Việt Nam cần ưu tiên cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nghèo bền vững

Ngày 9-6, Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) năm 2011 đã diễn ra tại TP Hà Tĩnh. Hội nghị đã thành công tốt đẹp từ công tác chuẩn bị, tổ chức các chuyến thực địa đến chương trình nghị sự. Hội nghị đạt sự thống nhất cao về những nội dung được đưa ra bàn bạc, thảo luận.

Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam:

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc, Giám đốc WB tại Việt Nam Victoria Kwakwa và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự phát biểu chào mừng và khai mạc hội nghị. Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2011 có 4 chủ đề chính được các nhà hoạch định chính sách, các nhà tài trợ thảo luận, gồm: tái lập và củng cố tình hình kinh tế vĩ mô: cập nhật tình hình thực hiện Nghị quyết 11 và kết quả bước đầu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, sự minh bạch trong ngân sách, hiệu quả đầu tư công và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; vấn đề bảo vệ người nghèo trước sự bất ổn của kinh tế vĩ mô; chống tham nhũng trong công nghiệp khai khoáng; báo cáo diễn đàn hiệu quả viện trợ.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành đã trình bày những kết quả bước đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thể hiện ở các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; trong lĩnh vực tài khóa và ngân sách; đầu tư công và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: Bám sát các định hướng của Nghị quyết 11, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lãi suất thị trường, tỷ giá ở mức hợp lý và kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán, dư nợ tín dụng; điều hành linh hoạt các mức lãi suất chính sách, phù hợp với diễn biến thị trường và mục tiêu kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động các tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm an toàn hệ thống, đặc biệt là tính thanh khoản và chất lượng tín dụng; kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán 15-16% và tín dụng dưới 20%, lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý; xây dựng và ban hành các quy định mới về quản lý thị trường ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng đảm bảo cân đối nguồn ngoại tệ cho các nhu cầu nhập khẩu hàng hóa thiết yếu và ổn định thị trường vàng trong nước.

Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trò chuyện với các đại biểu là các nhà tài trợ
Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trò chuyện với các đại biểu là các nhà tài trợ

Về các nội dung thực hiện Nghị quyết 11 trên lĩnh vực tài khóa và ngân sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, sẽ quyết tâm hoàn thành vượt 7-8% dự toán thu NSNN năm 2011; tổ chức điều hành NSNN theo hướng thắt chặt, tiết kiệm, hiệu quả; phấn đấu giảm bội chi NSNN dưới 5% GDP; tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường đối với một số mặt hàng quan trọng; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã ban hành; tiếp tục hoàn thiện một số nội dung quan trọng nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch NSNN.

Ông Cao viết Sinh - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết: Thực hiện khẩn trương và nghiêm túc Nghị quyết 11, đầu tư công năm 2011 chỉ còn 36% so với tổng đầu tư. Trong thời gian tới tiếp tục cơ cấu lại đầu tư nguồn vốn xã hội, theo hướng giảm dần đầu tư công, tăng dần tỷ trọng đầu tư tư nhân; sử dụng nhiều phương thức huy động như BOT, BT và PPP ( công - tư kết hợp).

Về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, ông Sinh đưa ra các giải pháp: Trong thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung vào hình thức cổ phần hóa, coi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là giải pháp then chốt trong quá trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, chú trọng kiện toàn tổ chức hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn; tiến hành rà soát lại ngành nghề kinh doanh, danh mục đầu tư, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động. Đặc biệt, thay đổi mạnh mẽ về bản chất quá trình quản trị nội bộ doanh nghiệp nhà nước, cơ chế giám sát từ phía cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước phải được tăng cường; tiếp tục nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Các đối tác chiến lược đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho Việt Nam trong vấn đề tái lập và củng cố ổn định kinh tế vĩ mô. Ông Benedic Bingham - Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam, cho rằng: “Thách thức trước mắt là phải xử lý được xu hướng tăng lên của lạm phát và ngăn không cho nuôi dưỡng một kỳ vọng lạm phát cao hơn và gây nên áp lực lên tiền đồng”.

Các đại biểu đến dự hội nghị CG
Các đại biểu đến dự hội nghị CG

Đại diện IMF nhấn mạnh: Việc chính phủ đưa ra một tín hiệu mạnh mẽ rằng sẽ tiếp tục cam kết thực hiện chiến lược nêu trong Nghị quyết 11 trong các năm sau 2011 sẽ rất quan trọng. Một cam kết chính trị về các mục tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp, sẽ là một bước quan trọng đầu tiên hướng tới việc nâng cao sự tín nhiệm đối với khuôn khổ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Đại sứ Úc tại Việt Nam – ông Allaster Cox có quan điểm: Chính phủ cần tránh sử dụng các biện pháp hành chính phi thị trường, ưu tiên xây dựng các hạ tầng chủ chốt, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực là giải pháp đột phá để Việt Nam phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, duy trì mức phát triển hợp lý của Việt Nam không chỉ là mục tiêu của năm 2011 mà còn của những năm tiếp theo. Trả lời câu hỏi của các đối tác, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết 11 với các chính sách tiền tệ, linh hoạt; quản lý chặt chẽ đảm bảo đầu tư công của doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả; giảm bội chi năm 2011 xuống dưới 5%; dành ngân sách đầu tư cho tương lai, cho con người và hạ tầng xã hội; quyết tâm thực hiện chương trình giảm nghèo.

Tại hội nghị, các đối tác chiến lược đã dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo vệ người nghèo trước sự bất ổn về kinh tế. Đại diện Liên hợp quốc chúc mừng những kết quả bước đầu trong việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ người nghèo đối phó lại với tác động của sự bất ổn từ kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, các biện pháp này có thể không đến được với những đối tượng cần nhất. Việt Nam cần có một hệ thống bảo trợ xã hội thống nhất, dành cho tất cả mọi người và cần theo dõi chặt chẽ các tác động của lạm phát đối với người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương.

Hội nghị lần này cũng nghe báo cáo kết quả đối thoại về phòng chống tham nhũng trong quản lý và khai thác khoáng sản. Các đối tác phát triển bày tỏ sự phấn khởi trước việc Chính phủ Việt Nam tham gia diễn đàn đối thoại chống tham nhũng và mong muốn diễn đàn được tiếp tục một cách thẳng thắn, hiệu quả hơn.

Hội nghị CG thu hút gần 100 PV báo chí trong nước và quốc tế theo dõi, đưa tin
Hội nghị CG thu hút gần 100 PV báo chí trong nước và quốc tế theo dõi, đưa tin

Tại hội nghị, các đối tác đánh giá hiệu quả các chương trình viện trợ đối với Việt Nam. Các nhà tài trợ tiếp tục phối hợp tốt hơn để giúp Việt Nam nâng cao lợi thế so sánh, sử dụng hiệu quả những phương thức viện trợ để phát triển bền vững.

Phát biểu bế mạc hội nghị, bà Vitoria Kwakwa và ông Võ Hồng Phúc đánh giá cao kết quả Hội nghị CG lần này. Hội nghị đã thành công tốt đẹp từ công tác chuẩn bị, tổ chức các chuyến thực địa đến chương trình nghị sự. Hội nghị đạt sự thống nhất cao về những nội dung được đưa ra bàn bạc, thảo luận. Các đối tác nhận thấy Việt Nam là nước tiếp nhận và sử dụng viện trợ có hiệu quả và cam kết tiếp tục ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế mới.

Các đại biểu đánh giá cao sự nhiệt tình và nỗ lực trong công tác chuẩn bị của chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh để góp phần quan trọng mang lại thành công cho hội nghị.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast