại hội nghị thượng đỉnh hạt nhân khi Nga và Mỹ cùng ký thỏa thuận tiêu hủy khoảng 34 tấn plutonium có thể dùng chế tạo vũ khí trong khi Ukraine cho biết sẽ từ bỏ các năng lượng uranium làm giàu của mình.

Trung Quốc cũng đánh tín hiệu cho thấy nước này có thể chấp nhận lệnh cấm vận mới đối với Iran.

Tổng thống Mỹ Barack Obama chào mừng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Barack Obama chào mừng

thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: AFP

Đã có một số tín hiệu tích cực đầu tiên sau một ngày hội nghị thượng đỉnh hạt nhân tại Washington DC sau những lời cảnh báo về nguy cơ nhiên liệu hạt nhân có thể rơi vào tay những lực lượng xấu.

Cả Nga và Mỹ thông báo ký một nghị định thư về việc tiêu hủy khoảng 34 tấn nhiên liệu plutonium đã làm giàu bằng việc đốt trong lò. Đây là một thỏa thuận hai bên từng đạt được từ năm 2000 nhưng chưa bao giờ thực sự triển khai do những trì hoãn từ cả hai.

Gary Samore, cố vấn cao cấp của tổng thống Obama, nói thỏa thuận mới “rất quan trọng vì…sẽ tiêu hủy một lượng lớn nhiên liệu để sản xuất vũ khí và đó cũng là một thỏa thuận đã bị đình hoãn từ lâu.”

“Sự chú tâm của tổng thống Obama và quyết tâm khởi động lại quan hệ với Nga đã giúp hoàn tất thỏa thuận này,” Samore nói.

Trong khi đó Ukraine, nơi từng xảy ra thảm họa Chernobyl năm 1986, cũng thông báo sẽ từ bỏ toàn bộ số uranium làm giàu có thể dùng để chế tạo nguyên tử (khoảng 90 kg).

Tổng thống Mỹ hi vọng cam kết của Ukraine sẽ tạo tiền lệ để các nước khác đi theo.

Sau cam kết của Ukraine đã có Canada và Chile cũng đưa ra cam kết tương tự cho kho uranium làm giàu của mình.

Ước tính hiện có khoảng 1.600 tấn uranium làm giàu trên toàn thế giới – loại có thể dùng chế tạo vũ khí.

Người đứng đầu cơ quan năng lượng hạt nhân IAEA Ikia Amano cũng đồng ý là các cường quốc hạt nhân nên cẩn thận hơn nữa trong các nỗ lực bảo vệ các nguồn nhiên liệu.

Từ 1990 tới nay đã có 18 trường hợp mất trộm nhiên liệu hạt nhân trên thế giới.

Hồi cuối năm 2007, bốn tay súng từng tấn công vào một địa điểm ở Nam Phi, nơi lưu giữ lượng uranium làm giàu đủ để sản xuất hơn chục quả bom. Những kẻ tấn công đã vượt qua được hàng rào điện 10.000 volt, vượt qua hệ thống nhận dạng trước khi vào phòng điều khiển khẩn cấp thì bị phát hiện. Cả mấy tên này sau đó đều trốn thoát.

“Vấn đề là nhiên liệu hạt nhân hay phóng xạ vẫn chưa được bảo vệ tốt và các nước nên đề phòng để tránh nguy cơ ăn trộm hay buôn lậu nhiên liệu này…cứ trung bình hai ngày chúng tôi lại nhận được một thông tin về trường hợp ăn trộm hay buôn lậu nhiên liệu.” ông nói với BBC.

Chuyên gia chống khủng bố của Mỹ John Brennan cảnh báo là al-Qaeda đã tìm kiếm nhiên liệu cho bom hạt nhân trong suốt 15 năm qua. “Đã có vô số báo cáo trong 8-9 năm qua về các nỗ lực của chúng nhằm kiếm các loại nhiên liệu khác nhau…chúng tôi biết al-Qaeda có liên quan tới một số vụ.”

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trong khi đó tuyên bố Pháp sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân vì điều đó sẽ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.

“Tôi không thể làm nguy hại tới an ninh và an toàn của đất nước chúng tôi. Tôi thừa hưởng thành quả từ nỗ lực của những người đi trước xây dựng nên nước Pháp…và tôi không thể từ bỏ khi không rõ thế giới có ổn định hay an toàn hay không.” – ông nói.

Dù không trong chương trình chính thức, vấn đề lệnh trừng phạt mới đối với Iran cũng là chủ đề được các nước bàn thảo. Theo New York Times, Trung Quốc đã có một số tín hiệu có thể nhượng bộ khi nói sẽ cùng hợp tác với Mỹ về dự thảo trừng phạt mới của HĐBA sau cuộc hội đàm của Obama và ông Hồ Cẩm Đào.

Hội nghị được coi là lớn nhất do Mỹ tổ chức kể từ sau hội nghị thành lập LHQ tại San Francisco năm 1945 được coi là bước khởi đầu của hội nghị về hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT của LHQ vào tháng tới.

Nguồn: tuoitre.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast