Công cuộc đổi mới thứ hai cho nông nghiệp

Chương trình nông thôn mới có thể được ví như công cuộc đổi mới thứ hai của nông nghiệp, đưa nông nghiệp, nông thôn lên vị thế cao hơn.

Đổi mới lần thứ nhất

Công cuộc đổi mới lần thứ nhất thai nghén từ những năm cuối thập kỷ 60, bắt đầu từ một số cơ sở vào cuối thập kỷ 70, chính thức từ Chỉ thị 100 và sau đó là Nghị quyết 10 vào thập kỷ 80 trong thế kỷ trước.

Công cuộc đổi mới lần thứ nhất này đã mang lại kết quả thần kỳ. Nói một cách hình tượng, nhờ chính sách đổi mới, chỉ trong vòng một thập kỷ, Việt Nam đã tăng sản lượng lương thực tương đương với sản lượng của hai châu thổ lớn nhất nước là đồng bằng Sông Cửu Long và đồng bằng Sông Hồng mà ông cha ta phải mất hàng nghìn năm mới tạo ra được.

Việt Nam đã chuyển vị thế, từ nước không đủ lương thực dùng trong nước, phải nhập khẩu lớn về lương thực (năm cao nhất đã lên đến trên 1 triệu tấn), sang nước xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới.

Tính từ 1989 đến 15/5/2011, Việt Nam đã xuất khẩu được xấp xỉ 80 triệu tấn gạo, thu về được xấp xỉ 23,7 tỷ USD; trong đó năm cao nhất đạt 6,9 triệu tấn và gần 3,25 tỷ USD.

An ninh lương thực được bảo đảm đã góp phần quan trọng vào việc đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội tiềm ẩn từ cuối những năm 70, kéo dài trong những năm 80; bản thân nông nghiệp có điều kiện phát triển theo hướng toàn diện cả về trồng trọt, chăn nuôi, cả về lâm nghiệp và thủy sản. Xuất khẩu nhiều loại nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt khối lượng lớn đứng thứ hạng cao trên thế giới, như cà phê, hạt điều, hạt tiêu, cao su,…

Nguồn số liệu: Niên giám thống kê

Nguồn số liệu: Niên giám thống kê

Tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt liên tục từ năm 1979 đến nay- 32 năm trong các năm nay có những năm Việt Nam trực tiếp bị khủng hoảng, hoặc bị tác động không nhỏ của các cuộc khủng hoảng từ bên ngoài.

Sự phát triển của nông nghiệp đã góp phần ổn định ở trong nước để ứng phó với sự bất ổn từ bên ngoài- dài hơn số năm tăng trưởng liên tục của toàn bộ nền kinh tế.

Trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp theo giá thực tế, tỷ trọng của ngành trồng trọt đã giảm từ trên 80% trong những năm từ 1987 trở về trước, nay chỉ còn trên dưới 71%; ngành chăn nuôi từ 16,4% năm 1985, đã vươn lên đạt 24,5% năm 2010. Tỷ lệ nghèo ở khu vực nông thôn, theo chuẩn nghèo của Chính phủ đã giảm từ 21,2% năm 2004 xuống còn 14,8% năm 2009; theo chuẩn nghèo của Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Thế giới đã giảm từ 35,6% năm 2002 xuống còn 18,7% năm 2008. Nhiều chỉ tiêu về giáo dục, y tế, văn hóa, mức tiêu dùng bình quân đầu người về điện, đường, trường, trạm,… ở khu vực nông thôn đã có nhiều cải thiện,…

Đổi mới lần thứ hai

Đổi mới lần thứ nhất đã mang lại những kết quả thần kỳ, nhưng so với sự phát triển chung của đất nước, so với yêu cầu và mục tiêu tổng quát đến năm 2020, thì nông thôn cũng còn có những hạn chế, bất cập. Cơ sở vật chất kỹ thuật- một trong những điểm nghẽn quan trọng của sự phát triển- còn thiếu và yếu, cả về điện, đường, trường, trạm, chợ, cả về cơ sở hạ tầng cứng, cả về hạ tầng cơ sở mềm, nhất là tâm lý sản xuất nhỏ, phân tán, tiểu nông. Thu nhập và mức sống còn thấp. Khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị còn lớn về hầu hết các chỉ tiêu, năng suất lao động trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thủy sản thấp chỉ bằng một phần ba năng suất lao động của cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn rất thấp, chưa bằng một phần ba tỷ lệ của khu vực thành thị,…

Chương trình xây dựng nông thôn mới có thể được được coi là công cuộc đổi mới lần thứ hai đối với nông nghiệp, nông thôn. Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa 10 ngày 5/8/2008 đã ra Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Ngày 16/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 491 về Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Ngày 21/8/2009 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 54 hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngày 4/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2020. Mục tiêu của Chương trình là đến năm 2015 đạt 20% số xã đạt chuẩn, đến năm 2020 đạt 50%, cơ bản xây dựng kết cấu hạ tầng theo chuẩn nông thôn mới, tăng thu nhập của người dân lên gấp 2,5 lần hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%,…

Để đạt được mục tiêu này, trung bình mỗi xã cần đầu tư từ 120 đến 150 tỷ đồng, huy động từ nhiều nguồn như của Nhà nước, vốn vay, doanh nghiệp đầu tư và do người dân tham gia. Trong đó có khoảng 6- 7 hạng mục dự kiến được Nhà nước hỗ trợ 100%, còn lại hỗ trợ từ 30% đến 90% tùy từng vùng và nội dung hỗ trợ.

Chương trình xây dựng nông thôn mới là một lộ trình dài hơi, công phu, khá toàn diện và nhiều thách thức. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần quan tâm đến một số vấn đề.

Một, không chỉ là vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng, mặc dù đây là khâu đột phá mà liên quan đến tất cả các ngành, lĩnh vực trên địa bàn nông thôn, từ khâu quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị, xã hội, an ninh trật tự xã hội.

Hai, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp từ Trung ương đến cơ sở.

Ba, khai thác nguồn lực, nhất là nguồn lực tại chỗ, có sự tham gia của người dân trong quá trình quy hoạch, lập kế hoạch và thực hiện, tránh tư tưởng chờ đợi, thiếu chủ động.

Bốn, để phục vụ việc đánh giá, cần bám sát các nội dung của từng tiêu chí, có sự thẩm định và tham gia của cơ quan thống kê cung cấp, vì cơ quan này có nguồn thông tin chính thống. Định kỳ hàng năm cần báo cáo kịp thời tiến độ thực hiện thực hiện của các xã theo từng chỉ tiêu và có giải pháp điều hành.

Năm, việc đánh giá, xét duyệt cần bảo đảm nguyên tắc trung thực, khách quan, chính xác, toàn diện, tránh sự can thiệp của chủ nghĩa thành tích (xét cả về 2 phía: cao hơn thực tế để được công nhận, hoặc thấp hơn thực tế nếu có hỗ trợ về vốn).

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast