Làm gì khi hàng chục ngàn cặp vợ chồng ở Hà Tĩnh thờ ơ với... tránh thai?

(Baohatinh.vn) - Số liệu từ ngành Dân số cho thấy, năm 2017, Hà Tĩnh có hơn 60.800 cặp vợ chồng chưa sử dụng biện pháp tránh thai, năm 2018 tăng lên với gần 64.682 cặp. Trước thực trạng đó, ngành đã tập trung cao để thực hiện đề án của Bộ Y tế.

Ngày 22/2/2019, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 718/QĐ-BYT về việc phê duyệt đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến năm 2030. Đây là quyết định quan trọng thúc đẩy việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, góp phần giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, tăng tính bền vững của công tác dân số trong tình hình mới.

Làm gì khi hàng chục ngàn cặp vợ chồng ở Hà Tĩnh thờ ơ với... tránh thai?

Xu hướng xã hội hóa các phương tiện tránh thai đã bắt đầu được người dân lựa chọn

Theo thống kê của Bộ Y tế, nhu cầu tránh thai ở các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chưa được đáp ứng các biện pháp KHHGĐ còn chiếm tỷ lệ cao. Cụ thể, còn 11,2% chị em trong nhóm phụ nữ có chồng, 22,7% trong nhóm phụ nữ chưa chồng và 34,3% trong nhóm thanh niên, vị thành niên.

“Hiện tại, việc thực hiện các biện pháp tránh thai bằng dụng cụ tử cung, thuốc tiêm tránh thai được cung cấp miễn phí cho người dân, còn các biện pháp tránh thai khác chỉ được cấp cho các đối tượng thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo. Tuy nhiên, số lượng bao cao su, thuốc uống tránh thai, thuốc cấy tránh thai từ Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số đã bị cắt giảm nhiều so với những năm trước và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Do vậy, để đảm bảo cung cấp các dịch vụ KHHGĐ đáp ứng nhu cầu cho hàng ngàn người trong độ tuổi sinh đẻ cần phải đẩy mạnh xã hội hóa. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng dân số ở Hà Tĩnh” - Ông Nguyễn Trung Kiên - Trưởng phòng Truyền thông Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh cho biết.

Làm gì khi hàng chục ngàn cặp vợ chồng ở Hà Tĩnh thờ ơ với... tránh thai?

Đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyên truyền là một trong những giải pháp nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện các biện pháp DS/KHHGĐ

Để nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể về vai trò và tầm quan trọng xã hội hóa các phương tiện tránh thai, ngành dân số đã tăng cường tuyên truyền, tập huấn. Chi cục DS/KHHGĐ Hà Tĩnh đã tổ chức các chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ tại các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn khó khăn, đông dân cư, có mức sinh cao và đăng ký về đích nông thôn mới.

Cùng với đó, tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ thêm cho cộng tác viên dân số 200.000 đồng nếu vận động được một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện triệt sản, 30.000 đồng nếu vận động được một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã có 2 con trở lên đặt vòng tránh thai. Chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ cũng đã được cải thiện bởi đưa vào các dịch vụ kỹ thuật cao như: Siêu âm bộ máy sinh sản, soi cổ tử cung, soi tươi và cấp thuốc điều trị cho chị em.

Việc thực hiện xã hội hóa các biện pháp tránh thai cũng được các địa phương chủ động thông qua các hoạt động tiếp thị xã hội, qua mạng lưới cán bộ, cộng tác viên dân số.

Làm gì khi hàng chục ngàn cặp vợ chồng ở Hà Tĩnh thờ ơ với... tránh thai?

Huyện Thạch Hà đã thực hiện việc niêm yết giá bán sản phẩm tránh thai, số điện thoại cán bộ tư vấn tại các trạm y tế

Ông Phạm Bá Quyền - Giám đốc Trung tâm DS/KHHGĐ huyện Thạch Hà cho biết: “Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đề án, chúng tôi đã tham mưu UBND huyện ban hành công văn về việc chỉ đạo đăng ký tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai. Thay vì bán trao tay qua đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số như trước đây, việc bán các phương tiện tránh thai được chuyển giao về các trạm y tế và phân công 1 viên chức của trạm chịu trách nhiệm tư vấn dịch vụ qua điện thoại. Cùng với đó, vận động các hiệu thuốc đăng ký bán sản phẩm phương tiện tránh thai và in niêm yết giá bán sản phẩm, số điện thoại cán bộ tư vấn công khai tại các trạm y tế để người dân liên hệ”.

Việc xã hội hóa dịch vụ tránh thai nhằm thay đổi thói quen người dân từ bao cấp đến tự chi trả. Đó cũng là nỗ lực nhằm nâng cao trách nhiệm cho người dân trong việc thực hiện chính sách, quy định về công tác DS/KHHGĐ.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast