Những người mẹ ở trường

(Baohatinh.vn) - Hiếm những lời chúc mừng, những bông hoa tươi thắm, với những giáo viên (GV) ở bậc học mầm non, ngày 20/11 cũng trôi qua như bao ngày. Chỉ có nụ cười, tiếng hát, sự khỏe mạnh, ngoan ngoãn của đàn con trẻ là món quà quý giá nhất tiếp thêm niềm vui mỗi ngày đến trường.

Giờ học ngoài trời của cô và trò Trường Mầm non Hương Bình (Hương Khê)
Giờ học ngoài trời của cô và trò Trường Mầm non Hương Bình (Hương Khê)

Con đò nhỏ đưa tôi về lại Xuân Giang 2 (Nghi Xuân) vào một ngày đầy gió. Dòng sông ngầu đỏ bởi lớp phù sa theo những cơn mưa từ thượng nguồn đổ về làm tăng thêm nỗi bất an trong lòng lữ khách. Bấp bênh là thế, nhưng bất kể nắng hay mưa, mỗi ngày đều đặn 4 chuyến, cô giáo Đậu Thị Nghi vẫn kiên trì vượt qua sông nước để đến với lớp học bên kia ốc đảo. Nơi đó có 11 đôi mắt trẻ thơ ở lứa tuổi từ 3-5 đang từng giờ ngóng trông cô giáo.

Cô Nghi cho biết: “Dạy học ở vùng ốc đảo thật lắm gian truân, bởi không chỉ là lớp ghép, học sinh ít, việc trang bị đồ dùng, đồ chơi dành cho các chủ đề học tập cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là đò giang cách trở, hiểm nguy. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa bão lại thêm thấp thỏm lo âu khi bước chân xuống đò, nhiều hôm đến lớp học, quần áo ướt đẫm. Thế nhưng, tình cảm của học sinh và những phụ huynh nghèo dường như đã tiếp thêm nghị lực để tôi kiên trì bám trường, bám lớp”.

Vượt lên tất cả, tấm lòng say nghề, yêu trẻ là lý do để cô Nghi xung phong đến với lớp học ở vùng đặc biệt này. Đồng lương eo hẹp còn phải san sẻ thêm bởi khoản tiền gửi xe ở bến đò, trả dần món nợ mua máy tính để học sinh được tiếp cận phương pháp dạy học mới. Nhiều hôm mệt mỏi bởi những cơn sốt do phải mặc quần áo ướt để giảng bài nhưng ánh mắt háo hức của các em đã thôi thúc cô hoàn thành bài giảng.

Lòng yêu nghề, yêu trẻ cũng là động lực để cô giáo Trần Thị Cầm - GV Trường Mầm non Thạch Lạc (Thạch Hà) kiên trì bám lớp hơn 30 năm qua. Trong câu chuyện kể về người chị, người đồng nghiệp của mình, cô giáo Nguyễn Thị Loan – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Lạc xúc động: “Ngày ấy, trường mầm non chỉ là những lớp học nhờ nhà dân hay hội quán xóm. Lương GV mầm non mỗi năm được trả một lần bằng lúa, khoai do người dân đóng góp. Riêng chị Cầm dạy học ở vùng Bắc Lạc - nơi cuộc sống của bà con có đạo còn nhiều khó khăn. Mỗi năm dạy học của chị Cầm ít khi được trả bằng lúa mà chủ yếu là dăm yến khoai khô, vài cây phi lao của người dân ở bãi chắn cát. Tôi còn nhớ rõ, có năm gặp bão, cả rừng cây đổ nên người dân chặt bán hết, chỉ còn vài cây lèo tèo, họ dành để trả lương cho chị. Thuê người cũng không bổ nổi, mang ra chợ chẳng ai mua, thế là chúng tôi lại mỗi người một ít chia sẻ nỗi lo áo cơm cho đồng nghiệp”.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng những người mẹ ở trường vẫn luôn tâm huyết với nghề, hết lòng vì con trẻ
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng những người mẹ ở trường vẫn luôn tâm huyết với nghề, hết lòng vì con trẻ

Khó khăn dần trôi qua, nhưng cuộc sống của GV ở vùng vạn chài vẫn chật vật với miếng cơm, manh áo. Ngày ngày, cô Cầm vẫn cùng đồng nghiệp kiên trì bám trường, bám lớp, vận động người dân đưa trẻ đến trường. Làng biển đông con, bố mẹ lại lo kế mưu sinh nên việc chăm sóc không được chu đáo. Nhưng với trẻ thơ, điều đó không làm ảnh hưởng đến nụ cười của chúng bởi ở trường đã có những người mẹ như mẹ Cầm, luôn chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ và nhiều lúc còn lo cả việc tắm rửa, vệ sinh cho các em…

Cô Cầm tâm sự: “Dẫu không có duyên được hưởng hạnh phúc của một mái ấm riêng, nhưng bên tôi luôn có một đại gia đình với sự ấm áp, chân thành của tình đồng nghiệp, sự tin yêu của người dân và sự quấn quýt của đàn con trẻ”.

Sự nghiệp dạy học ở vùng “rốn” lũ nhiều vất vả nhưng những người mẹ thứ hai ở đây vẫn vươn lên dạy tốt, học tốt. Trong số đó, cô giáo Nguyễn Thị Huyền - GV Trường Mầm non Hà Linh (Hương Khê) là một điển hình.

Dẫu tuổi đời, tuổi nghề còn non trẻ nhưng nhiều năm liền, cô Huyền luôn giành được giải cao trong các kỳ thi GV giỏi huyện, có sáng kiến kinh nghiệm hay, luôn đi đầu trong phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy, làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Cô cho biết: “Trẻ em miền núi còn thiếu thốn nhiều bề nên tôi đã cùng đồng nghiệp cố gắng để những giờ học sinh động và hấp dẫn hơn. Ngoài những giờ học ứng dụng công nghệ thông tin, tranh thủ thời gian buổi tối hay ngày nghỉ, chúng tôi trích tiền tiết kiệm của mỗi cá nhân, mua vật liệu để làm thêm đồ chơi cho các cháu…”.

Tấm lòng, sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ ở trường đã tạo nền tảng vững chắc cho bậc học đầu đời…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast