Tư duy của cán bộ, đảng viên và người dân trong xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới trước hết là quá trình tư duy lý luận và thực tiễn tích cực, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về nông thôn; trên cơ sở quán triệt sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự cụ thể hóa văn bản cấp trên trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng và chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, vận dụng sáng tạo các quy luật khoa học, phù hợp với đặc thù của từng địa phương; nhằm tạo sự đồng thuận chung về nhận thức và hành động trong phát triển tổng thể, bền vững kinh tế- xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trước đây trong quá trình xây dựng nông thôn truyền thống, nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thường quen với lối tư duy kinh nghiệm, chủ quan, tùy tiện, cá lẻ, manh mún nên nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, thiếu tính hệ thống và liên kết, cơ sở hạ tầng xuống cấp, sản xuất tự cung, tự cấp nên thiếu thốn, đời sống vật chất và tinh thần khó khăn, môi trường sinh thái ngày càng bị ô nhiểm, chất lượng giáo dục, trình độ dân trí, trình độ nghề nghiệp của người dân thấp, cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị trình độ chính trị, chuyên môn còn nhiều hạn chế, bất cập,...Hiện nay, trong quá trình nhận thức và thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước về xây dựng nông thôn mới, nhận thức, đặc biệt tư duy của nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở một số địa phương còn hạn chế : Cho rằng xây dựng nông thôn mới là dự án phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng; hoặc là biến đổi nông thôn thành thị trấn, thị tứ để đô thị hóa; hoặc xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của nhà nước phải làm cho dân nên nảy sinh tâm lý trông chờ, thụ động, ỷ lại, ảo tưởng là sắp có nông thôn mới. Vì vậy, vấn đề đổi mới tư duy để nâng cao hiệu quả nhận thức, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân là hết sức cần thiết.

Các lớp tập huấn lập đề án xây dựng NTM đã giúp cán bộ chuyên môn và chính quyền cơ sở

nhận thức đầy đủ hơn về Chương trình mục tiêu quốc gia NTM. Ảnh: Thanh Hoài

Đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã là lực lượng tiên phong, đi đầu trong xây dựng nông thôn mới. Trước tiên họ phải đổi mới tư duy để nhận thức đúng về chủ trương của Đảng, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của Chính phủ; từ đó tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tư duy và nhận thức của nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì không thể có đất nước công nghiệp mà nông thôn lạc hậu. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mục tiêu : " Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường". Để đưa Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào cuộc sống, trong đó chương trình xây dựng nông thôn mới là nội dung cốt lõi, ngày 16/4/2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 491/QĐ-TTg về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới. 19 tiêu chí để xây dựng mô hình nông thôn mới bao gồm: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập bình quân đầu người/năm, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị- xã hội vững mạnh và an ninh, trật tự xã hội. Đây chính là thước đo, vừa định tính, vừa định lượng để định hướng xây dựng xã nông thôn mới. Để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ hơn về nội dung xây dựng nông thôn mới, ngày 04/6/2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 800/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Quyết định chỉ rõ : " Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế- xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng, gồm 11 nội dung sau: 1. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới; 2. Phát triển hạ tầng kinh tế xã hội; 3. Chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; 4. Giảm nghèo và an sinh xã hội; 5. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; 6. Phát triển giáo dục- đào tạo ở nông thôn; 7. Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe cư dân nông thôn; 8. Xây dựng đời sống văn hóa, thông tin và truyền thông nông thôn; 9. Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 10. Nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị- xã hội trên địa bàn; 11. Giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn". Như vậy, xây dựng nông thôn mới là một chương trình phát triển tổng thể nông thôn của Đảng và Nhà nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm làm cho nông thôn trở thành làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại; sản xuất phát triển bền vững theo hướng kinh tế hàng hóa; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao; bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát triển; xã hội nông thôn an ninh tốt, quản lý dân chủ.

Giống ớt cay mới được HTX Kỳ Giang du nhập về địa phương cho hiệu quả cao

Ảnh: Tiến Thành

Quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bắt đầu từ khâu xây dựng quy hoạch, lập các đề án thực hiện quy hoạch, nhất là đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là khâu quyết định chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện tốt việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần thực hiện tốt quy trình tư duy thực tiễn, theo các bước: 1. Đánh giá đúng thực trạng nông thôn: Vân dụng 19 tiêu chí và 11 nội dung nông thôn mới để phân tích, đánh giá, chỉ rõ những thành tựu cần được khẳng

Giếng làng.
Giếng làng.

định, kế thừa, những tồn tại hạn chế cần được bổ sung và đổi mới; những nguyên nhân; dự báo xu hướng, các mục tiêu phát triển; các vấn đề cần được giải quyết; các tiêu chí đã đạt được, các tiêu chí cần phấn đấu;...; 2. Tiếp thu thông tin chỉ đạo, thông tin lý luận, thông tin thực tiễn: Nghiên cứu các văn bản chỉ đạo ; lý luận khoa học về xây dựng nông thôn mới, về kinh tế thị trường, về sản xuất, văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội, tâm lý xã hội, nhất là tâm lý nông dân, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; các báo cáo tổng kết, những bài học kinh nghiệm; những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn; các ý kiến và kiến nghị của nhân dân;...; 3. Viết dự thảo quy hoạch xây dựng nông thôn mới: Bí thư Đảng ủy xã kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo viết dự thảo; có thể giao cho nhóm tinh hoa của xã và các chuyên gia bên ngoài được mời viết dự thảo để Bí thư chỉnh sữa, bổ sung, khẳng định, kết luận; lấy ý kiến của cấp ủy, đội ngũ cán bộ chủ chốt để hoàn thiện dự thảo chính thức. Viết dự thảo là quá trình tư duy tích cực, sáng tạo của người lãnh đạo và tập thể. Nội dung dự thảo phải thể hiện được mô hình nông thôn mới mang tính tổng thể, hệ thống, kế thừa và đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa : Cũng cố, nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm; nhất là hệ thống đường bê tông liên thôn, liên gia, liên xã, liên quốc gia, quốc tế. Sắp xếp lại khu dân cư; khu vực sản xuất hàng hóa( trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, nguyên liệu,...); khu chợ và dịch vụ thương mại; khu trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa; khu cấp nước sạch; khu xử lý rác thải, vệ sinh môi trường. Chuyển dịch ruộng đất, cơ cấu kinh tế hợp lý , phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục-đào tạo, văn hóa, thông tin, du lịch, y tế, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, cấp nước sạch và vệ sinh môi trường. Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, nhất là chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; quản lý dân chủ dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng. Giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội;...Trong chương trình phát triển tổng thể nông thôn, cần tập trung giải quyết 3 vấn đề cốt lõi: phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, nâng cao phẩm chất, năng lực cán bộ, đảng viên ( nhất là lòng yêu nước, lý tưởng cộng sản- tính Đảng, tinh thần trách nhiệm, trình độ khoa học công nghệ và năng lực tư duy); 4. Lấy ý kiến toàn dân về dự thảo: Động viên, khuyến khích mọi người dân tích cực tư duy về xây dựng nông thôn mới để có ý kiến. Lắng nghe mọi ý kiến đóng góp để khẳng định, bổ sung, điều chỉnh dự thảo. Kết luận của Bí thư về dự thảo mô hình, chương trình hành động, giải pháp xây dựng nông thôn mới của xã được mọi người đồng thuận và đồng cảm chung; 5. Phê duyệt của cấp trên về dự thảo: Bản dự thảo được cấp huyện và cấp tỉnh phê duyệt sẽ trở thành bản quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã.

Chiều quê. Ảnh: Đình Thông

Trong quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần tư duy tích cực, sáng tạo để phát hiện những vấn đề mới nảy sinh và có giải pháp giải quyết kịp thời. Tùy theo đặc thù của từng địa phương, làng, xã mà xác định tiêu chí, nội dung, giải pháp phù hợp.

Như vậy, xây dựng nông thôn mới trước hết là quá trình tư duy lý luận và thực tiễn tích cực, sáng tạo, sinh động của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhằm biến đỗi, chuyễn hóa nông thôn truyền thống còn nhiều yếu kém, bất cập, lạc hậu, phát triển thấp thành nông thôn mới hiện đại, phát triển tổng thể kinh tế- xã hội, chính tri, an ninh, quốc phòng, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để quá trình tư duy của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trong xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, cần chú ý: 1. Quán triệt sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ; sự cụ thể hóa văn bản cấp trên trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng và chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện về xây dựng nông thôn mới; 2. Nội dung chương trình tập huấn xây dựng nông thôn mới cho cán bộ chủ chốt cấp xã cần bổ sung chuyên đề Kỹ năng tư duy lý luận, tư duy thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới; tổ chức nghiên cứu thực tế, học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở các xã được chọn làm điểm; 3. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở để lôi cuốn mọi người dân vào tư duy và thực hành xây dựng nông thôn mới .

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast