Ngư dân điêu đứng vì tàu dạ!

Chưa bao giờ vùng biển ngang Hà Tĩnh lại bị đội tàu dạ (tàu đánh bắt hải sản bằng lưới quét) ngoại tỉnh hoành hành như thời gian gần đây. Hàng chục cặp tàu dạ với công suất lớn, tần suất hoạt động cao đã phá hủy nhiều ngư cụ, khiến hàng trăm gia đình ngư dân Hà Tĩnh trở nên điêu đứng! Thế nhưng, chính quyền và ngành chức năng lại đang “bó tay” trước những vi phạm của những tàu này...

Tàu dạ phá lưới ngư dân

Từ bao đời nay, gần như 100% hộ dân làng biển Bắc Lạc (Thạch Lạc - Thạch Hà) đều phải bám biển mưu sinh. Nhờ lộc biển và đức tính cần cù, chắt chiu nên cuộc sống người dân từng bước khấm khá. Thế nhưng, vài năm gần đây, nhất là từ tháng 4/2013 lại nay, cuộc sống của ngư dân bị xáo trộn nghiêm trọng bởi liên tục bị các tàu dạ ngoại tỉnh hoành hành trên ngư trường của mình. Những tấm lưới, những bóng bẫy mực được đầu tư hàng chục triệu đồng, đêm đêm bị các tàu dạ càn quét qua, cào đi theo sóng biển! Nhiều hộ ngư dân khốn đốn vì không còn ngư cụ đánh bắt.

Cha con anh Lành vá lại tấm lưới do tàu dạ cào phá hỏng. Ảnh: Chính Thu
Cha con anh Lành vá lại tấm lưới do tàu dạ cào phá hỏng. Ảnh: Chính Thu

Đang cùng cậu con trai chằm vá tấm lưới vừa sót lại sau vụ “càn” của tàu dạ cách đây ít hôm, anh Trần Văn Lành cho biết, gia đình anh ngoài 2 vợ chồng còn có 6 đứa con; cuộc sống nhờ cậy vào biển. Vậy nhưng, vài năm nay, tàu dạ xuất hiện quá nhiều, gia đình anh liên tục bị mất lưới nên đời sống vô cùng khó khăn. Từ tháng 4 đến nay, gia đình anh đã bị tàu dạ cuốn lưới đến 3 lần. Gần đây, nhất là vào ngày 7/7, cặp tàu dạ lạ đã cuốn phăng 50 tấm lưới rê. Trước đó không lâu, các tàu dạ cũng đã cuốn mất của anh 300 sải lưới khác và 60 bóng bẫy mực, tổng thiệt hại khoảng 55 triệu đồng. “Mỗi lần mất lưới cứ phải chạy vạy khắp nơi lo tiền để sắm lại. Nếu không, lấy gì nuôi 6 đứa con ăn học. Khổ nỗi, cứ cầm lưới đi thả, lại cứ nơm nớp lo tàu dạ; lại phải cầu trời khấn phật cho bình yên” - anh Lành chia sẻ.

Cách nhà anh Lành chừng dăm chục mét là ngôi nhà tồi tàn của anh Nguyễn Đức Nho. Bần thần ngồi bệt trên đống lưới vừa bị tàu dạ phá nát, anh Nho cho biết: “Khoảng 3 năm nay, tàu dạ liên tục xâm lấn ngư trường và kéo mất lưới của chúng tôi. Nhưng, gần đây, các tàu này hoạt động dày hơn và liều lĩnh hơn. Mới đây nhất, vào lúc 17h30’ ngày 24/6/2013, trong lúc tôi đang chuẩn bị ra biển thu lưới về thì nhận được điện thoại báo là tàu dạ 1212 TH (Thanh Hóa) đang cào lưới của tôi. Khi ra đến nơi thì tàu kia đã đi xa. Chúng “cuỗm” mất của tôi 18 tấm; số còn lại bị giằng tan nát. Không riêng tôi, mà anh Thoan, anh Dũng thả cùng tôi cũng đều bị tàu dạ cướp mất! Chúng tôi đã nhiều lần báo cáo lên chính quyền và biên phòng, nhưng chỉ cách đây vài ngày mới thấy Đồn Biên phòng Cửa Sót và chính quyền tổ chức cùng ngư dân phối hợp truy quét 1 lần”.

Không riêng gì Thạch Lạc mà ngư dân cả mấy xã biển ngang Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên đều đang khốn khổ vì nạn tàu dạ ngang nhiên vào phá hoại ngư trường. Theo số liệu từ các địa phương, riêng 3 xã Thạch Hải, Thạch Lạc, Thạch Trị, thời gian qua đã bị tàu dạ kéo mất 9.000m lưới; làm hư hỏng trên 1.000m và “cuỗm” luôn số hải sản, gây thiệt hại cho ngư dân các địa phương nói trên hàng tỷ đồng…

Ngành chức năng bất lực?

Theo Đại úy Võ Tá Nguyên – Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Sót, hiện tại, trên khu vực biển Lộc Hà vào Cẩm Xuyên có hàng chục cặp tàu dạ, chủ yếu là của ngư dân Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi. Các tàu này đều có công suất lớn, nhiều cặp từ 250 CV trở lên, với khoảng 30 thuyền viên. Theo quy định, các tàu này chỉ được đánh ngoài khơi, ở độ sâu từ 50m nước trở lên. Việc các tàu này vào đánh vùng gần bờ, vùng lộng là vi phạm quy định. Nghiêm trọng hơn, với lưới rộng, dài hàng trăm mét, có cặp tàu dạ có thể “vơ” sạch mọi thứ trong phạm vi chúng “càn” qua. Thế nhưng, việc truy bắt các tàu này là rất khó.

Một tấm lưới của ngư dân biển ngang Hà Tĩnh bị tàu lưới dạ phá nát. Ảnh: Thăng Long
Một tấm lưới của ngư dân biển ngang Hà Tĩnh bị tàu lưới dạ phá nát. Ảnh: Thăng Long

“Cách đây chừng chục ngày, khi chúng tôi tuần tra phát hiện tàu dạ vi phạm, không những chủ tàu không chấp hành lệnh kiểm tra mà còn manh động lao thẳng tàu vào thuyền tuần tra. Lực lượng biên phòng nếu sử dụng tàu của ngư dân, cùng lắm cũng chỉ cỡ 15 CV nên khi gần tiếp cận được, kể cả cách chừng mấy mét, họ phóng chạy thì cũng không thể nào đuổi kịp. Ngược lại, nếu sử dụng tàu to của biên phòng, sẽ bị phát hiện từ đằng xa. Khi đến nơi thì họ đã kéo lưới lên thuyền, không thể xử lý được. Chúng tôi đang lập kế hoạch để đấu tranh, nhưng cơ bản cũng chỉ là đẩy đuổi” - Đại úy Võ Tá Nguyên cho biết thêm.

Ông Trần Xuân Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: Theo Nghị định 33/2010/NĐ-CP của Chính phủ, ngư trường đánh bắt được chia thành 3 vùng: ven bờ, vùng lộng và vùng khơi. Riêng vùng ven bờ (từ bờ ra khoảng 5-7 hải lý, tương đương khoảng 10 km), thì tàu thuyền tỉnh nào đánh trên biển tỉnh đó và công suất tàu không quá 20 CV.

Vậy nhưng, trước thực trạng tàu dạ ngoài tỉnh xâm phạm ngư trường các xã vùng bãi ngang Hà Tĩnh trong thời gian qua, vai trò của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản hầu như cũng chẳng thể phát huy bởi khó khăn trong vấn đề kinh phí. Hiện Chi cục mới chỉ được trang bị một tàu kiểm ngư; kinh phí cũng chỉ đủ khoảng 5-7 chuyến/năm với thời gian mỗi chuyến tuần tra khoảng… 5 giờ đồng hồ!

Lời kết

Việc tàu dạ ngoài tỉnh xâm phạm ngư trường ven bờ và phá hỏng nhiều ngư cụ của ngư dân ta thời gian qua thực sự là vấn đề nhức nhối. Hàng trăm hộ ngư dân trở nên điêu đứng vì bị tàu dạ tước mất công cụ sinh nhai. Vụ việc ngư dân Thanh Hóa (đánh tàu dạ công suất lớn) bị tấn công trên vùng biển huyện Lộc Hà vừa qua, phải chăng cũng xuất phát từ nguyên nhân “tức nước vỡ bờ” này! Đã đến lúc ngành chức năng cần có biện pháp mạnh để đảm bảo trật tự đánh bắt trên biển, tạo môi trường sản xuất yên bình, giúp ngư dân yên tâm bám biển.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast