Hà Tĩnh thường trực phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ

Sau lũ, môi trường, nguồn nước sinh hoạt, nguy cơ dịch bệnh đang là vấn đề cấp thiết đối với các địa phương ở Hà Tĩnh. Nhằm giúp nhân dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống, ngành y tế đang tích cực chỉ đạo, phân công cán bộ bám sát địa bàn thường trực phòng chống dịch bệnh.

Nước rút đến đâu, xử lý vệ sinh môi trường đến đó

Ngay sau khi nước rút, toàn thể cán bộ và nhân dân xã Thạch Thanh (Thạch Hà) đã tổ chức chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường. Tất cả các trường học, trạm y tế, chợ và các điểm có rác trôi dạt về tập trung đều được thu gom sạch sẽ và phun hoá chất khử trùng.

Cán bộ Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Tĩnh hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước
Cán bộ Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Tĩnh hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước

Ông Lê Danh Hán – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Thanh cho biết: Toàn xã có 9/9 xóm đều ngập. Vấn đề VSMT rất nan giải. Tuy nhiên, nước rút đến đâu, chúng tôi tập trung xử lý môi trường đến đó. Hiện, 6 xóm nước rút đều đã được xử lý môi trường, còn lại 3 xóm, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục xử lý sau khi nước rút.

Bác sỹ Lê Công Sinh – Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng huyện Thạch Hà cho biết: 31/31 xã của Thạch Hà đều bị ngập, trong đó có 1500 hộ gia đình bị ngập, đi kèm là tương đương 1500 giếng nước và hơn 1000 công trình vệ sinh bị ngập… Để đảm bảo công tác xử lý môi trường sau mưa lũ, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương bằng cách chỉ đạo cho các trạm y tế xã tham mưu cho UBND các xã ra quân làm các chiến dịch VSMT ngay sau khi nước rút, đồng thời tổ chức truyền thông, hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý. Riêng Trung tâm YTDP huyện đã thành lập 2 đội cơ động với 10 cán bộ về các địa bàn giám sát, hỗ trợ người dân, đồng thời triển khai phun hoá chất khử trùng tại các trạm xá, trường học, các điểm công cộng ngay sau khi được dọn dẹp vệ sinh. Đến nay, chúng tôi đã phân bổ về các xã 2.000 viên và 140 kg CloraminB và 35 cơ số thuốc phòng chống dịch bệnh sau lũ.

Trường mầm non xã Thạch Thanh (Thạch Hà) hoàn tất việc vệ sinh, môi trường, chuẩn bị đón các em trở lại lớp

Trường mầm non xã Thạch Thanh (Thạch Hà) hoàn tất việc vệ sinh, môi trường, chuẩn bị đón các em trở lại lớp

Tại xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên), công tác VSMT đang diễn ra khẩn trương. Nước rút đến đâu người dân dọn dẹp vệ sinh và cán bộ y tế phun thuốc khử trùng đến đó. Anh Nguyễn Thanh Đào - Trưởng trạm Y tế xã cho biết: Toàn xã bị ngập, nhiều vùng ngập sâu. Mấy ngày nước lớn, chúng tôi rất khó khăn trong vấn đề xử lý. Tuy nhiên, đến nay, tất cả xác súc vật chết đều đã được xử lý đúng qui trình, đảm bảo vệ sinh. Chúng tôi đang tập trung xử lý các trường học để các em đến trường. Còn tại các thôn, người dân tự dọn dẹp vệ sinh và xử lý môi trường, nguồn nước theo sự hướng dẫn của cán bộ y tế thôn.

Ông Nguyễn Văn Hiến – Giám đốc Trung tâm YTDP Hà Tĩnh cho biết: Cùng với việc chỉ đạo các huyện, thị, thành tích cực vào cuộc giúp dân xử lý VSMT sau lũ lụt, chúng tôi cũng đã thành lập các đoàn cán bộ thường xuyên xuống tận các địa bàn giám sát, hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương với tinh thần khẩn trương xử lý, không để ô nhiễm môi trường, đặc biệt là phải đảm bảo nguồn nước uống, sinh hoạt cho người dân.

Thường trực phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ

Đến thời điểm này, trạm y tế xã Phương Mỹ (Hương Khê) vẫn còn ngập sâu trong nước. Theo ông Hoàng Đăng Thông – Phó Trạm trưởng, tầng 1 vẫn còn ngập sâu 2,5 m. Cán bộ trạm đã phải di dời tất cả các vật tư, dụng cụ thiết yếu qua UBND xã để phục vụ người dân. Cán bộ và nhân dân nơi đây vừa xử lý xong môi trường, đang tập trung khám chữa các bệnh do hậu quả từ đợt mưa lũ trước thì lại thêm một trận lũ nữa đến. Mệt mỏi vì liên tiếp khắc phục hậu quả nhưng cán bộ y tế ở đây vẫn không dám lơ là. Mất của đã đành, nhưng sức khoẻ của người dân cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Nếu xuất hiện dịch bệnh nữa thì…

Phun thuốc khử trùng tại các trường học, trạm y tế và những nơi công cộng sau khi được dọn vệ sinh
Phun thuốc khử trùng tại các trường học, trạm y tế và những nơi công cộng sau khi được dọn vệ sinh

Theo thống kê của Trung tâm YTDP huyện Hương Khê, đến nay, toàn huyện đã có 1.458 người mắc bệnh ngoài da, 1.707 người bị đau mắt, 108 trường hợp bị tiêu chảy. Bác sỹ Trịnh Đình Văn - Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh – HIV/AIDS cho biết: Nước rút đến đâu, chúng tôi xử lý môi trường đến đó nhưng việc xuất hiện dịch bệnh sau lũ là điều khó tránh khỏi. Hiện những người làm công tác TYDP đang bám sát địa bàn, thường trực phòng chống dịch bệnh, nhất là đề phòng dịch sốt xuất huyết xuất hiện trở lại.

Bác sỹ Phan Thị Ninh – Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết: Nguy cơ dịch bệnh sau lũ là nỗi lo thường trực của ngành. Đối với các trạm y tế bị ngập lụt, ngành đã chỉ đạo di dời nhưng vẫn đảm bảo phục vụ người dân trong lũ. Các cơ sở khám chữa bệnh luôn sẵn sàng thuốc, xe cứu thương và các điều kiện cần thiết cho việc điều trị. Ngành đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn về trực tiếp tại các vùng ngập lụt trọng điểm giúp đỡ người dân chăm sóc sức khoẻ và phòng bệnh như: Trạm Da liễu thì khám và chữa các bệnh ngoài da, Trạm Mắt tập trung phòng và chống đau mắt, hệ thống YTDP thường trực giúp dân xử lý môi trường, nguồn nước và phòng chống các dịch bệnh nói chung…

Hiện nay, ngành Y tế Hà Tĩnh đang huy động tối đa các nguồn lực và vào cuộc quyết liệt với mục tiêu hạn chế tối đa bệnh dịch xảy ra sau lũ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast