Huy động các nguồn lực xã hội phục vụ công tác dạy nghề cho lao động nông thôn

Sáng nay (2/7), Sở LĐ-TB&XH tổ chức hội thảo chuyên đề “Công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Sơn chủ trì hội thảo.

Trong những năm qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) bước đầu đã có chuyển biến và đạt được một số kết quả tích cực. Các chính sách mới về dạy nghề cho (LĐNT) được cụ thể hóa phù hợp với điều kiện của tỉnh; xây dựng thành công một số mô hình dạy nghề cho (LĐNT) làm cơ sở để triển khai nhân rộng.

Một bộ phận LĐNT sau khi học nghề đã có việc làm mới, qua đó góp phần hình thành một số mô hình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ có hiệu quả, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.

Qua 3 năm (2010-2012) thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đã tổ chức được 496 lớp dạy nghề, với 14.799 học viên. Ngoài ra, tỉnh ta còn thực hiện lồng ghép các chương trình dự án khác để hỗ trợ LĐNT nghề theo chính sách của Quyết định 1956-QĐ/TTg, với số lượng 3.284 học viên.

Đối với các nghề nông nghiệp, học viên sau đào tạo có việc làm trên 75%. Trong đó, phần nhiều là đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người lao động; số khác thực hiện chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, thành lập hợp tác xã sản xuất … Gần 74% lao động phi nông nghiệp có việc làm sau đào tạo, trong đó được doanh nghiệp tuyển dụng gần 15%.

Tại hội thảo, các đại biểu nêu và phân tích một số vấn đề trọng tâm như: công tác dạy nghề cho LĐNT vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Việc triển khai công tác đào tạo còn chậm, thiếu đồng bộ, một số nghề đào tạo chưa phù hợp với điều kiện của địa phương; thiếu định hướng dài hạn, chưa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch nông thôn mới, nhất là quy hoạch sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và thị trường.

Một số địa phương còn coi trọng số lượng, chưa quan tâm đến chất lượng đào tạo; đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của người học và người sử dụng lao động cả về chất lượng và cơ cấu ngành nghề.

Công tác tư vấn, hướng nghiệp học nghề được thực hiện trên cơ sở điều kiện, khả năng của các cơ sở dạy nghề, chưa căn cứ vào nhu cầu của xã hội. Mạng lưới cơ sở dạy nghề còn một số bất cập, cơ sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về dạy nghề thiếu về số lượng và yếu về nghiệp vụ. Công tác tuyên truyền, phổ biến về dạy nghề cho LĐNT chưa sát thực tế, chưa phong phú về hình thức.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đánh giá cao công tác đào tạo nghề, GQVL cho LĐNT trong thời gian qua. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng, nhận thức của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền về vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vai trò của công tác dạy nghề cho LĐNT chưa đầy đủ. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương không xác định chỉ tiêu, giải pháp cụ thể cho công tác này; thiếu chính sách cụ thể để huy động các nguồn lực xã hội phục vụ công tác dạy nghề cho LĐNT. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành liên quan trong tổ chức thực hiện chưa chặt chẽ.

Trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần chú trọng công tác dạy nghề cho LĐNT; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp, các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh trong công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vị trí chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vai trò của công tác dạy nghề LĐNT bằng các hình thức và cách thức tổ chức mang lại hiệu quả cao. Chú trọng công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động của chính quyền địa phương và các cơ sở dạy nghề...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast