V-League: Kẻ đổi đời, người lo vượt khó

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc huy động nguồn vốn lớn để duy trì và phát triển đội bóng là không hề dễ dàng. Những đội nhanh nhạy trong cách làm và được sự chống lưng từ các doanh nghiệp đã có hướng đi tươi sáng, còn một số CLB thiếu hụt tài trợ đang đối mặt với nhiều áp lực…

Trong khi Than.QN (trái) ổn định về tài chính thì SLNA vẫn quay cuồng với nỗi lo cơm áo gạo tiền

Trong khi Than.QN (trái) ổn định về tài chính thì SLNA vẫn quay cuồng với nỗi lo cơm áo gạo tiền

XIN CHÀO “ĐẠI GIA” ĐẤT MỎ!

Có thể khẳng định, Than.QN hiện là “đại gia” ở V-League. Với sự tài trợ của Công ty khai thác khoáng sản vàng Hà Giang do ông bầu chịu chơi Phạm Mạnh Hùng đứng đầu, đội bóng đất Mỏ đang thay da đổi thịt từng ngày. Nếu ở mùa giải 2014, Than.QN lao đao về tài chính và để xảy ra tình trạng cầu thủ đình công vì chưa được trả tiền lót tay, thì nay đội bóng chủ sân Cẩm Phả đã “khác xưa nhiều lắm”.

Với ngân quỹ lên đến 70 tỷ đồng, họ giữ chân được hàng loạt ngôi sao và vừa qua mua thêm những tên tuổi như Hồng Quân, Quang Hải. Sở dĩ Than.QN có số tiền lớn như vậy là họ nhận từ nguồn ngân sách của tỉnh và đặc biệt là từ các nhà tài trợ cũng như túi tiền của bầu Hùng. “Làn gió mới” mang tên Than.QN đang khiến bức tranh V-League bớt đi sự đơn điệu ở góc độ tài chính khi họ có thể sánh ngang với B.BD hay HN.T&T, những đại gia lâu năm của bóng đá Việt Nam.

Ở mùa giải 2014, B.BD đã chi hơn 20 tỷ đồng tiền thưởng cho chức vô địch V-League và vừa qua, họ còn đưa về sân Gò Đậu nhiều bản hợp đồng giá trị như Công Vinh, Xuân Thành, Xuân Luân... Với nguồn tài chính không dưới 70 tỷ đồng, B.BD tiếp tục là “tay chơi thượng hạng” ở mùa giải 2015.

NỖI LO CỦA NHỮNG ĐỘI NHÀ NGHÈO

Có lẽ ngay chính NHM đất Cảng cũng không thể hình dung nổi, đội bóng Hải Phòng lại có sự đi xuống khó tin về tài chính! Giai đoạn 2008-2013, Hải Phòng nổi tiếng về sự chịu chi với những khoản tiền khoảng 50-60 tỷ đồng/năm. Đây là cái tên đáng nể trên thị trường chuyển nhượng cũng như ở khía cạnh chi trả lương, thưởng. Thế nhưng, V-League 2014 và hiện nay, đội bóng đất Cảng đối mặt nhiều khó khăn về tài chính. Sau khi Vicem không còn tài trợ cho đội bóng nữa, Hải Phòng chuyển đổi cơ chế hoạt động và gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tiền. Đến nay, họ vẫn đang gồng mình để có được 35 tỷ đồng, đúng như yêu cầu của BTC V-League 2015.

Trong khi đó, SLNA cũng quay cuồng với nỗi lo “cơm áo, gạo tiền”. Đội bóng xứ Nghệ không phải chi trả tiền lót tay cho cầu thủ nội và đang tính đến phương án chỉ dùng một ngoại binh để giảm số tiền phải chi. Ông Nguyễn Hồng Thanh - TGĐ Công ty CP bóng đá SLNA, nói rằng số tiền 35 tỷ đồng cho 1 năm hoạt động là cả ước mơ của đội bóng nên họ phải tính toán chi ly để có thể duy trì đội bóng. Bất lợi cho SLNA là mùa giải 2015 họ phải mất khoản tiền lớn cho việc mua sắm trang phục tập luyện và thi đấu bởi nhà tài trợ Kappa đã nói lời chia tay khi V-League 2014 khép lại.

Nếu SLNA, Hải Phòng hay phần nào đó là cả Đồng Tháp gặp những khó khăn lớn về tài chính thì các đội QNK.QN, Thanh Hóa, HA.GL, SHB.ĐN, ĐT.LA, XSKT.CT đều có được sự ổn định và dù mua sắm nhiều cầu thủ nhưng họ vẫn an tâm về túi tiền để phát triển đội bóng.

Trong gian khó, tình yêu và cách làm bóng đá phù hợp với thời thế của các đội đã và đang xây dựng nên những tên tuổi cho bóng đá Việt Nam. Và sự cố gắng cũng như nhiệt huyết của các CLB là điều đáng mừng cho bóng đá nước nhà để hướng đến mùa giải 2015 với nhiều niềm tin và hy vọng về những điều tốt đẹp.

Theo Bongdaplus

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast