Chuyện những "người lính không quân hàm" trên sông ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Mùa nước cạn hay nước nổi, những thuyền viên tàu điều tiết giao thông của Công ty CP quản lý và xây dựng công trình giao thông Hà Tĩnh vẫn lặng lẽ cắm chốt canh luồng, giúp tàu thuyền trên sông được lưu thông an toàn. Họ là những “người lính không quân hàm" trên sông La.

Theo chân “lính” đường sông

Có dịp theo chân những thuyền viên tàu điều tiết, tôi mới hiểu hết những “cam go” trên “mặt trận” sông nước của những người lính không quân hàm. Đứng trên mũi tàu nhìn về chân cầu Thọ Tường (Đức Thọ) là mênh mông sông nước dòng La. Từng cơn gió từ mặt sông thổi mạnh táp vào mặt khiến tôi chuếnh choáng.

Chuyện những “người lính không quân hàm” trên sông ở Hà Tĩnh

Công việc điều tiết giao thông đường thủy nội địa đòi hỏi các thuyền viên phải có mặt trên sông 24/24h

Máy trưởng tàu điều tiết 275 Trần Văn Trường chia sẻ: “Gió trên mặt sông không mát mẻ như người đứng trên bờ tưởng đâu. Mùa mưa thì lạnh thấu xương mà mùa hè thì bỏng rát. Phải người quen với sóng, với gió mới chịu được”.

Thời điểm này, cầu Thọ Tường đang được tháo dỡ để thi công xây dựng mới nên nhiệm vụ điều tiết giao thông trên sông cũng vất vả hơn. Tàu thuyền ngược xuôi qua đây thời điểm này phải chậm rãi, cẩn trọng hơn trước nhiều. Các thuyền viên cũng phải liên tục dùng cờ lệnh phân luồng và thông báo tình hình qua chiếc loa cầm tay.

Chuyện những “người lính không quân hàm” trên sông ở Hà Tĩnh

Cano là phương tiện cơ động được dùng để điều tiết, phân luồng đảm bảo an toàn cho tàu thuyền khi qua khu vực nguy hiểm

Gần chân cầu Thọ Tường, mấy chiếc thuyền đang chờ “qua cầu”, trong khi phía trên, công việc tháo dỡ vẫn đang được tiến hành.

Máy trưởng Trần Văn Trường hô lớn: “Hạ xuồng!”. 2 thuyền viên nhảy xuống chiếc ca nô neo cạnh thân tàu, khởi động máy. Nhanh chóng tiếp cận mấy chiếc thuyền, thuyền viên Nguyễn Văn Linh phân luồng, thông báo hướng di chuyển và tốc độ cần thiết khi qua cầu cho tàu thuyền. Xong việc, ca nô quay lại cập mạn tàu.

Chuyện những “người lính không quân hàm” trên sông ở Hà Tĩnh

Thuyền viên phải thường xuyên quan sát, nắm bắt tình hình trên sông để đảm bảo phương tiện lưu thông an toàn, thuận lợi

Anh Linh cho biết, công việc của những thuyền viên điều tiết giao thông đường thủy nội địa rất vất vả, đòi hỏi sức khỏe, khả năng bơi lội và kỹ năng xử lý tình huống tốt. Trên sông không có biển báo, vạch kẻ đường, đèn hiệu như đường bộ nên tàu thuyền lưu thông tự do.

Cùng đó, việc tạm dừng, chuyển hướng phương tiện trên mặt nước rất khó nên nguy cơ va chạm, xảy ra tai nạn luôn hiện hữu. Vì vậy, thuyền viên điều tiết phải có mắt quan sát, bao quát mặt sông và nhìn được hướng di chuyển, tốc độ của tàu thuyền để kịp thời điều tiết, đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông trên sông.

Tàu là nhà, dân ven bờ là bạn

Trạm điều tiết có 8 người, làm việc, sinh hoạt trên 2 tàu lớn và 2 cano. Công việc thường trực là điều tiết giao thông đường thủy nội địa trên địa giới sông La, Ngàn Sâu, Ngàn Phố.

Công việc đòi hỏi thuyền viên phải mặt có trên sông 24/24h, đồng nghĩa với việc, những “người lính” phải coi tàu là nhà.

Chuyện những “người lính không quân hàm” trên sông ở Hà Tĩnh

Với những thuyền viên tàu điều tiết giao thông, tàu là nhà

15 năm gắn bó với công việc này, thuyền viên Phạm Thanh Hải đã quen lênh đênh cùng sông nước.

Anh Hải chia sẻ: “Nhà ở TP Vinh (Nghệ An), một tháng đôi lần tôi được về thăm gia đình rồi lại quay về đơn vị để nhận ca trực mới. Cuộc sống của anh em chúng tôi gói trọn trong không gian của chiếc tàu điều tiết này. Vừa làm việc, mọi người vừa thay nhau nấu nướng, tắm giặt. Ở như thế này lâu thành quen, giờ chúng tôi coi tàu là nhà rồi.”

Chuyện những “người lính không quân hàm” trên sông ở Hà Tĩnh

"Phòng khách" được các thuyền viên tận dụng làm "phòng ngủ"

“Nhà” của các "anh lính" điều tiết khá đơn sơ, chật chội. “Phòng khách” là một khoảng không gian rộng chưa đến 10m2 với những vật dụng thiết yếu. Dưới khoang tàu có bố trí phòng ngủ với một số giường tầng nhưng vì không gian bí bách nên các anh tận dụng luôn “phòng khách” làm “phòng ngủ”. Gian bếp cũng được bố trí kiểu “dã chiến” với một chiếc bếp gas, ít xoong nồi, bát đũa.

Anh Hải cho biết: “Cứ ít ngày anh em lại đi chợ một lần để mua lương thực, thực phẩm; nước uống thì mua nước sạch mang lên tàu, tắm rửa sinh hoạt thì dùng nước sông. Mùa mưa lũ, nước sông đục không dùng được thì anh em thay phiên nhau lên nhà dân tắm giặt nhờ.”

Chuyện những “người lính không quân hàm” trên sông ở Hà Tĩnh

Gian bếp chật hẹp với những đồ dùng thiết yếu

Công việc thường xuyên xa nhà, cắm chốt tại các địa phương nên những người thợ đường sông sống gần dân, gắn bó với dân cũng là điều dễ hiểu.

Không chỉ có người dân mà chủ các tàu thuyền khai thác cát, đánh bắt cá dọc bờ sông La cũng là những người bạn gắn bó thân thiết với các anh.

"Khi có việc gì xảy ra liên quan đến ATGT đường thủy, chính quyền, người dân địa phương đều thông tin, hỗ trợ chúng tôi nhiệt tình. Ngược lại, chúng tôi cũng thường xuyên lên bờ thăm hỏi, động viên và tuyên truyền quy định pháp luật về giao thông đường thủy cho người dân, chủ các tàu thuyền để họ chấp hành.” - máy trưởng tàu 275 Trần Văn Trường cho biết.

Chuyện những “người lính không quân hàm” trên sông ở Hà Tĩnh

Những nụ cười, cái vẫy tay của tàu thuyền qua lại là niềm vui giản đơn mà người "lính" đường sông nhận được sau mỗi ngày làm việc vất vả.

Vất vả, điều kiện sinh hoạt khó khăn thiếu thốn nhưng những thuyền viên tàu điều tiết giao thông đường sông cũng không thiếu những giờ phút thư giãn cùng sông nước. Thời gian rảnh rỗi các anh thường câu cá, đàn hát, giao lưu cùng các chủ tàu thuyền gần đấy.

Mỗi lần tàu thuyền qua lại an toàn, các anh nhận lại những nụ cười, cái vẫy tay chào như một lời cảm ơn của chủ tàu. Đó là niềm vui, hạnh phúc giản đơn mà công việc mang lại cho những "người lính" đường sông.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast