Nhà có hàng cau

Những đứa con lần lượt bay đi. Nhà còn lại hai người và con chó. Con chó là quà tặng của con trai trước khi đi cho đỡ quạnh vắng và báo động người lạ.

Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN

Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN

So với tuổi người nó khoảng 50, đã có dấu hiệu của bệnh tiền liệt tuyến, đái lắt nhắt suốt ngày. Bà đặt tên Bon - gọi tắt của Bonheur, tiếng Pháp có nghĩa là hạnh phúc. Ông rít: “Con khốn kiếp!”. Con chó không thích tên ấy và cả cách gọi. Nó lảng tránh ông hoặc há miệng sủa cái chổi ông cầm trên tay. Nhưng nó rất yêu bà. Bà tắm cho nó, nói chuyện với nó, dắt đi dạo. Nó chạy trước, nghếch chân tè làm dấu hoặc rượt chuột. Hồi mới đến ở chuột diễu hành từng đàn, đỏ đèn phải đóng cửa. Chim lạ kêu chiều, tiếng vắt qua hoàng hôn, lạnh người. Rồi cái gò bị san lấp đầy lau lách mồ mả ấy trong quá trình đô thị hóa nhanh như điện xẹt biến thành một khu dân cư nhà tầng mọc như nấm.

Trong khu dân cư mới hình thành hơn chục năm, ngôi nhà có hàng cau trông bình yên và tách biệt. Cây bò lên cả lan can, thả từng chuỗi hoa tím chạm đất. Cái cổng màu xanh có mùi khai đặc trưng của nước đái chó. Sáng sớm, cổng mở cho hai người trong nhà đi bộ tập thể dục.

Con chó thường nằm thò mõm qua khe cổng nhìn ra ngoài. Nó trông có ai đó mà sủa cho đỡ buồn mồm nhưng nhà thưa khách lắm. Đến nỗi ai ngừng xe trước cổng chủ nó cũng không nhìn ra vì biết ngay khách của nhà đối diện. Người đương chức, khách nườm nượp. Thằng Luck béo tốt hãnh diện sủa từng tràng. Tiếng sủa của nó cũng bề thế như chủ nó. Riết rồi buồn miệng, Bon sủa ké. Xe ngừng là sủa bất kể khách nhà nào. Bon cũng tru lên đau khổ khi nhìn con Luck đại gia chồm lên ả Nâu dậy thì nhà tôi. Mùi con Nâu tỏa ra khi động đực làm nó bứt rứt cào đến chảy máu chân sau cái cổng đóng chặt.

Thi thoảng từ ngôi nhà bình yên vẳng ra những âm thanh khác thường - tiếng la chen tiếng khóc, tiếng chó sủa trong tiếng tivi mở lớn. Những âm thanh ấy dường như mơ hồ không thực khi sáng ra con chó vẫn nằm gác mõm sau cổng nhìn ra đường. Cổng vẫn mở cho hai bóng người lầm lụi sóng bước.

Một ngày bà tâm sự với tôi bà sắp ra nước ngoài vì con bận học nhờ qua trông cháu nhỏ. Bà lo cho Bon. Ông ghét chó. Nhưng với bà, Bon không chỉ là con chó. “Nó khôn lắm! Biết hết! Tôi đi, nó sẽ chết nhưng tôi không thể không đi...”. Biết tôi thương chó, bà xin tôi thi thoảng để mắt tới nó, gửi tiền nhờ tôi mua thức ăn nó thích. Bon cũng linh cảm cuộc chia ly. Nó buồn bã hẳn, không sủa ké với Luck đại gia, cũng không màng tới ả Nâu mượt mà. Cuộc chia tay của người và chó nặng nề hơn cuộc chia ly của hai vợ chồng. Bà ôm nó. Nước mắt rỏ trên bộ lông bợt bạc. Bon không ngừng liếm láp bà và tru lên thảm thiết khi bóng bà khuất.

Bonheur thật sự biến thành Malheur (*) khi bà ra đi. Chị giúp việc chỉ chăm người. Ông chủ cũng mặc con vật ông ghét. Chiếc tô ăn của Bon ruồi kiến bâu đen bâu đỏ hoặc ôi meo xanh đen. Tôi lén chuồi cho nó gói thức ăn, chén nước vì tôi bắt gặp nó đái ra rồi liếm lại nước tiểu mình. Khi ra ngoài nó cũng bị Luck đại gia rượt cắn vì nó vừa già vừa gầy.

Chủ ghét Bon nhưng Bon không ghét chủ. Nó ghét chị giúp việc mỗi ngày đến hai giờ. Tôi để ý khi nào chị ta đến Bon cũng sủa, bỏ vào nhà chứ không nằm trước cổng. Chị ta về, nó càng sủa dữ. Đôi khi chồm lên cả người như muốn lấy lại thứ gì.

Một chiều, trong tiếng mưa sầm sập tôi nghe những âm thanh bất thường vọng ra từ ngôi nhà có hàng cau - tiếng la rú, tiếng chạy thình thịch, tiếng tru thê thảm của con chó bị quật gậy tới tấp. Đó không phải là những âm thanh mơ hồ. Lát sau, taxi xịch trước cổng. Bóng hai người bước ra. Thoạt trông tôi tưởng bà về vì thoáng thấy chiếc áo ngủ màu xanh da trời điểm hoa trắng quen thuộc.

Đã ba ngày Bon không nằm trước cổng. Chị người làm cũng không thấy tới. Tôi hỏi thăm Bon, ông bảo:

“Con khốn kiếp bị tôi đánh què vì tội cắn người. Không những nó cắn chị người làm, nó còn cắn tôi nữa đấy. Đồ phản chủ! Chỗ tiêm phòng bảo theo dõi 15 ngày. Nếu nó không dại, tôi cũng kêu cho quán thịt chó”.

“Nhưng phải cho nó ăn uống kẻo nó chết đói mà tưởng chết dại chích thuốc thêm độc bác à”.

“Ừ hé”.

“Để cháu vào xem sao!”.

Giờ Bon đúng là Mal. Bộ lông trắng bết dính từng vệt máu nâu khô cứng. Chân bị đánh què, sưng húp. Tôi ứa nước mắt gọi: “Bon ơi!”. Nó hé mắt nhận ra tôi, vẫy đuôi yếu ớt. Nó cố đứng dậy nhưng lẩy bẩy khuỵu xuống. Nó vừa đau, vừa đói khát. Mắt nó nhìn tôi như muốn nói điều gì.

“Nó không dại đâu vì nó không cắn cháu. Cháu đem nó đi thú y nhé!”.

“Nhờ cô. Nó phải sống cho tôi nhìn thấy qua ngày thứ mười lăm”.

Tôi gọi taxi, bọc Bon trong chăn. Nó nhẹ quá đỗi.

Từ trạm thú y về, tôi để nó bên tôi. Con Nâu dường như cũng biết cảm thương đồng loại, thè lưỡi liếm những chỗ lông bết dính.

Hai tuần đủ để Mal lại là Bon. Ngày thứ mười lăm tôi kêu ông qua để ông yên tâm. Thấy ông nó ve vẩy đuôi mừng.

Bon lại là Mal vào ngày thứ mười sáu, ngày đầu tiên nó đứng dậy khập khiễng đi. Nó đi bằng ba chân, trở về nằm đúng chỗ của nó - sau cánh cổng ngôi nhà có hàng cau.

Lần này nó không bị quật vào chân mà vào đầu bởi một cú quật chuyên nghiệp không kịp kêu một tiếng.

Đêm ấy tôi mail cho bà: “Bon đã chết”.

Bà mail lại cho tôi: “Tôi biết. Cảm ơn em”.

Bà không về. Tôi cũng không để ý đến ngôi nhà có hàng cau nữa. Nhưng ngang qua đó, tôi vẫn thấy Bon nằm sau cánh cổng.

Nguồn: Tuổi Trẻ Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast