Bám sát đồng ruộng để kịp thời phòng trừ dịch hại trên cây trồng vụ đông xuân

Theo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, hiện nay, lúa đông xuân đang trổ rộ, lạc sinh trưởng tốt, các loại cây trồng khác sinh trưởng bình thường. Tuy nhiên, do nắng nóng xen kẽ mưa rào nên các đối tượng dịch hại đã phát sinh, gây hại và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng từ nay đến cuối vụ.

Thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho thấy, trên cây lúa, diện tích nhiễm rầy lứa 2 đến thời điểm ngày 11/5 là 1.010 ha; các huyện có diện tích nhiễm rầy cao là Can Lộc 361 ha, Thạch Hà 200 ha, Đức Thọ 200 ha, Cẩm Xuyên 85 ha...; mật độ trung bình từ 500 - 1.000 con/m2, nơi cao 4.500 - 5.000 con/m2, chủ yếu rầy tuổi 5, trưởng thành, với các giống nhiễm bệnh là IR35366, IR1820, QR1, P6, BC15, P290...; dự báo rầy lứa 3 ra rộ từ ngày 15/5 trở đi và khả năng gây thiệt hai về năng suất lúa rất lớn. Cũng trên cây lúa, đã có 2.850 ha bị nhiễm bệnh khô vằn với tỉ lệ trung bình 5 - 10%, nơi cao 20 - 35%, phân bổ hầu khắp các địa phương trong tỉnh.

Nếu không phòng trừ rầy kịp thời thì lúa đông xuân sẽ đối mặt với nguy cơ giảm năng suất, chất lượng
Nếu không phòng trừ rầy kịp thời thì lúa đông xuân sẽ đối mặt với nguy cơ giảm năng suất, chất lượng

Trên cây lạc, sâu xanh, sâu khoang phát sinh gây hại với diện tích nhiễm 49ha, phân bổ ở Hương Sơn, Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân..., mật độ trung bình 3 - 5 con/m2, nơi cao 10 - 15 con/m2; sâu phổ biến tuổi 5, tuổi 6 và nhộng, dự báo sâu non tuổi 1, tuổi 2 lứa tiếp theo sẽ phát sinh, gây hại thời điểm từ 20/5 trở đi (trùng với thời kỳ cây lạc phát triển quả, vào chắc).

Để đảm bảo cho sản xuất đông xuân thắng lợi toàn diện cả về diện tích, năng suất lẫn sản lượng thì việc chủ động phòng trừ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do các đối tượng dịch hại gây ra đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi thế, trong công điện số 12 ngày 14/5/2012, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện/thành phố/thị xã chỉ đạo phòng chuyên môn, các phòng, ban liên quan và UBND các xã/phường/thị trấn phân công cán bộ bám sát cơ sở để nắm chắc diễn biến của rầy, bệnh khô vằn hại lúa; sâu xanh, sâu khoang hại lạc nhằm chủ động chỉ đạo phòng trừ kịp thời.

Cụ thể, đối với rầy, cần điều tra, xác định mật độ, giống lúa bị nhiễm, cắm vè trên những diện tích đó, đồng thời tiến hành phòng trừ khi mật độ đạt từ 750 con/m2 bằng các loại thuốc như: Victory 585EC, Wavotox 585EC, Dragon 585EC, riêng số diện tích trổ sau ngày 15/5 thì tiếp tục theo dõi quá trình tích lũy của rầy và chủ động phòng trừ theo quy trình kỹ thuật; đối với bệnh khô vằn, phát hiện kịp thời và tiến hành phun sớm khi bệnh chớm xuất hiện bằng các loại thuốc hóa học như: Vida 5SL, Tilsuper 300ND, Cavil 50SC; đối với sâu xanh, sâu khoang hại lạc, theo dõi diễn biến tình hình phát sinh sâu trên đồng ruộng để xác định thời điểm sâu non tuổi 1 lứa tiếp theo ra rộ, khi phát hiện mật độ sâu trên 10 con/m2 thì tiến hành phòng trừ kịp thời bằng thuốc hóa học; đối với sâu đục thân 2 chấm, cần theo dõi và diệt trừ bằng các loại thuốc như: Padan 95SP, Tango 800WP...

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chủ động phòng trừ rệp, bệnh chảy gôm, sâu nhớt trên cây ăn quả, sâu róm phát sinh hại thông trong điều kiện nắng nóng, khô hạn kéo dài. Một vấn đề không nên xem nhẹ là phải điều chỉnh chế độ nước hợp lý, tập trung thu hoạch kịp thời lúa đông xuân chín sớm, đồng thời chuẩn bị các điều kiện (giống ngắn ngày, phân bón...) để chủ động triển khai vụ hè thu kịp thời vụ.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành là Sở NN&PTNT, cần chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cử cán bộ bám sát cơ sở làm tốt công tác dự tính, dự báo, phối hợp với các địa phương hướng dẫn tổ chức chỉ đạo phòng trừ dịch hại kịp thời, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại các địa phương để ngăn chặn, xử lý việc tăng giá và bán thuốc kém chất lượng; thường xuyên báo cáo diễn biến dịch hại và kết quả phòng trừ ở các địa phương về UBND tỉnh để có hướng chỉ đạo kịp thời.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast