Đồ mộc Thái Yên - Trăm người bán, vắng người mua...

Có lẽ, chưa bao giờ làng mộc Thái Yên (Đức Thọ) lại vắng khách như năm nay. Khác với không khí tấp nập thường thấy trước đây, suốt cả buổi rong ruổi trong làng mộc, chúng tôi không hề gặp chiếc xe nào đến “ăn hàng”.

Ông Nguyễn Viết Báu - Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Không hiểu vì sao, từ đầu năm đến nay, làng mộc vắng khách một cách lạ thường. Hàng hóa ế ẩm chưa từng thấy. Nhiều gia đình làm mộc hiện đang rơi vào khó khăn vì hàng không bán được”.

Trước đây, dịp tết thì xe to, xe nhỏ vào mua hàng tấp nập; ngày thường, không nhiều thì cũng gặp dăm ba chiếc xe tải nhỏ, xe ngựa vào ra. Nhưng giờ đây hầu hết thợ mộc thanh niên, trung niên Thái Yên ra đồng “thư giãn” bằng các trò bẫy chim, bắt cá…

Cửa hàng bán đồ mộc Yên Xanh với hàng trăm sản phẩm được bày bán nhưng không một bóng khách.
Cửa hàng bán đồ mộc Yên Xanh với hàng trăm sản phẩm được bày bán nhưng không một bóng khách.

Hai nơi bày bán hàng của Yên Xanh - cơ sở mộc trong tốp “ông lớn” của làng nghề với hàng trăm sản phẩm được bày bán nhưng tịnh không một bóng khách. Ông chủ Nguyễn Đăng Yên sáng ấy không có mặt ở xưởng. Người anh vợ của Yên chia sẻ: Từ ra tết đến nay, khách giảm hẳn. Cứ như mọi năm, 6 tháng đầu năm, Yên Xanh nhận được số lượng đơn hàng độc bình khoảng 500 cặp (trong đó cơ bản là khách đặt hàng thành phẩm; một số ít thì đưa gỗ đến thuê tiện), nhưng từ đầu năm đến nay chỉ khoảng 100 cặp.

Cửa hàng trưng bày đồ gỗ Thành Lộc gần đó cũng chung tình cảnh. Người phụ trách bán hàng cho biết, từ ra tết đến nay, hàng bán rất kém. Trao đổi qua điện thoại, anh Phạm Văn Lộc - chủ cơ sở cho biết: “Chưa năm nào ế như năm nay chú ạ. May mà nhận được vài đơn đặt hàng cho cơ quan nhà nước, chứ không thì rất vất vả. Làng mộc Thái Yên đợt này, nhiều gia đình phải đi vay tiền gửi cho con chi phí học hành. Nhiều anh buôn gỗ cũng khốn khổ vì hàng ế”.

Tìm đến nhà ông Nguyễn Công Phúc - chủ doanh nghiệp Phúc Sơn và cũng là Phó cụm Tiểu thủ công nghiệp - làng nghề Thái Yên, nhưng trong cái xưởng to đùng của anh không một bóng công nhân. Sau cú điện thoại một lúc, anh Phúc về, dẫn tôi tham quan xưởng. Xưởng mộc lớn với hàng trăm sản phẩm đang ế ẩm.

Ông Phúc với xưởng mộc lớn có hàng trăm sản phẩm đang ế ẩm
Ông Phúc với xưởng mộc lớn có hàng trăm sản phẩm đang ế ẩm

Chỉ vào đống bàn ghế ngổn ngang đã hoàn thành nhưng chưa lắp, anh bảo: “Hàng đang tấp đống đó mà không có khách nên chưa lắp. Đợt này ế quá chú ạ. Từ tết đến nay, mỗi cơ sở bán được vài ba bộ là nhiều lắm. Doanh nghiệp tôi thành lập đầu tiên ở đây, thuộc doanh nghiệp lớn, nhưng cũng chỉ bán được dăm bộ. Nhiều cơ sở chưa bán được sản phẩm nào”.

Hàng mộc ế, các chủ cơ sở mộc khó khăn, kéo theo người lao động ít việc làm. Những năm trước, lúc nông nhàn, phụ nữ, trẻ em kéo nhau đi làm công phụ, cũng kiếm được mỗi ngày kha khá; nhưng đợt này, hầu như các đối tượng này không có việc làm thêm. Nhiều cơ sở cũng đành phải sa thải bớt công nhân, chỉ giữ chân những thợ chính, thợ “ruột”.

Hàng đẹp vẫn ế
Hàng đẹp vẫn ế

Nhiều gia đình sản xuất nhỏ lẻ, từ đầu năm đến nay không bán được hàng, đời sống gặp nhiều khó khăn. Không ít thanh niên Thái Yên ngày ngày rủ nhau đi đánh cá, bẫy chim, hội hè... thay vì “mài đít” với xưởng mộc như trước.

Kéo theo đó, người buôn gỗ, nhập gỗ cho làng mộc cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Một phần vì hàng mua về không bán được; phần nữa, số hàng đã bán nợ, nay chủ xưởng ế hàng cũng không xoay ra tiền để trả. Trong khi đó, đi buôn gỗ nhập cho làng mộc, hầu như ông nào cũng phải vay ngân hàng; lãi ngân hàng dồn dập, khiến nhiều người buôn gỗ như ngồi trên đống lửa!...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast