Nỗi niềm công nhân nhà máy gạch

(Baohatinh.vn) - Các nhà máy sản xuất gạch đang gặp nhiều khó khăn trong SXKD nên người lao động làm việc trong lĩnh vực được xem là nặng nhọc và độc hại này có mức thu nhập thấp và chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Điều này đã tác động không nhỏ đến chiến lược phát triển của từng doanh nghiệp (DN).

Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có hơn 3.000 lao động đang làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp sản xuất gạch. Hầu hết số lao động này đều được tuyển dụng tại các địa phương DN đứng chân. Vì vậy, phần lớn là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo và tay nghề không cao.

Nỗi niềm công nhân nhà máy gạch ảnh 1

Là một trong những doanh nghiệp đi đầu về sản xuất gạch ngói nhưng Công ty CP Gạch ngói Cầu Họ (Cẩm Xuyên) vẫn không thể khắc phục các nhược điểm về môi trường làm việc và công tác đảm bảo ATVSLĐ cho đội ngũ công nhân.

Tại nhà máy, những công nhân này chỉ làm công việc nặng nhọc, theo thói quen và gần như không được chủ sử dụng lao động gửi đi đào tạo, nâng cao tay nghề và ý thức làm việc. Do đó, ý thức lao động của công nhân chưa có nhiều chuyển biến, tác phong làm việc tùy tiện, chưa thể hiện được tinh thần trách nhiệm đối với sản phẩm cũng như với DN.

Trong lao động sản xuất, lực lượng này cũng thiếu các sáng kiến kinh nghiệm, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào thực tiễn. Điều này dẫn đến năng suất hạn chế, mức thu nhập của công nhân nhà máy sản xuất gạch thuộc diện thấp nhất trong các lĩnh vực kinh tế hiện nay. Theo khảo sát, bình quân thu nhập của công nhân làm việc dài hạn trong các nhà máy gạch dao động từ 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng và tình trạng nợ lương, chậm lương, nghỉ việc tùy tiện diễn ra như “cơm bữa”…

Trong bối cảnh SXKD đang gặp nhiều khó khăn, DN chưa xác định rõ lộ trình phát triển nên các quyền lợi hợp pháp và lợi ích chính đáng của người lao động chưa được quan tâm đầy đủ, kịp thời theo quy định hiện hành. Hầu hết nhà máy, xí nghiệp sản xuất gạch chưa có ý thức đóng bảo hiểm cho công nhân, nếu tham gia thì cũng chỉ “lấy lệ” với số lượng ít, mức đóng thấp, thậm chí nợ. Cá biệt, một số nơi còn “lách” luật bằng cách ký kết lao động dưới hình thức thời vụ dưới 3 tháng nhiều lần. Điều này khiến người lao động bị thiệt thòi khi đến tuổi nghỉ chế độ, ốm đau, thai sản và một số trường hợp rủi ro khác.

Thực tế, nhiều trường hợp, DN phải tạm ứng tiền cho công nhân khi đến tuổi nghỉ theo chế độ vì sổ bảo hiểm bị “gác” do đơn vị nợ bảo hiểm. Thậm chí, nhiều lao động phải đi “gõ cửa” DN và các cơ quan chức năng để giải quyết quyền lợi chính đáng của mình. Thực trạng này xẩy ra khá lâu, các đoàn kiểm tra, thanh tra phát hiện, xử lý nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh.

An toàn vệ sinh lao động cũng là một vấn đề đáng bàn. Nhiều dây chuyền công nghệ lạc hậu nhưng vẫn được DN đưa vào hoạt động nên dễ xẩy ra sự cố. Thế nhưng, công tác tuyên truyền, tập huấn, giáo dục nâng cao ý thức cho người lao động về an toàn vệ sinh lao động chưa được DN quan tâm, còn người trong cuộc thì thờ ơ. Các hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng thiếu quyết liệt và sâu sát nên các quy định của pháp luật về lĩnh vực này chưa được thực thi đầy đủ.

Trong các nhà máy còn thiếu “góc xưởng an toàn”, môi trường chưa “xanh - sạch - đẹp” và những khẩu hiệu như “Tăng cường văn hóa an toàn lao động và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ nơi làm việc” gần như chỉ mang tính hình thức. Thay vào đó là không gian đầy bụi bẩn, ồn ào và mất an toàn. Tại khu vực sản xuất, những người lao động trực tiếp không đeo khẩu trang, găng tay; thiếu kiến thức bảo đảm an toàn khi làm việc…

Ý thức lao động hạn chế, hiệu quả làm việc không cao, tay nghề chưa được cải thiện, đời sống chưa được quan tâm đúng mức thì rất khó để công nhân cống hiến hết mình cho sự phát triển của DN. Do đó, sẽ thiếu nguồn lực quan trọng để xây dựng thương hiệu cũng như tiến tới lộ trình chuyển đổi hình thức sản xuất trong tương lai. Để giải quyết vấn đề này là điều không dễ và hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của chủ sử dụng lao động lẫn người lao động.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast