Đấu thầu thuốc còn nhiều bất cập

(Baohatinh.vn) - Thông tư 01 liên Bộ Y tế - Tài chính về đấu thầu thuốc phần nào đảm bảo các nguyên tắc cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả kinh tế của Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, đối với các bệnh viện, thông tư chưa thể đáp ứng yêu cầu về thuốc trong điều kiện đòi hỏi chất lượng khám chữa bệnh (KCB) ngày càng cao.

Hà Tĩnh là đơn vị đầu tiên triển khai đấu thầu thuốc theo Thông tư 01 liên bộ Y tế - Tài chính. Qua một năm rưỡi thực hiện, xét về mặt đấu thầu, thông tư ra đời đã đảm bảo được các nguyên tắc cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, xét về góc độ chất lượng điều trị thì còn quá nhiều bất cập.

Nhiều bệnh nhân ở tuyến dưới phải chuyển lên tuyến trên điều trị vì thiếu thuốc.
Nhiều bệnh nhân ở tuyến dưới phải chuyển lên tuyến trên điều trị vì thiếu thuốc.

Dược sỹ Trần Văn Dũng – Trưởng phòng Quản lý dược, Sở Y tế cho biết: Thực hiện đấu thầu thuốc theo Thông tư 01 lần thứ 2 (tháng 10/2013), chúng ta có nhiều thuận lợi vì đã có hướng dẫn cụ thể của Bộ. Một tiến bộ nữa là theo kết quả đấu thầu lần 2 thì thuốc biệt dược gốc trúng tỷ lệ cao hơn lần 1 rất nhiều, 117/127 mặt hàng (lần 1 chỉ trúng 40 mặt hàng).

Mặc dù có một số thay đổi so với kết quả đấu thầu lần 1 nhưng theo phản ánh từ các bệnh viện thì vẫn còn quá nhiều bất cập. Do đấu thầu thuốc giá rẻ nên hầu hết các đơn vị trúng thầu không mấy mặn mà. Điều này đã trực tiếp ảnh hưởng đến vấn đề cung ứng thuốc. Trưởng khoa dược tại một bệnh viện huyện cho biết: “Nhiều thuốc có trong danh mục nhưng khi bệnh viện yêu cầu thì đơn vị trúng thầu lại chưa có cung ứng. Điều này xảy ra không chỉ lần một, lần hai mà đã trở thành thường xuyên”…

Không chỉ một số nhà thầu cung ứng thuốc không kịp thời, đầy đủ mà chất lượng thuốc đang là vấn đề trăn trở nhất đối với các thầy thuốc. Bác sỹ Hùng Anh, quản lý đơn vị Đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh bức xúc: “Mong muốn của thầy thuốc cũng như bệnh nhân là làm sao bệnh mau được cải thiện nhất. Tuy nhiên, với điều kiện cung ứng thuốc theo danh mục BHYT như hiện nay không thể đáp ứng được. Chẳng hạn như thuốc dành cho bệnh nhân tiểu đường quá rẻ, không thể đáp ứng được yêu cầu điều trị. Bác sỹ không thể kê đơn cho bệnh nhân theo mức độ bệnh trong khi bệnh nhân thuộc nhóm này ngày một gia tăng và tỷ lệ biến chứng cũng tăng cao nên thực sự cảm thấy bức xúc”...

Trong buổi tọa đàm về nâng cao chất lượng KCB BHYT gần đây giữa BHXH tỉnh và Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nguyễn Viết Đồng đã thẳng thắn: Từ khi áp dụng đấu thầu thuốc theo Thông tư liên tịch 01 đến nay, các thuốc trúng thầu chủ yếu có nguồn gốc Trung Quốc. Mặc dù các thuốc này đã được chứng minh tương đương với các thuốc gốc nhưng thực tế điều trị không giống như vậy (nhất là các thuốc về tiểu đường, tim mạch, kháng sinh…). Thực tế đã có nhiều bác sỹ phải kê đơn ngoài (các thuốc kê ngoài có hoạt chất hoàn toàn giống với thuốc có trong bệnh viện) cho bệnh nhân có BHYT sau khi các thuốc có trong bệnh viện được BHXH thanh toán không đáp ứng điều trị. Điều này đang làm “khó” bác sỹ và gây mất niềm tin đối với bệnh nhân.

Ngoài thuốc Trung Quốc, thuốc có nguồn gốc từ Ấn Độ cũng là một trong những “nguồn cung” lớn trong các bệnh viện hiện nay. Theo thông tin từ Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, thì các sản phẩm thuốc bị thu hồi hàng năm chiếm tỷ lệ lớn có nguồn gốc từ Ấn Độ. Như vậy, với thông tư đấu thầu thuốc mới này, vô hình trung người bệnh phải đối mặt với nhiều rủi ro từ thuốc.

Bác sỹ Hoàng Thư - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ trăn trở: “Việc đấu thầu thuốc theo Thông tư 01 còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho cơ sở điều trị nên cần được nghiên cứu thêm. Bên cạnh cải thiện nguồn gốc thuốc, cần tăng thêm các danh mục thuốc trong quỹ BHYT, tạo điều kiện cho các đơn vị được sử dụng các loại thuốc đặc trị một số bệnh phổ thông để đáp ứng yêu cầu điều trị, hạn chế bệnh nhân chuyển tuyến”.

Như vậy, mặc dù các cơ sở KCB trong tỉnh luôn nỗ lực tìm các giải pháp để nâng cao chất lượng KCB nhưng thực tế họ lại đang gặp khá nhiều “rào cản” không thể “xé”. Hầu hết các bệnh viện đang trong tình cảnh “một cổ nhiều tròng”, phần phải phụ thuộc quỹ BHYT, phần lại phụ thuộc vào danh mục thuốc đấu thầu… Và đây chính là “nút thắt” quan trọng, tháo gỡ được nút thắt này mới là giải pháp tối cần thiết giúp các cơ sở KCB thực sự nâng cao chất lượng KCB, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast