“Siêu sao” giải trí Việt theo công thức Hàn?

Đầu tháng 9.2009 này, một cuộc thi mang tên Cuộc thi tuyển chọn nghệ sĩ đa năng Việt Nam 2009 –Vietnam Super Star Contest 2009 (VSSC 2009) chính thức khởi động.

Có được danh hiệu từ cuộc thi đã khó nhưng để danh hiệu ấy “tỏa sáng” là một chặng đường dài nỗ lực phía trước (ảnh: Các thí sinh đoạt giải cao nhất MC 2009)

Có được danh hiệu từ cuộc thi đã khó nhưng để danh hiệu ấy “tỏa sáng” là một chặng đường dài nỗ lực phía trước (ảnh: Các thí sinh đoạt giải cao nhất MC 2009)

Với một hình thức tổ chức không mới so với các cuộc thi tìm kiếm “ngôi sao”, “thần tượng âm nhạc” đã và đang tổ chức trong nước, song cái khác biệt ở cuộc thi này chính là ở giải thưởng cao ngất ngưởng dành cho người thắng cuộc; kế đến, thí sinh tham gia chỉ dành cho phái nữ và đặc biệt người thắng giải cao nhất từ cuộc thi này sẽ có... 365 ngày để có khả năng trở thành một siêu sao giải trí Việt theo công nghệ đào tạo, quảng bá của Hàn Quốc.

Bắt đầu từ ngày 1.9.2009, vòng sơ tuyển cuộc thi VSSC 2009 do đơn vị Rainbow Media (Hàn Quốc), Trung Tâm UNESCO giao lưu văn hóa quốc tế cùng với Trung tâm Văn hóa TP.HCM đồng tổ chức đã chính thức khởi động. Theo thông cáo phát đi từ ban tổ chức, đây là cuộc thi chỉ dành cho các thiếu nữ Việt Nam có độ tuổi từ 16 -25. Người đoạt giải nhất của cuộc thi với danh hiệu “Siêu sao Việt Nam” ngoài số tiền thưởng là 10.000 USD còn được sang Hàn Quốc trong một năm để học ngoại ngữ và được đào tạo chuyên môn, sau đó, thông qua việc xuất hiện trên các phương tiện thông tin của Hàn Quốc, ngôi sao Việt Nam có khả năng cao để trở thành ngôi sao châu Á (!?). Tất cả chi phí (khoảng 40.000 USD) sẽ do ban tổ chức chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, để giành danh hiệu “Siêu sao Việt Nam”, các thí sinh phải trải qua ba vòng thi bao gồm: vòng một tuyển sinh qua hồ sơ: các thí sinh giới thiệu hình ảnh, các năng khiếu khác như kinh nghiệm hoạt động và khả năng ngoại ngữ... Lọt qua vòng này, các thí sinh sẽ bước vào vòng thi chính với ban giám khảo gồm những chuyên gia đến từ Hàn Quốc và chuyên gia Việt Nam trực tiếp chấm thi. Ở vòng thi này, tiêu chí sẽ căn cứ theo tỉ lệ ngoại hình 40%, khả năng diễn xuất 40% và năng khiếu 20%. Sau vòng này, sẽ có 20 thí sinh xuất sắc nhất tranh tài ở vòng chung kết diễn ra vào ngày 7.11.2009 tại TP.HCM.

Tuy nhiên, ngay từ khi cuộc thi này khởi động, đã có không ít sự băn khoăn về cái danh hiệu “hoành tráng” đầy hấp dẫn: Siêu sao Việt Nam có khả năng cao để trở thành ngôi sao châu Á và hành trình ngắn ngủi để khẳng định “tôi là siêu sao” của thí sinh giành giải cao nhất của cuộc thi này. Đã không ít dư luận đặt câu hỏi: Chỉ với sự bảo trợ đào tạo trọn gói 365 ngày với lịch đào tạo về chuyên môn giải trí: diễn xuất cơ bản, múa hiện đại, luyện thanh, tạo dáng, trang điểm... tại Học Viện nghệ thuật MBC Academic; được học tiếng Hàn và văn hóa Hàn, được quảng bá thông qua một nhật báo... và sau khi đã trải qua đào tại sẽ được xuất hiện trên một đài truyền hình của Hàn Quốc, liệu “siêu sao” Việt Nam có trở thành “siêu sao” đúng nghĩa? Đem băn khoăn này hỏi một thành viên trong ban tổ chức thì thành viên này cũng cho rằng với thời gian học chỉ gói gọn trong 12 tháng như thế thì chắc chắn thí sinh sẽ không thể nào trở thành một “siêu sao” ngay khi khóa học kết thúc. Nhưng đại diện này hy vọng, với những chuyên môn cũng như kinh nghiệm mà thí sinh đã được học cùng với khả năng thiên phú có thể sẽ xuất hiện một ngôi sao Việt Nam và cũng có thể sẽ trở thành ngôi sao châu Á. Một băn khoăn khác, hết một năm đào tạo, nếu không trở thành “siêu sao”, liệu thí sinh ấy có tiếp tục được bảo trợ để theo đuổi danh hiệu này? Và có điểm khác biệt nào giữa “siêu sao Việt Nam” được học tiếng Hàn, am hiểu văn hóa Hàn, xuất hiện trên truyền hình Hàn, tham gia hoạt động diễn xuất , người mẫu cho nhà tài trợ... với các ngôi sao giải trí hàng đầu phải bỏ biết bao nhiêu công sức mới “trụ” được trong lòng công chúng Việt hiện nay mà chưa dám nhận mình đã là “siêu sao”?

Trong thời gian qua, có không ít cuộc thi tìm kiếm “thần tượng”, “ngôi sao” được tổ chức. Tuy nhiên, những “thần tượng”, “ngôi sao” lóe sáng từ các cuộc thi ấy hiện vẫn ở trong giai đoạn làm sao cho người ta không “quên” mình chứ không dám nhận mình đã thật sự trở thành “ngôi sao”, “thần tượng” trong lòng công chúng. Và những nhà tổ chức các cuộc thi này cũng không khẳng định 100% rằng sau cuộc thi, các “ngôi sao”, “thần tượng” sẽ nghiễm nhiên “đoạt” danh hiệu ấy mà không trải qua một thời gian dài rèn luyện bản thân, không ngừng nỗ lực vươn lên để khẳng định mình. Vì vậy, thiết nghĩ VSSC 2009 cũng nên khiêm nhường ở mức độ là cuộc thi tìm kiếm tài năng, tạo một cơ hội để thí sinh được học hỏi kinh nghiệm tiên tiến trong việc đào tạo ngôi sao ở Hàn Quốc hơn là tạo ra một danh hiệu “PR” hoành tráng với những ước mong mà rất khó để đạt được trong thực tế.

Nguồn: Văn Hóa Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast