Thông tin và cách ứng xử của người làm báo

(Baohatinh.vn) - Nói đến báo chí, suy cho cùng là nói đến thông tin. Bởi vậy, việc tiếp cận, xử lý thông tin trở thành nhiệm vụ, đồng thời cho thấy kỹ năng, lương tâm của người làm báo.

thong tin va cach ung xu cua nguoi lam bao

PV Báo Hà Tĩnh phỏng vấn bà Nguyễn Thị Ánh - Phó Vụ trưởng Vụ tổng hợp Ban Tuyên giáo trung ương bên lề lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh

Đòi hỏi nhiều từ một thông tin

Rất khó để tưởng tượng được rằng, đến một thời điểm như hiện nay, hệ thống báo chí gồm cả báo in và báo điện tử đều bị thách thức bởi những đối thủ “ngoại lệ” là mạng xã hội mà mạnh mẽ nhất là facebook. Với facebook, chỉ cần một smarthphone, công dân có

thể trở thành một người đưa tin theo đúng nghĩa. Hơn thế, ưu điểm “ăn đứt” báo chí về mặt cung cấp thông tin của facebook đó là truyền tin “ngay và luôn”. Vì thế, 2 xu hướng hiện nay đã xuất hiện: Người làm báo tiếp cận, khai thác và xử lý thông tin từ facebook; các bài báo hầu hết đều được người đọc chia sẻ và tiếp cận qua facebook, xu hướng này đang lấn át thao tác tiếp cận từ các địa chỉ báo.

Thách thức từ mạng xã hội đang gây áp lực lên đội ngũ người làm báo, đặt ra những yêu cầu mới trong thời kỳ hiện đại. Khi một thông tin đến với người làm báo thì công việc đầu tiên là tiếp cận ngay với nguồn tin. Tiếp cận (từ xa hoặc trực tiếp) để tìm hiểu thực chất và kiểm chứng tính chất, mức độ của thông tin. Nhưng, nếu như thế vẫn chưa đủ, vì rất có thể nguồn tin đó chưa đủ độ tin cậy do tính chất, nhãn quan cá nhân chi phối. Công việc tiếp theo là phải khai thác từ những nguồn khác có liên quan đến thông tin. Trong một số trường hợp, càng nhiều nguồn tin xác nhận về một thông tin thì tính thuyết phục càng lớn.

Trong kỷ nguyên số, với chiếc smathphone, mỗi người có thể đọc tin tức, lướt hình ảnh, xem video... Bởi vậy, người làm báo phải thật sự trăn trở để tận dụng “đa phương tiện” nhằm chinh phục bạn đọc. Lựa chọn hình thức nào hiệu quả nhất để truyền tải thông tin ngay khi tiếp cận - đó phải là suy nghĩ trước khi triển khai bất kỳ một nội dung nào của người làm báo.

Lựa chọn hình thức truyền tải thông tin còn phải tính đến trên các loại hình báo chí. Ví dụ như đối với một tờ báo, có những trường hợp cần tin tức kịp thời, báo điện tử là giải pháp tiện ích nhất. Nhưng, cần khai thác sâu hơn, phóng viên cần phát huy thế mạnh của báo in. Báo in có sức thuyết phục và chức năng riêng mà báo điện tử khó so sánh được. Đó cũng là lý do mà tại Mỹ, dẫu xu hướng báo in có “co” lại, song vẫn còn gần 1.500 nhật báo và 8.200 tuần báo (The Missouri Group trong cuốn Nhà báo hiện đại, Nxb Trẻ).

thong tin va cach ung xu cua nguoi lam bao

Phóng viên Báo Hà Tĩnh và các báo bạn tác nghiệp tại vùng lũ Hòa Hải - Hương Khê (tháng 10/2016).

Lương tâm và trách nhiệm xã hội

Làm báo đòi hỏi rất nhiều phẩm chất và không ai là người hoàn bị. Nhưng, yếu tố hàng đầu của mỗi người làm báo khi cung cấp thông tin là phải đảm bảo tính chính xác, thể hiện được lương tâm và trách nhiệm xã hội. Thông tin của một tài khoản facebook khác với thông tin của một tờ báo, không chỉ là vì anh ta làm việc một mình, tòa soạn là làm việc có tổ chức, mà quan trọng hơn, anh ta mang lập trường cá nhân, còn nhà báo mang lập trường đại diện. Người làm báo thông qua tác phẩm báo chí phải chuyển tải được: Sự chân thực, tính nhân văn, tính định hướng.

Câu hỏi “làm gì?” khi tiếp cận được một thông tin phải là câu hỏi luôn được đặt ra đối với người làm báo. “Làm gì?” không chỉ là các thao tác để khai thác thông tin (liên lạc thế nào với nguồn tin, cách tiếp cận sự việc, sự kiện…) mà còn phải tính đến ngay cả khi người làm báo đã “bỏ túi” thông tin đó. Nếu một người làm báo ưa thích “câu view”, anh ta hoàn toàn xử lý thông tin khác với một nhà báo có xu hướng khác. Và, rất có thể, những bài báo “câu view” ấy không những không có lợi mà còn gây hại đối với công chúng, sâu xa hơn là phương hại đến văn hóa, ứng xử của con người. Điều cần thiết nhất khi “bắn” một thông tin thoát ra khỏi tầm kiểm soát của mình là phải xác định: Có lợi hay không có lợi cho dư luận.

Đối với một số sự việc, sự kiện, việc tiếp cận với các tổ chức, cá nhân liên quan là điều bắt buộc phải làm, bởi vì, thông tin từ nhà chức trách là thông tin chính thống, có độ tin cậy. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là, một số lãnh đạo các cấp thiếu hiểu biết về quy định của pháp luật, đã tìm mọi cách từ chối tiếp xúc với phóng viên khi có sự việc cần nhà chức năng lên tiếng. Chính điều đó gây bất lợi cho dư luận vì thông tin bị trễ hoặc chưa đúng sự thật.

Liên quan đến câu hỏi “làm gì?” còn tính đến trường hợp, người làm báo có đủ thông tin về một sự việc, sự kiện nhưng cần cân nhắc đến việc triển khai vì rất có thể thông tin không có lợi cho quốc gia, dân tộc. Điều này liên quan đến lập trường của tác giả cũng như của tòa soạn, chẳng hạn như những đề tài nhạy cảm về tôn giáo, dân tộc, về biển Đông… trong khi các thế lực thù địch đang lợi dụng tôn giáo và bịa đặt về các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”… xuyên tạc, kích động, xúi giục người dân vi phạm các quy định của pháp luật nhằm chống đối Đảng, Nhà nước, thậm chí “xét lại” các vấn đề thuộc về hằng số lịch sử.

Lâu nay, đây đó vẫn có nhiều người cho rằng, báo chí là tiếng nói của dân. Thế nhưng, người dân và cả những người làm báo đều phải sống trong một quốc gia có định chế. Bởi vậy, báo chí, kể cả các tờ báo Đảng và các tờ báo khác cũng phải là tiếng nói của Đảng và Nhà nước dưới hình thức này hay hình thức khác. Cái quan trọng của báo chí vẫn là tính định hướng mà cơ sở của định hướng là đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điều này giúp chúng ta hiểu vì sao, trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, các nhà báo đều lăn xả hết mình trên các trận địa để thông tin về chiến trường, tất cả hướng tới một mục tiêu duy nhất: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tính nhân văn và cái đẹp

Cái đẹp và tính nhân văn cũng là một thước đo đối với việc xử lý thông tin báo chí. Trước một thông tin, người làm báo có trách nhiệm, ngoài việc chú trọng tính trung thực, cần phải tính đến tính nhân văn và tính thẩm mỹ. Mặc dù áp lực về cạnh tranh thông tin là thách thức lớn đối với người làm báo, nhưng không vì thế mà bỏ qua 2 yêu cầu này. Ngay khi tiếp cận thông tin và quan trọng nhất là xử lý thông tin, người làm báo phải làm sao chuyển tải được tính nhân văn trong đó. Đó là thông tin có trách nhiệm. Gần đây, bạn đọc than phiền rất nhiều vì lượng thông tin “rẻ tiền”, thậm chí phản cảm hoặc quá đà trong mô tả (như ảnh cận cảnh ghê rợn về người tử vong do tai nạn) dầu cập nhật rất nhanh sự việc, sự kiện. Đó là chưa nói, một số thông tin có xu hướng kích động bạo lực, cổ xúy những lối sống lệch lạc, phản nhân văn... Thế nhưng, thông tin vẫn được đăng tải và phát tán rộng. Đây là vấn đề mà các nhà quản lý báo chí cần vào cuộc một cách có hệ thống từ trung ương đến địa phương.

Xử lý thông tin là nghiệp vụ, kỹ năng nhưng qua đó còn cho thấy chiều sâu của một người làm báo, hơn thế, thể hiện quan điểm và xu hướng của một tòa soạn. Không ai là người rất giỏi cũng chẳng ai là người quá kém trong tiếp cận nguồn tin. Nhưng, chúng ta vẫn có một thước đo, mà thước đo ấy đã tồn tại từ ngày đầu báo chí xuất hiện: Tính chân thực, tính nhân văn, tính thẩm mỹ, sự hấp dẫn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast