Phân định công chứng và chứng thực

(Baohatinh.vn) - Công chứng và chứng thực là 2 khái niệm, tính chất, giá trị pháp lý khác nhau nhưng rất nhiều người lầm tưởng là một nên thường nhầm lẫn trong quá trình lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước cấp cơ sở và làm cho đời sống pháp lý gặp nhiều vướng mắc.

Là hoạt động pháp lý phổ biến, hiện hữu trong hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội, công chứng và chứng thực thường được gọi chung bởi hoạt động này được xếp vào nhóm chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của văn bản, hợp đồng.

Ông Bùi Văn Thu - Trưởng phòng Công chứng số 1, Sở Tư pháp cho biết: Theo Luật Công chứng 2014 và Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực thì công chứng là việc chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của những văn bản mà luật pháp yêu cầu phải có công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng; kể cả những văn bản được dịch từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài và ngược lại. Việc công chứng phải do công chứng viên, là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định, được bổ nhiệm để hành nghề. Khác với chứng thực “là việc cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính, hoặc chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản là chữ ký của người đã yêu cầu chứng thực” (Khoản 2, Nghị định 23/2015/NĐ-CP). Theo đó, có 4 loại chứng thực: cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và hợp đồng, giao dịch.

Phân định công chứng và chứng thực ảnh 1

Người dân thực hiện các dịch vụ liên quan đến chứng thực tại UBND phường Trần Phú (TP Hà Tĩnh).

Cần phân định rõ rằng, các loại văn bản như hợp đồng, giao dịch có liên quan đến nhà đất là những văn bản pháp luật yêu cầu phải có công chứng mới được công nhận giá trị pháp lý. Với loại hình này, người dân có thể tìm đến cơ quan bổ trợ tư pháp là phòng công chứng do UBND tỉnh quyết định thành lập - đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp (Hà Tĩnh có Phòng Công chứng số 1 ở TP Hà Tĩnh và Phòng Công chứng số 2 ở TX Hồng Lĩnh) hoặc các văn phòng công chứng do công chứng viên thành lập, được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Còn đối với những văn bản khác khi cần chứng thực, cá nhân, tổ chức có thể tìm đến cơ quan hành chính nhà nước như phòng tư pháp cấp huyện và UBND xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan ngoại giao, lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, công chứng viên cũng có thể thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký đối với các loại văn bản tương đương thẩm quyền của phòng tư pháp cấp huyện. Đặc biệt, để nâng cao hiệu lực, tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu, luật cũng quy định: thẩm quyền chứng thực bản sao, chữ ký không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.

Việc phân định rõ công chứng và chứng thực càng thể hiện rõ hơn giá trị pháp lý của 2 loại hình này. Với công chứng là việc làm bảo đảm nội dung của hợp đồng, giao dịch – công chứng viên chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch đó. Còn chứng thực chỉ thực hiện đối với bản sao, chữ ký trong các giấy tờ của người yêu cầu hay chứng thực việc và “người chứng thực không đề cập đến nội dung”.

Có thể thấy, một thực trạng hiện nay là nhiều người không phân biệt được các loại giấy tờ, văn bản cần công chứng hay chứng thực, vì vậy, không chọn đúng tổ chức cung cấp dịch vụ khi có nhu cầu. “Theo quy định, các loại hợp đồng liên quan đến nhà đất phải công chứng mới có giá trị, nhưng nhiều trường hợp, người dân khi giao dịch với nhau lại mang đến yêu cầu UBND phường giải quyết. Với những trường hợp này, chúng tôi phải giải thích, hướng dẫn làm đúng theo yêu cầu pháp luật. Chưa nói họ mất công đi lại, chúng tôi mất thêm thời gian tuyên truyền mà đôi khi, có người lại cho rằng, cán bộ quan liêu, không giúp dân. Các cá nhân, tổ chức khi có nhu cầu công chứng, chứng thực, cần nhận biết lĩnh vực yêu cầu để có sự lựa chọn đúng, tránh rủi ro và các phiền toái phát sinh”, anh Nguyễn Mạnh Hoàng - cán bộ tư pháp phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh) phân tích.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast