Sớm giải bài toán thương hiệu cho nước mắm Kỳ Ninh

(Baohatinh.vn) - Tam Hải - Kỳ Ninh được biết đến là một trong những vùng làm nước mắm nổi tiếng và lâu đời nhất ở Kỳ Anh cũng như Hà Tĩnh. Tuy vậy, việc phát triển thương hiệu "đặc sản" này đang gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có những giải pháp chiến lược, nhất là thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của người dân.

Nước mắm Tam Hải có màu vàng đặc trưng, thơm ngon với nguyên liệu chủ yếu là cá cơm, cá tho, ve, nục, trọc than...

Sớm giải bài toán thương hiệu cho nước mắm Kỳ Ninh ảnh 1

Chính quyền các cấp và người làm nghề cần sớm tìm giải pháp hiệu quả để phát triển thương hiệu nước mắm Kỳ Ninh.

Công đoạn quan trọng để làm nên thương hiệu nước mắm Tam Hải là khâu chọn nguyên liệu. Cá phải tươi, muối phải cất giữ qua nhiều năm thì khi làm nước mắm không bị chát và mặn. Sau khi xong phần trộn nguyên liệu sẽ cho vào các vại đã chuẩn bị sẵn, sau 10-15 ngày mở ra kiểm tra và trộn đều một lần nữa rồi để tới 5-6 tháng mới bắt đầu chắt mẻ nước mắm đầu tiên.

Nước mắm thành phẩm được chia thành 3 loại, loại ngon nhất là nước ép đầu, kế đến là nước mắm bối và loại nước mắm nấu. Bình quân giá bán hiện nay loại 1 dao động từ 70.000 - 80.000 đồng/lít, loại 2, 3 khoảng 20.000 - 30.000 đồng/lít. Việc tiêu thụ chủ yếu là bán tại nhà, bán lẻ theo yêu cầu của khách hàng.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Lệ Ninh, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Lệ Ninh, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề chế biến nước mắm Tam Hải cho biết: “Nước mắm ở Tam Hải chủ yếu là làm theo công thức truyền thống, chất lượng đảm bảo. Nhờ nghề này mà nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, nuôi con ăn học. Hội nước mắm Tam Hải có hơn 30 hội viên, giúp đỡ nhau về vốn cũng như kỹ thuật. Vừa qua, Hội LHPN tỉnh thông qua dự án đã giúp đỡ chúng tôi xây dựng nhãn hiệu và cho chị em tham quan, tập huấn ở Phú Quốc, Phan Thiết"...

Cũng theo chị Ninh, chính quyền đang vận động chị em tham gia mô hình làng nghề tập trung. Tuy nhiên, mô hình này chưa đạt được sự đồng thuận cao vì mỗi hộ kinh doanh đều muốn thành lập các thương hiệu nước mắm cho riêng mình.

Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân khiến cho việc sản xuất nước mắm tập trung chưa nhận được sự đồng thuận cao là do quy mô, chất lượng sản xuất của các hộ chưa đồng đều. Các hộ sản xuất lớn cho rằng, cách thức “cào bằng” này là chưa thỏa đáng và họ muốn tự tìm hướng đi riêng cho mình.

Bài toán phát triển thương hiệu là hết sức cần thiết đối với các mặt hàng chứ không chỉ riêng nước mắm. Bởi vậy, các cấp chính quyền và người dân làng nghề cần tập trung tìm giải pháp phát triển thương hiệu để tạo ra số lượng sản phẩm lớn, đảm bảo chất lượng, có đủ khả năng cung ứng cho đối tác. Ngay từ bây giờ, các cấp, ngành chức năng cần định hướng, mời gọi doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở chế biến nước mắm, hộ sản xuất nhỏ.

Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi vốn vay cho người dân đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, tìm thị trường đầu ra ổn định.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast