Não lòng bệnh nhân trẻ chạy thận nhân tạo

Đang độ tuổi phơi phới và là lao động chính của gia đình nhưng nhiều người đã phải gắn chặt cuộc sống của mình với chiếc máy chạy thân nhân tạo...

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo đang trẻ hoá

Ngày lại ngày, phòng chạy thận nhân tạo của Khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh luôn kín bệnh nhân. Ông Nguyễn Văn Tính, quê ở Thạch Hội (Thạch Hà) đang đứng chờ đứa con trai mới 22 tuổi đang lọc máu cho biết: “Khổ lắm con ạ! Đã đến đây rồi thì ai cũng đau, cũng nghèo. Mà không nghèo sao được với cái bệnh này cơ chứ. Như thằng con nhà tui mới đổ bệnh gần 7 tháng nay nhưng nợ nần đã chồng chất rồi”.

Mới 22 tuổi nhưng bệnh nhân Hùng đã phải chạy thận cấp cứu
Mới 22 tuổi nhưng bệnh nhân Hùng đã phải chạy thận cấp cứu

Ông Tính cho biết, bấy lâu, Hùng (con trai ông) chạy xe tiếp thị ở Hà Nội. Một hôm, Hùng thấy đôi chân mình sưng phù lên. Em lo lắng, đến cơ sở khám chữa bệnh kiểm tra nhưng không có vấn đề cả. Mừng quá, em gọi bạn đi uống bia ăn mừng. Không ngờ, sau lần uống ấy, Hùng đổ bệnh và nhập viện. Ở đây, em được khẳng định bị suy thận nặng.

Bố mẹ Hùng là nông dân, chỉ sống nhờ vào mấy sào ruộng nên không có của để. Sau khi em nhập viện ở Hà Nội, cả nhà đã chạy đôn chạy đáo đủ đường, từ vay nợ cho đến đi xin ủng hộ. Trong khoảng thời gian hai tháng rưỡi, tiền chi phí mất 97 triệu đồng. Không kham nổi, gia đình đành đưa em về nhà.

Ngày mồng 4 tết Tân Mão, em bệnh nặng, buộc gia đình phải đưa đi cấp cứu. Từ đó đến nay, Hùng điều trị cấp cứu liên tục tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Ông Tính buồn rầu: “Cũng may đã làm được BHYT hộ nghèo, nếu không gia đình chúng tôi không thể bám trụ nữa. Với lại, Hà Tĩnh có phòng chạy thận chứ nếu đi theo chế độ BHYT mà lên tuyến trên chúng tôi cũng sẽ rất khó khăn về kinh phí đi lại và ăn ở".

Nằm cạnh Hùng là chị Trần Thị Mơ, ở Thạch Hương (Thạch Hà). Năm nay chị Mơ 28 tuổi, đã có gia đình và một đứa con đầu lòng 4 tuổi. Chị Mơ cho biết, năm 20 tuổi, chị bị viêm cầu thận nhưng đã lành. Sau đó, chị lấy chồng nhưng vì khó khăn nên chỉ biết lo lắng làm ăn. Đã nhiều lần chị thấy mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt và mỗi lần như thế, chị lại đi lấy thuốc lung tung về uống. Chỉ đến khi bị ho ra máu nhiều, chị mới đến Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh khám. Kết quả là suy thận nặng.

Chưa tin, chị ra Hà Nội kiểm tra. Ở lại Hà Nội điều trị 20 ngày hết 20 triệu đồng (đều là tiền đi vay). Không vay được nữa, chị bỏ dở điều trị về nhà. Được một thời gian ngắn, chị lại phải đến Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Mỗi tuần, chị phải chạy thận 3 lần.

Chị Mơ tâm sự: “Giờ thì đã có BHYT hộ nghèo, nhà tôi chỉ chi trả 5%. Với lại, nhờ bệnh viện gần nên chi phí đi lại cũng đỡ. Mỗi tháng hết khoảng 1 triệu đồng. Đã đỡ hơn rất nhiều nhưng với điều kiện hiện giờ của chúng tôi vẫn còn rất khó khăn. Vì vậy, mỗi lần chạy thận về, tôi lại tranh thủ đi chợ buôn bán thêm để đỡ đần cho chồng con”.

Nỗi niềm bệnh nhân chạy thận

Y tá trưởng Phòng Chạy thân nhân tạo, Khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết: Bệnh nhân chạy thận ở đây chủ yếu là nghèo; tinh thần lại bi quan, chán nản nên có rất nhiều người muốn bỏ cuộc. Nhưng, khi bệnh nặng hơn thì họ lại muốn được kéo dài sự sống hơn lúc nào hết. Bệnh nhân rất nỗi niềm! Và những người phục vụ trong môi trường này như chúng tôi chỉ biết chia sẻ cho bệnh nhân bằng cách tận tình phục vụ, động viên, tiếp sức cho họ.

Phòng chạy thận nhân tạo luôn phủ kín bệnh nhân
Phòng chạy thận nhân tạo luôn phủ kín bệnh nhân

Bác sỹ Hoàng Quang Trung - Trưởng khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết: Trước đây, phòng chạy thận luôn quá tải, thường xuyên chạy từ 3 - 4 ca. Từ cuối năm 2010 đến nay, nhờ có sự đầu tư trang thiết bị của dự án JBIC nên phòng hoạt động ổn định hơn. Đến nay, phòng có 18 máy chạy thận, thường xuyên phục vụ trên 70 bệnh nhân. Tuy nhiên, con số này cũng chỉ mới đáp ứng được 20 - 30% số bệnh nhân chạy thận của Hà Tĩnh. Hy vọng, thời gian tới, bệnh viện tiếp tục nhận được sự tài trợ về thiết bị, đặc biệt là các thiết bị tiên tiến, màng lọc chất lượng cao để nhiều bệnh nhân chạy thận có cơ hội được chăm sóc và cứu sống.

Điều đáng quan tâm nữa là số bệnh nhân đến chạy thận chủ yếu đã nặng (chiếm 40 - 50% bệnh nhân cấp cứu), trong đó, hơn 70% trong độ tuổi lao động. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận như: do viêm nhiễm hệ thống tiết niệu, bàng quang, nhiễm trùng, ngộ độc, tai biến về uống thuốc, nhất là thuốc nam (chiếm tỷ lệ cao nhất), rối loạn bẩm sinh… Khi phải lọc máu thì chi phí tốn kém hơn nhiều so với điều trị bảo tồn (suy thận ở giai đoạn đầu).

Chí phí điều trị cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo là 7,5-8 triệu đồng/tháng. Theo nguyên tắc đồng chi trả, người nghèo có bảo hiểm y tế phải trả 300 - 400 ngàn đồng/tháng. Tuy nhiên, bệnh nhân chạy thận nhân tạo phần đa đều nghèo, thậm chí có những người đã có BHYT hộ nghèo mà vẫn không kham nổi chi phí đồng chi trả và đi lại, ăn ở nên đành bó tay chờ chết.

Đối với bệnh suy thận, việc phát hiện bệnh sớm để chữa trị là rất quan trọng. Tuy nhiên, bệnh suy thận lại diễn biến âm thầm, khó nhận biết. Vì thế, theo khuyến cáo của bác sỹ chuyên khoa, mọi người (không phân biệt già, trẻ) nên khám sức khỏe định kỳ, làm xét nghiệm cơ bản về huyết học, tiết niệu 6 tháng/lần để phát hiện bệnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast