Điều tiết nước vụ xuân để chống hạn cho vụ hè thu

(Baohatinh.vn) - Mực nước tại các hồ đập trên địa bàn tỉnh hiện đang ở mức quá thấp cho thấy nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất cho vụ hè thu đã hiện hữu. Bởi vậy, các địa phương cần phải chống hạn bắt đầu từ vụ xuân bằng các phương án điều tiết nước hợp lý.

Tiết kiệm từ vụ xuân

Cho đến thời điểm này, lượng mưa và mực nước tại các hồ đập lớn trên địa bàn tỉnh thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Hồ Kẻ Gỗ chỉ đạt gần 60%; hồ Thượng Tuy đạt 77% và hồ sông Rác đạt 85% so với dung tích thiết kế. Ngoài ra, mực nước tại nhiều hồ đập nhỏ khác, nhất là các địa phương ở huyện miền núi cũng đáng “báo động”. Trong tổng số 296 hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý, có 119 hồ đạt dung tích từ 80 - 100% thiết kế, 81 hồ đạt từ 50-80% và 96 hồ đạt dưới 50%.

Điều tiết nước vụ xuân để chống hạn cho vụ hè thu ảnh 1

Mực nước tại hồ Kẻ Gỗ chỉ đạt gần 60% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, trước nguy cơ hạn hán xẩy ra cao, tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn tập trung quyết liệt cho công tác chống hạn bằng các giải pháp phi công trình đề tiết kiệm nước. Việc các địa phương tuân thủ bỏ hẳn trà xuân sớm trong vụ xuân sẽ tiết kiệm được 3 đợt tưới từ 5-7 triệu m3. Bình thường, mỗi đợt tưới làm đất sẽ “ngốn” khoảng 30 triệu m3 nước của riêng hồ Kẻ Gỗ... Vì vậy, vụ xuân, các công ty quản lý công trình thủy lợi không mở nước làm đất mà huy động bà con nông dân đắp bờ giữ nước sau khi xuất hiện mưa.

Hương Sơn là một trong những điểm “nóng” về nguy cơ hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất, dân sinh năm 2015. Mực nước trong các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn huyện thấp nhất trong 10 năm qua, đặc biệt là các hồ lớn. Ông Phan Xuân Đức - Phó phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho biết: các hồ chứa lớn như Khe Cò, Vực Rồng, Cao Thắng, Khe Dẻ, Cơn Trường, Nội Tranh và hầu hết các hồ chứa nhỏ trên địa bàn mực nước chỉ đạt từ 33 - 60% so với dung tích thiết kế.

Trước thực trạng trên, huyện chỉ đạo các xã tập trung triển khai ngay các giải pháp quản lý công trình, điều hành tưới một cách tiết kiệm nhất. Theo đó, trước hết là cân đối nguồn nước tại các hồ đập để vận hành, điều tiết 1 cách hợp lý, đảm bảo tiết kiệm nước tưới trong vụ xuân. Ngay từ đầu vụ sản xuất, huyện huy động bà con nông dân ra quân nạo vét, khơi thông hệ thống kênh mương và củng cố bờ vùng, bờ thửa để giữ nước mặt ruộng nhằm tránh thất thoát.

Căn cứ vào nhận định xu thế thời tiết, thủy văn của các trung tâm khí tượng thủy văn và kết quả cân đối nguồn nước theo các phương án nêu trên thì dự báo vụ xuân năm 2015 cơ bản đủ nước tưới cho 52.520 ha lúa thuộc khu tưới của các hệ thống thủy lợi đảm nhận, trường hợp thời tiết bất lợi thì phải chống hạn cho khoảng từ 800 ha đến 1.000 ha vào thời kỳ gần cuối vụ.

Chống hạn cho hè thu

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương thì hiện tượng ElNinô khả năng ảnh hưởng đến tỉnh ta. Trong khi đó, hệ thống công trình thủy lợi chưa đồng bộ, nhiều công trình bị xuống cấp, thiếu kinh phí để sửa chữa, nâng cấp và ý thức bảo vệ công trình cũng như tiết kiệm nước của nhân dân nhìn chung chưa cao. Ông Phạm Đăng Nhật - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: Tình trạng thiếu nước, khô hạn có khả năng xảy ra trên diện rộng, xâm nhập mặn sẽ lấn sâu vào nội địa cao hơn năm 2014. Nếu mặn xâm nhập sớm với nồng độ cao sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước cung cấp cho hệ thống trạm bơm cho vụ hè thu năm nay, đặc biệt là hệ thống trạm bơm trên sông Nghèn, và sông Nhà Lê... Do đó, các địa phương, đơn vị quản lý các công trình thủy lợi phải dùng mọi biện pháp đồng bộ để tiết kiệm tối đa trong vụ xuân, dành nước cho dân sinh và sản xuất vụ hè thu năm 2015.

Ông Nguyễn Duy Hoàn - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết: Đối với vụ xuân, công ty sẽ có phương án bơm, tát, tưới luân phiên, tưới từng đợt đảm bảo đủ 100% diện tích nhưng trên tinh thần tiết kiệm nước cho vụ hè thu. Để chống hạn cho vụ hè thu, đơn vị sớm xây dựng các tình huống lượng mưa sẽ đạt trong các tháng cao điểm để có phương án cụ thể. Các hồ đập nhỏ giao cho các cụm, trạm thống nhất lịch với các địa phương để tưới hiệu quả và tiết kiệm nhất.

Những diện tích cao, xa, khó tưới như các địa phương: Thạch Văn, Thạch Lâm, Hương Long, Hương Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Phong, Kỳ Đồng có thể xảy ra tình trạng hạn hán, đơn vị chủ động đặt các trạm bơm để phục vụ kịp thời... Mỗi đợt mở nước công ty sẽ kiểm tra đồng ruộng và lấy ý kiến của 5 huyện, thành, đồng thời, thông báo trước 2-3 ngày đóng mở nước và lưu lượng đầu kênh để nhân dân chủ động điều tiết nước hợp lý.

Các địa phương cần tuân thủ sự điều tiết và phân phối nước của các trạm, cụm thủy nông, ưu tiên dẫn nước về các vùng có thể xẩy ra hạn hán, vùng cao, vùng xa trước, tuyệt đối phía đầu kênh không tưới sâu, không để nước chảy xuống các trục tiêu; trong quá trình tưới không được tự động điều tiết nước trên các kênh chính và kênh cấp I khi chưa được sự đồng ý của đơn vị quản lý.

“Để thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hiệu quả, các công ty quản lý và địa phương cần thường xuyên nạo vét, đào đắp các trục dẫn, kênh tưới, sửa chữa công trình; sửa chữa cửa cống bị rò rỉ, hư hỏng và lắp đặt trạm bơm giã chiến tại các điểm ”nóng”....”- ông Trần Đăng Nhật cho biết thêm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast