Lễ chùa đầu năm cần phải chú ý điều gì?

Đi lễ chùa là nét đẹp từ lâu đời của người dân Việt Nam, nhất là vào ngày mùng 1 Tết - khoảng thời gian liêng thiêng nhất của năm.

Người Việt xưa nay thường có tục lệ vào ngày này sẽ đến những không gian linh thiêng như đền, chùa, phủ để cầu may mắn, xin tài lộc, bình an cho cả gia đình.

Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, trong số những lễ tiết đó thì Tết Nguyên đán là dịp rất quan trọng trong tiềm thức của người dân Việt Nam. Tùy từng nơi, có thể giao thừa xong, người dân sẽ lên chùa để xin lộc đầu năm, hoặc đi lễ vào một trong 3 ngày Tết.

le chua dau nam can phai chu y dieu gi

Không nên mưu cầu quá nhiều lợi lộc khi đi chùa (Ảnh minh họa IT)

Lộc là biểu tượng của mùa xuân, của sự sinh sôi nảy nở. Lộc có thể hiểu là sức khỏe, công danh. Tuy nhiên, một số người quan niệm lộc đầu năm là các chồi non của cây cối nên đi bẻ cành, hái lộc làm phá hoại môi trường.

Ngoài ra, có gia đình đi lễ quá coi trọng lễ vật, đốt nhiều tiền vàng vì cho rằng lễ vật càng to càng được phù hộ và xin được càng nhiều tài lộc. GS Ngô Đức Thịnh cho rằng quan trọng nhất vẫn là lòng thành của mỗi người khi tìm về chốn linh thiêng.

Từ xưa, khi lên chùa người ta cũng mang theo một chút tiền. Ông cha ta gọi tiền đó với tên rất giản dị tiền “giọt dầu” để cùng góp một phần nhỏ vào hoạt động của đền chùa. GS Thịnh khuyên người dân không nên rải quá nhiều tiền lẻ, hay giắt cả tiền vào tay tượng Phật. Điều này sẽ tạo ra một hình ảnh phản tín ngưỡng và không có văn hóa.

Cách sắm lễ vật khi đi chùa đầu năm mới

– Chùa là nơi thanh tịnh nên khi sắm sửa lễ vật bạn phải chọn những lễ chay như hương, hoa quả tươi, oản, xôi chè và cấm kị lễ vật mặn như một số người thường mang lên chùa.

– Dâng lễ mặn chỉ được áp dụng trong trường hợp đền chùa đó có các vị Thánh, Mẫu, Thành Hoàng,… Các vị này thường an tọa ở các khu ngoài chính điện. Lễ mặn có thể dâng gồm gà, giò, chả, rượu, trầu cau.

– Đi chùa có thể chuẩn bị tiền giấy âm phủ và hương. Tiền “giọt dầu” hãy để vào hòm công đức,

– Dâng hoa ở các đền chùa nên chọn các loại hoa thanh tao như hoa sen, hoa huệ, mẫu đơn, hoa cúc… Tránh dùng những loại hoa lạ, hoa dại.

Cách hành lễ khi đi chùa

Hành lễ đi chùa cũng cần có phép tắc và thứ tự. Trước hết hãy đặt lễ vật lên và thắp hương ở chính điện trước.

Sau khi đặt lễ và thắp hương ở chính điện thì đi đến các ban thờ khác để đặt lễ và dâng hương. Nếu đình chùa có nhà thờ Tổ, nhà Hậu thì cũng cần phải ghé qua. Cuối buổi lễ sau khi lễ tạ để hạ lễ thì nên đến trai giới hay phòng khách để thăm hỏi và trò chuyện với các nhà sư và công đức nếu có.

Ngoài ra, khi đến chỗ linh thiêng, người dân cần chú ý mặc trang phục kín đáo, trang nghiêm.

Cách khấn bái khi lễ chùa

Khấn ở ban Tam Bảo

Nam mô a di đà phật (3 lần 3 lạy)

Đệ tử con nay thành tâm kính lạy mười phương chư Phật

Hôm nay là ngày, tháng , năm. Đầu xuân năm mới, tín chủ con là… ngụ tại…

Con thành tâm dâng lễ bạc cùng sớ trạng lên mười phương thường trụ Tam Bảo. Kính xin chư vị rủ lòng từ bi, phù hộ độ trì cho con được... (công danh, tài lộc, nhân duyên, sức khỏe)...

Chúng con người trần phàm tục còn nhiều lỗi lầm, cúi mong Phật Thánh từ bi đại xá để cho con và gia đình được tai qua nạn khỏi, mọi sự bình an, sở cầu như ý.

Tín chủ chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin phù hộ độ trì.

Nam mô a di đà Phật (3 lần 3 lạy)

Khấn bồ Tát, thánh hiền

Tương tự như khấn ở Tam bảo chỉ cần thay ở đoạn “Đệ tử con nay thành tâm kính lạy mười phương chư Phật” thành ban bệ cần khấn.

Ngoài ra, người dân có thể thành tâm khấn nôm theo ý hiểu của mình. Không nên mưu cầu quá nhiều về lợi lộc cá nhân.

Theo Lao động

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast