Đồng bộ, thông thoáng trong tiếp cận với thủ tục hành chính tại các đặc khu

(Baohatinh.vn) - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn cho rằng, cần đồng bộ, thông thoáng trong tiếp cận với các thủ tục hành chính tại các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc...

dong bo thong thoang trong tiep can voi thu tuc hanh chinh tai cac dac khu

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn thảo luận tại hội trường

Tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo luận luận hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Góp ý về dự án, đại biểu Nguyễn Văn Sơn cho rằng, cần thiết ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của 3 đơn vị: Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, với thể chế vượt trội để tạo được sự tăng trưởng, trong đó đặc biệt quan tâm về đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy, góp phần thử nghiệm cho các địa phương và cả nước.

Đại biểu đồng tình phương án 1: Tổ chức chính quyền địa phương theo Điều 37 và Điều 76, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được tổ chức thành các khu hành chính trực thuộc, không tổ chức HĐND và UBND mà thực hiện thiết chế trưởng đặc khu, do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân cấp, phân quyền mạnh, có những thẩm quyền ngang với cấp tỉnh, nhiều nội dung được trực tiếp xin ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, có mối quan hệ trực thuộc địa phương trên một số lĩnh vực về hành chính, về cơ chế giám sát chuyên ngành và hệ thống chính trị.

Về cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đây là nội dung hết sức quan trọng về độ mở của chính sách, thể hiện đặc thù và đặc biệt, thực sự là môi trường thỏa đáng, năng động trong đầu tư phát triển…

Với 5 nhóm chính sách cụ thể cho thấy việc đã có ưu đãi vượt trội, tuy nhiên cần quan tâm nhất lại là sự thuận lợi đồng bộ trong tiếp cận thông thoáng với thủ tục hành chính, các quy trình chấp nhận phê duyệt các dự án, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Ban soạn thảo cần rà soát để các nội dung, chính sách thông thoáng hơn và có những đầu mối cụ thể để xử lý các vướng mắc, những vấn đề đặt ra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Tại Mục 5, Chương IV về tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan khác, ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phần nhiệm vụ quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cần có một nghị định chung, thay vì hướng dẫn của từng bộ, ngành để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ…

Về chính sách đặc thù, đại biểu đồng tình nên quy định chính sách đặc thù chung cho 3 đơn vị và đặc thù riêng của mỗi đơn vị để thể hiện sự thống nhất, liên thông. Ngoài phát triển thế mạnh của mỗi đơn vị, sự liên thông giữa 3 đơn vị này hết sức ý nghĩa, vừa góp phần cạnh tranh chung và cạnh tranh với thế giới, nhất là các sản phẩm của mỗi đơn vị.

Chủ đề ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HĐND CÁC CẤP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast