Bất cập trong xây mới cống qua đê Cẩm Trung

Sau 5 thập kỷ oằn lưng bảo vệ tính mạng và tài sản cho hàng ngàn hộ dân, từ năm 2009 đến nay, 6 trong tổng số gần 10,2 km đê Cẩm Trung (Cẩm Xuyên) được nâng cấp. Cùng với nâng khả năng chống sóng biển, triều cường, điều các hộ dân sống trong đê quan tâm là vấn đề tiêu thoát lũ sớm được giải quyết. Tuy nhiên, niềm mong ước nhỏ nhoi này xem ra vẫn khó thành do những bất cập trong việc xây mới cống qua đê.

Vừa dứt những ngày mưa tầm tã nên công trường Dự án nâng cấp đê biển - đê cửa sông xã Cẩm Trung vắng hoe. Thấy người lạ xuất hiện, ông Trần Đình Tuấn, một hộ dân sống trong đê đoạn thuộc địa phận xóm 7 - xã Cẩm Lĩnh bèn ngừng ngay việc vườn bước ra.

Nhiều ý kiến cho rằng cống cũ có khi còn tiêu thoát lũ tốt hơn cống mới
Nhiều ý kiến cho rằng cống cũ có khi còn tiêu thoát lũ tốt hơn cống mới

Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, tuy lúc đó còn nhỏ nhưng bản thân ông Tuấn đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đắp tuyến đê Trung – Lĩnh để bảo vệ mùa màng và cả tính mạng cho cư dân địa phương. 2 năm nay (năm 2009 thi công đoạn xung yếu nhất từ K5+063 đến K6+110 (dài 1.047m) với giá trị xây lắp 17,4 tỷ đồng; năm 2010 thi công đoạn từ K1+800 đến K5+063 và từ K6+110 đến K7+800 (dài 4.953m) với giá trị xây lắp 45,15 tỷ đồng), thấy con đê già cỗi được kiên cố hóa, ông Tuấn phấn khởi ra mặt.

Song, “niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi từ đầu mùa mưa bão đến nay, bản thân ông Tuấn cùng hàng chục hộ dân xóm 7 và hàng trăm hộ dân thuộc xã Cẩm Lộc ở phía sâu trong đồng luôn sống trong thấp thỏm lo nước lũ ngập nhà. Tác nhân gây hại vẫn không ai khác ngoài cái cống tiêu vợi nằm dưới đê có tên Cẩm Trường (đoạn k2+901).

Ông Tuấn cho biết, cống cũ rộng độ 2m thoát lũ không nổi đã đành nhưng giờ làm cống mới cách đó vài mét thấy độ rộng không khác gì còn cao độ đặt thấp hơn thì xem như chẳng giải quyết được vấn đề gì cả. Dân ngập bao năm nay lại cứ ngập thôi.

Đông đảo người dân Cẩm Lĩnh bày tỏ quan ngại về khẩu độ và cao độ cống mới
Đông đảo người dân Cẩm Lĩnh bày tỏ quan ngại về khẩu độ và cao độ cống mới

Mải nghe ông Tuấn phân trần, tôi không biết có khá đông người dân sống sát đê đã vây lấy từ lúc nào để thi nhau “tố” bất cập khi xây dựng cống mới. “Có một miệng cống đó mà làm khổ dân chúng tôi nhiều năm rồi. Nếu không sửa lại, chúng tôi không cho bịt cống cũ nữa. Phải để mà thoát cho nhanh không thì ngập hết”, một trung niên trong đám đông lớn tiếng.

Ông Trần Quốc Lựu – Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết, nhiều năm nay, nếu hè thu gặt muộn thì sẽ bị ngập lụt do miệng cống cũ nhỏ, thoát không kịp. Tuy chưa nhận được văn bản chính thức từ xóm 7 nhưng thực tế người dân phản ánh là có cơ sở. Tiếc là, quá trình khảo sát không thấy cơ quan tư vấn thiết kế tham vấn chính quyền hay nghe góp ý từ dân sở tại.

Mang bức xúc của hàng chục hộ dân xóm 7 – xã Cẩm Lĩnh đến BQL các dự án XDCB huyện Cẩm Xuyên, được ông Hoàng Duy Trung – Trưởng ban, cho biết: Sau hơn 10 tháng chính thức thi công, gói thầu này ước đạt 65% giá trị hợp đồng khi đã hoàn thành đắp đất đỉnh đê đến cao trình thiết kế, lát cấu kiện bê tông đúc sẵn mái đê phía sông và biển, đổ xong bê tông phần thân và tường cánh 3 cống qua đê… Sau khi nhận được phản ánh của dân về vấn đề ngập lụt, Ban đã cử cán bộ tìm hiểu và thấy, nguyên nhân gây ngập lụt trước nay là do quy trình vận hành giữa các cống trên đê không đồng nhất nên lũ thoát không đều dẫn đến nơi cần thoát thì thoát không kịp.

Cũng theo ông Trung, trong gần 5 km chiều dài của gói thầu này có 3 cống dưới đê, trong đó cống đoạn k2+901 tập trung lượng nước lớn hơn nên chủ đầu tư đã yêu cầu đơn vị tư vấn khoanh lưu vực rộng đến 80ha. Về cao độ, cống mới đặt cao hơn cống cũ 0,5m.

Thật khó để hạ bút chấm điểm kỹ thuật và mỹ thuật cho hạng mục cống
Thật khó để hạ bút chấm điểm kỹ thuật và mỹ thuật cho hạng mục cống

Liên quan đến vấn đề kỹ thuật giữa cống mới và cống cũ, ông Vương Đạo Hiên – Giám đốc Công ty CP tư vấn xây dựng Bảo Lộc (299, đường Phong Định Cảng, TP Vinh, Nghệ An) lý giải: Thực ra, đường kính cống mới nhỏ hơn nhưng khẩu độ cửa van của hai cống đều bằng nhau (rộng 2m). “Tôi không nhớ chính xác cao độ đáy giữa hai cống chênh lệch bao nhiêu nhưng thực tế cống mới đặt thấp hơn cống cũ. Việc này sẽ giúp tiêu thoát lũ nhanh hơn. Nói vậy không có nghĩa cống đặt càng thấp thì tiêu tốt vì trường hợp thấp quá sẽ bị triều bồi lắng”, ông Hiên cho hay.

Cả ông Trung và ông Hiên đều có lí của mình nhưng xét kỹ thì thấy ý kiến của dân khá thuyết phục, bởi cống đoạn k2+901 là cống tiêu vợi, nằm giữa cửa lạch nên dĩ nhiên lượng nước đổ về khá lớn trong khi 2 cống còn lại chỉ là 2 cống cạn, lượng nước tập trung qua đây ít hơn nhiều. Hơn nữa, không phải lúc nào nước trong đồng ở cống k2+901 cũng có thể xả ra biển vì còn phụ thuộc vào nước triều; đồng nghĩa, nếu muốn tận dụng triệt để khi triều xuống để xả thì miệng cống phải đủ lớn để thoát trong một khoảng thời gian nhất định.

Chuyện tưởng có thế, nhưng vẫn chưa hết. Đó là, ngay từ đầu, trong phương án thi công, nhà thầu Công ty CP xây lắp Thành Vinh đã không tính chuyện vượt lũ. Bởi thế, giữa tháng 9 vừa qua, khi mưa bão liên tục đe dọa nhưng đơn vị này vẫn không có kế hoạch bảo vệ cống. Chỉ khi đoàn kiểm tra PCLB tỉnh nhắc nhở, nhà thầu này mới vội vàng đào đất đắp quai sanh thượng lưu để bịt vội cho xong chuyện. Trước đó, phần đổ bê tông thân cống, tường cánh, đặt rãnh phai... của đơn vị này cũng không thỏa mãn yêu cầu kỹ thuật và mỹ thuật.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast