Xâm nhập thế giới “bay"

(Baohatinh.vn) - Cứ tầm nửa đêm, những tiếng cười sằng sặc, cách nhật lại dội vào màn đen đặc quánh. Cả tháng nay, đã quá quen với tràng cười đó, tôi quyết một lần vượt qua nỗi sợ hãi để xác minh tiếng cười đó là của người hay ma. Và… khá bất ngờ khi chẳng phải ma mà là một đám thanh niên choai tụ tập sau một đêm “đập đá, phá ke”, mặt đứa nào đứa nấy lờ đờ, dại dại, cổ nghểnh lên, phát ra những tiếng cười vô thức...

“Không bay, không lắc, đời không sẹo. Không kẹo, không đá, gái không theo” luôn là câu cửa miệng của Khánh, một cậu “choai” mới tròn 17 tuổi. Quen Khánh qua cậu em, nên nó hứa “thích thì bữa nào cho theo cho biết”.

Đúng hẹn, tôi chuẩn bị tương đối tươm tất về ngoại hình để thành một “teen trẻ trâu” đủ tiêu chuẩn nhập phi đội “bay lắc”. 9h tối, cánh cửa phòng hát karaoke ngột ngạt, ẩm thấp mở ra, bên trong là tiếng nhạc xập xình, chát chúa với khoảng chục nam nữ choai choai trạc 16-20 tuổi đang say sưa ca hát. Tuấn, nhóm trưởng với mái tóc nhuộm đỏ, dài loằng ngoằng, hất hàm hỏi: “Gà mới à?”. Trong vai bà chị họ về quê đang “ngứa nghề”, tôi và Khánh mới thoát khỏi những ánh mắt soi xét, dòm ngó.

Cuộc chơi thực sự bắt đầu khi nhạc sàn được bật lên với âm thanh “khủng” như đấm vào tai. Ảnh minh họa từ internet
Cuộc chơi thực sự bắt đầu khi nhạc sàn được bật lên với âm thanh “khủng” như đấm vào tai. Ảnh minh họa từ internet

Trong 30 phút đầu dạo chơi chỉ là những bản nhạc “xanh, vàng, đỏ”. Cuộc chơi thực sự bắt đầu khi nhạc sàn được bật lên với âm thanh “khủng” như đấm vào tai, cộng thêm ánh đèn đa sắc nhấp nháy liên hồi. Cả đám trai gái không còn yên vị trên ghế mà đứng hẳn dậy để quay cuồng theo nhạc.

Khúc nhạc quay cuồng hình như không làm Khánh và cả nhóm đủ “phê”, Tuấn liền rút trong túi ra gói thuốc và từ từ châm. Mùi hăng hắc, ngai ngái của khói thuốc làm tôi khó chịu ra mặt. Khánh nháy mắt, kéo tôi lại nói khẽ: “Thuốc cỏ đó, từ từ rồi sẽ thấy hắn lê tê phê”.

Tuấn chuẩn bị “đồ chơi” của mình bằng cách rút ruột điếu thuốc lá nhét “cỏ” (tài mà) vào. Trông như những điếu thuốc bình thường nhưng để có một điếu “cỏ”, cả đội phải mua với giá 50 nghìn đồng. Khánh hồ hởi khi thấy tôi tò mò: “Còn một dạng cỏ có độ “phê” hơn là thuốc mặt quỷ (ngoài vỏ bao có in hình mặt quỷ) hình dáng như gói thuốc lào, giá từ 350-500 nghìn đồng/gói”.

Khi cả nhóm hơi phê, Tuấn tuyên bố: “Giữ sức để âu vờ nai (over night - qua đêm) nhé!”. Lúc này, tôi mới để ý đến đôi mắt lờ đờ, chân tay thoải dài của Khánh. Âm nhạc lại nổi lên, cả nhóm tiếp tục quay cuồng với những thế nhảy điên loạn trong gần một giờ đồng hồ, rệu rã, dặt dẹo bước ra khỏi quán karaoke. Tuấn, Khánh kéo cả hội đi ăn đêm để lấy sức chơi tiếp.

Đập "đá". Ảnh: internet
Đập "đá". Ảnh: internet

Đồng hồ điểm sang ngày mới nhưng dường như cuộc chơi của phi đội “bay lắc” mới bắt đầu. Khánh lay tôi: Đến đoạn “đập đá, phá ke” nhé!

Căn nhà nhỏ không người ở xóm H. (Thạch H.) là nơi diễn ra cuộc “hoan lạc” của cả “phi đội”. Bộ dụng cụ đập đá tự chế được lôi ra là vỏ chai nước ngọt C2 gồm một ống dẫn thủy tinh gắn kèm đầu nhỏ hình tròn để đựng đá (còn gọi là coóng), 2 ống hút nhựa được dẫn trực tiếp xuống dưới bình đang ngập nước. Tuấn nhanh tay cho ít đá vào coóng và đốt cháy bằng bật lửa gas. Khi khói từ ống hút bay lên, lần lượt từng đứa trong đám thi nhau hít lấy hít để. Những làn khói vòng vèo, ma mị và hắc ám cứ thế cuộn tròn trong không gian chật hẹp.

Theo lời Khánh, mỗi lần chơi “đá”, ít cũng phải bỏ ra trên dưới một triệu đồng tùy số lượng người hút. Chơi “đá” rất dễ gây nghiện bởi sau khi hít, thuốc sẽ tạo ra những ảo giác, gây hưng phấn và sảng khoái. Lời Khánh nói quả không sai. Khi những “chấm đá” trong coóng được Tuấn đốt hết, cả nhóm bỗng rôm rả hẳn lên. Đứa thì nói liên hồi hết chuyện ta sang chuyện Tàu, đứa cầm điện thoại bấm tin nhắn loạn xị, cá biệt hơn, có đứa đi xe máy cứ nhằm chó mà đuổi theo… Và những trận cười lúc nửa đêm là do chúng tụ tập lại ngoài đường rồi nhìn nhau cười điên loạn.

Nhưng món “độc” nhất hiện nay vẫn là ngửi keo con chó để tìm cảm giác mạnh. Tôi khá sốc khi biết keo con chó (Dog- X6) dùng để dán sắt, nhôm, kính… lại được đám thanh niên choai này dùng để “lên thiên đàng”. Tuy nhiên, theo Khánh, “món” này chỉ là của dân “ít đạn, ngắn tiền” vì rẻ hơn rất nhiều so với dùng “cỏ” hoặc “đá”.

Một trong những đặc điểm dễ nhận dạng dân “ngáo đá” là việc cổ thỉnh thoảng ngắc lên, nghiến răng ken két. Sức khỏe giảm sút trong thời gian nhanh, thể trạng gầy gò, xanh xao, ốm yếu vì sau mỗi lần “đập”, con nghiện có thể nhịn ăn trong vòng 2 ngày vẫn không thấy đói. Cảm giác “phê” luôn làm cho người sử dụng trong tình trạng hưng phấn tột độ và rất nhiều hệ lụy khó lường. Không ít thanh niên khi “phê”, phóng xe máy bạt mạng, hay muốn trở thành người hùng bằng việc “thanh toán” các đối tượng khác nếu không vừa ý…

Khánh tâm sự: Hầu như cả đám sa vào hút “cỏ”, “đập đá” đều do bạn bè mời mọc, dụ dỗ. Lúc đầu do tò mò khi nghe quảng cáo không gây nghiện mà lại “phê” hơn ma túy, thử một lần cho biết cảm giác “lên tiên”. Chính vì thiếu bản lĩnh nên không ít bạn trẻ sa vào đua đòi, ăn chơi và lún sâu vào thú chơi nguy hiểm này.

Khi bắt đầu “phê”, Tuấn và mấy tay nam choai choai trong nhóm nhìn tôi với ánh mắt vồ vập, như muốn ăn tươi nuốt sống và không muốn đánh mất con mồi của mình. Biết cả “phi đội” bắt đầu chuẩn bị sang tăng ba, tôi và Khánh xin rút lui trong ánh mắt dò xét, nghi hoặc của Tuấn.

Tăng ba bắt đầu khi cả “phi đội” bước vào giai đoạn “hoan lạc”, nơi mà “phi đội” cả nam lẫn nữ sẽ “vui vẻ” cho đến sáng hôm sau trong căn nhà trọ ẩm thấp gần đó…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast