"Áo mới" của NATO cần "đường may" của Nga

Trước nhu cầu bức thiết của thời cuộc, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) quyết định phải “may chiếc áo mới” để có thể tồn tại. Tuy nhiên, nếu không có “đường kim mũi chỉ” của Nga, chiếc áo mới cũng khó có thể giúp liên minh này che giấu những khuyết điểm trên "cơ thể".

"Thay áo" cho hợp thời

Từ lâu, liên minh quân sự này luôn bị chỉ trích vì hoạt động không hiệu quả, “gần hết một đời người” nhìn lại mà vẫn chưa có được một thành quả đáng kể nào, nếu có chăng chỉ là sự phô trương sức mạnh hào nhoáng bề ngoài, còn lại chỉ là những “bãi lầy, đổ vỡ, bất đồng và rạn nứt...”. Chính sự tồn tại của “cỗ máy già nua” này cũng đang được xem là “thừa thãi”.

"Áo mới" của NATO cần "đường may" của Nga ảnh 1

NATO cần đưa ra các lý do tồn tại hợp lý.

Ra đời từ năm 1949 trong một thế giới bị phân chia làm hai cực, với mục tiêu bảo vệ Tây Âu trước mối đe dọa từ khối hiệp ước Warsaw. Năm 1991, Liên Xô tan rã, khối Warsaw không còn, NATO cũng không còn đối thủ nữa và về lý thuyết thì NATO không còn lý do gì để tồn tại. Thế nhưng, NATO không những không tự giải thể mà còn được củng cố và mở rộng không ngừng, từ 13 nước thành viên khi thành lập, đến nay mở rộng thành 28 nước.

Tuy nhiên, NATO không thoát khỏi một thực tế là xuất phát điểm và tôn chỉ hành động của khối sau hơn 6 thập kỷ tồn tại trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với một trật tự thế giới mới có trọng tâm đang dịch chuyển từ Đại Tây Dương sang châu Á.

Ngoài ra, khủng hoảng tài chính cũng khiến nhiều thành viên châu Âu không còn mặn mà với những khoản đóng góp cho NATO. Vì thế, NATO không còn lựa chọn nào khác là phải tự may một chiếc áo mới để có thể tồn tại trong môi trường chính trị-kinh tế đương đại khắc nghiệt với hàng loạt mối đe doạ trước mắt như phổ biến vũ khí hạt nhân, những tham vọng của các nhóm khủng bố quốc tế, sự duy trì dai dẳng của các cuộc cạnh tranh khu vực, sắc tộc và tôn giáo, sự tranh giành về dầu lửa và các nguồn nguyên liệu chiến lược khác....

Trước nhu cầu bức thiết đó, NATO đặt mục tiêu thông qua quan điểm chiến lược mới tại hội nghị thượng đỉnh hai ngày 19-20/11 ở thành phố cảng Lisbon, Bồ Đào Nha. Theo tiết lộ của Tổng Thư ký NATO Rasmussen, chiến lược mới sẽ định hướng hoạt động cho khối liên minh quân sự của 28 nước trong 10 năm tới.

Tổng thư ký NATO khẳng định chiến lược mới là sự bảo vệ lãnh thổ trong một thế giới hiện đại.

Tổng thư ký NATO khẳng định chiến lược mới là sự bảo vệ lãnh thổ trong một thế giới hiện đại.

"Tôi muốn mô tả ý tưởng chiến lược mới là sự bảo vệ lãnh thổ trong một thế giới hiện đại. Chức năng chính của NATO vẫn là bảo vệ lãnh thổ, người dân và các nước thành viên. Tuy nhiên chúng ta cần phải nhận ra rằng môi trường an ninh ngày nay có thể cần thiết phải đi ra ngoài biên giới để bảo vệ được lãnh thổ của mình một cách hiệu quả”, ông Rasmussen nhấn mạnh.

Điều này đồng nghĩa với việc NATO tiếp tục can thiệp vào các khu vực trên khắp thế giới, nơi nào mà họ cảm thấy an ninh chung của các nước thành viên đang có nguy cơ bị đe doạ.

“Áo” đẹp nhờ “đường kim mũi chỉ” của Nga

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, chiến lược mới của tổ chức quân sự luôn tự gắn mình “sứ mệnh gìn giữ hòa bình” trên thế giới này có phát huy hiệu quả hay không, thái độ hợp tác của Nga chính là lời giải. Thúc đẩy hợp tác với Nga không những sẽ giúp NATO tranh thủ sự ủng hộ của nước này mà còn có thể “vô hiệu hóa” sự phản đối từ Moscow.

Do đó, một mục tiêu quan trọng song song với kế hoạch thông qua chiến lược mới tại hội nghị thượng đỉnh lần này của NATO là tìm được cam kết “bảo kê” chính thức từ Nga trong vấn đề Afghanistan.

Sự hỗ trợ của Nga đóng vai trò chiến lược đối với sự tồn tại của NATO.
Sự hỗ trợ của Nga đóng vai trò chiến lược đối với sự tồn tại của NATO.

“Chiến tranh ở Afghanistan là cuộc viễn chinh dài nhất và lớn nhất từ trước đến nay của NATO với sự tham gia của 150.000 binh lính. Cuộc chiến tranh này cứ kéo dài mà vẫn chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Chính vì thế, nó làm xói mòn dần sự ủng hộ của người dân Mỹ và ở các nước châu Âu khác”, ông Justin Vaisse, một chuyên gia cấp cao thuộc viện Brookings có trụ sở ở Washington cho hay.

Theo ông, trong giai đoạn chuyển giao quyền quản lý an ninh cho Chính phủ Afghanistan cũng như rút quân ra khỏi “vũng lầy” này, NATO cần sự hợp tác rộng mở hơn từ phía Nga. Hiện nay, Nga chỉ cho phép NATO sử dụng lãnh thổ của mình để vận chuyển một chiều hàng hóa phi quân sự phục vụ chiến trường ở Afghanistan. Trong khi đó, NATO cần sự giúp đỡ của Nga cho trang thiết bị hạng nặng, huấn luyện quân sự, đường tiếp viện nhằm giảm tải hoặc thậm chí thay thế đường tiếp viện thông qua Pakistan vốn nhiều bất ổn về an ninh.

Không chỉ cải thiện được các tuyến đường tiếp viện cho Afghanistan, các quan chức NATO khẳng định, sự hỗ trợ của Nga trong việc cung cấp máy bay và trực thăng cho chiến trường Afghanistan cũng có ý nghĩa quan trọng bởi trực thăng Nga thích nghi với các điều kiện hoạt động tại Afghanistan tốt hơn máy bay tương tự của phương Tây bởi dù sao quân đội Nga cũng tích lũy nhiều kinh nghiệm trong các cuộc truy kích bằng trực thăng giai đoạn quân đội Liên Xô còn đóng ở Afghanistan.

Bên cạnh đó, việc thông qua kế hoạch thiết lập hệ thống lá chắn tên lửa chung với Nga cũng có ý nghĩa “sống còn” trong hội nghị này của NATO.

Dù giới chức NATO tuyên bố mục tiêu của hệ thống này là nhằm bảo vệ những quốc gia trong khối khỏi các nước thù địch như Iran và Triều Tiên nhưng không ít thành viên từng công khai phản đối kế hoạch này do ít nhiều chịu sự ảnh hưởng của Nga.

Tuy nhiên, với tuyên bố sẽ chính thức chung tay xây dựng tấm lá chắn này, NATO như “tháo được nút thắt trong lòng” bởi không chỉ “vô hiệu hóa” được sự phản đối kịch liệt của Nga cũng như một số nước thành viên, sức mạnh tấn công của hệ thống phòng thủ tên lửa này sẽ có thể nhân đôi với “đôi cánh” của Nga.

Như vậy, sẽ là không quá nếu nói sự trợ giúp của Nga là liều thuốc “cải lão hoàn đồng” hiệu quả của NATO.

Theo datviet.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast