Chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm

Phát biểu tại Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới (08/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2014 diễn ra tại Hải Phòng sáng 7/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải một lần nữa khẳng định, với niềm tự hào và phẩm giá dân tộc, Việt Nam không chấp nhận đánh đổi độc lập, chủ quyền để lấy bất kỳ thứ gì và không chấp nhận bất kỳ hình thức đe dọa, áp đặt nào.

Báo điện tử Chính phủ xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng.

Ảnh Baohatinh.vn
Ảnh Baohatinh.vn

Thưa các vị đại biểu, khách quý,

Thưa đồng bào, đồng chí,

Hôm nay, chúng ta vui mừng có mặt tại đây để long trọng tổ chức Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới (08/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2014. Thay mặt Chính phủ, tôi thân ái gửi tới các vị đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể đồng bào, đồng chí lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất.

Thưa quý vị,

Năm 2014 là năm thứ 6 Việt Nam tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo. Đây là sự kiện thường niên cấp quốc gia, thể hiện sự quan tâm, tôn vinh giá trị to lớn của biển và đại dương đối với sự sống, hòa bình, hạnh phúc, phồn vinh của dân tộc và nhân loại.

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm nay được tổ chức tại Hải Phòng - thành phố Cảng anh hùng của đất nước. Tôi đánh giá cao Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành phố Hải Phòng, các cơ quan liên quan đã tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Đại dương Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam.

Với chủ đề “Chung tay bảo vệ Đại dương xanh”, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm nay diễn ra trong bối cảnh hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông - mối quan tâm chung của đất nước, của khu vực và thế giới, đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nhân sự kiện này, thay mặt Chính phủ, tôi đề nghị chúng ta tiếp tục khẳng định và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những nhiệm vụ quan trọng sau:

1. Bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ thiêng liêng

Từ hàng ngàn năm nay, các thế hệ người Việt Nam đã đổ biết bao công sức, máu xương để khai phá, giữ gìn, bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ các vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Trách nhiệm ấy, nay tiếp tục được trao cho các thế hệ chúng ta.

Trong thời gian qua, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp do những hành động sai trái, ngang ngược, bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế của Trung Quốc, ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng lực lượng hộ tống bảo vệ, có cả máy bay, tàu chiến xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc liên tục có những hành động khiêu khích, gây hấn, tấn công tàu chấp pháp và đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động trong vùng biển nước ta. Hành động đó của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động sai trái của Trung Quốc không chỉ bị Việt Nam mà còn bị nhiều quốc gia, nhiều tổ chức, cá nhân trên thế giới lên án mạnh mẽ.

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi xin chân thành cảm ơn và mong muốn các tổ chức, cá nhân, các quốc gia yêu chuộng hòa bình, công lý tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của mình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thưa quý vị đại biểu,

Thưa đồng bào, đồng chí,

Với mỗi người Việt Nam, độc lập, chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược, chúng ta luôn khao khát hòa bình, luôn thực tâm, chân thành, kiềm chế và làm hết sức mình để có hòa bình, hữu nghị với Trung Quốc, với các quốc gia, để xây dựng và phát triển đất nước. Nhưng chúng ta cũng kiên quyết đấu tranh để bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền của mình. Chúng ta kiên trì đấu tranh thông qua các biện pháp hòa bình, giải quyết các vấn đề chủ quyền biển đảo trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Việt Nam mong muốn hòa bình, hữu nghị nhưng hòa bình, hữu nghị phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, chủ quyền. Với niềm tự hào và phẩm giá dân tộc, chúng ta không chấp nhận đánh đổi độc lập, chủ quyền để lấy bất kỳ thứ gì và không chấp nhận bất kỳ hình thức đe dọa, áp đặt nào.

Trong thời gian qua, các cán bộ, chiến sĩ lực lượng kiểm ngư, lực lượng cảnh sát biển, đồng bào và ngư dân - những người mang truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc đang ngày đêm kiên cường bám biển, giữ biển, vững vàng nơi đầu sóng thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn trân trọng ghi nhận, tôn vinh, đồng thời cũng đã thực hiện nhiều chính sách phù hợp đối với những cống hiến, hy sinh của chiến sĩ, đồng bào.

Trong sự kiện quan trọng này, một lần nữa, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Yêu cầu Trung Quốc nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN, thực thi Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như các thỏa thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan vô điều kiện khỏi vùng biển của Việt Nam và giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình, đối thoại trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

2. Nhiệm vụ quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo

Thưa đồng bào, đồng chí,

Cùng với giữ vững chủ quyền lãnh thổ, hoà bình và ổn định ở Biển Đông, chúng ta cần làm tốt công tác quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lợi từ biển đảo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Tôi xin nhấn mạnh một số nội dung sau:

Trước hết, tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn và tổ chức thi hành Luật Biển Việt Nam. Triển khai thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, thực thi Nghị định của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Sớm hoàn thành việc xây dựng Luật Tài nguyên, môi trường biển, hải đảo và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Thứ hai, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan kiện toàn thiết chế quản lý nhà nước về biển và hải đảo, trong đó đặc biệt chú ý tăng cường năng lực cho hệ thống cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về tài nguyên môi trường biển, hải đảo. Nghiên cứu xây dựng lực lượng giám sát tài nguyên môi trường biển đảo đủ mạnh; phối hợp các lực lượng thực thi pháp luật trên các vùng biển đảo, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân và các lực lượng Việt Nam làm kinh tế trên biển đảo, bảo vệ công dân và tổ chức nước ngoài khai thác, di chuyển hợp pháp trong vùng biển Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ sẽ tiếp tục bổ sung chính sách ưu đãi hỗ trợ ngư dân hoạt động khai thác hiệu quả hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền trên biển.

Thứ ba, chủ động nghiên cứu và xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tập trung đầu tư nguồn lực phát triển khoa học công nghệ biển thực sự trở thành động lực của phát triển kinh tế biển; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ biển, nhất là trong phục vụ công tác điều tra, nghiên cứu, dự báo các yếu tố biển, đặc biệt là các yếu tố tự nhiên, tài nguyên, môi trường biển theo hướng phát triển bền vững. Chú trọng xác định lộ trình ưu tiên cho Chiến lược khoa học và công nghệ biển quốc gia. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường biển và các hệ sinh thái biển; huy động tối đa nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường biển đảo.

Thứ tư, các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, nghề nghiệp, các địa phương tăng cường công tác thông tin đối ngoại; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; chuyển nhận thức thành hành động cụ thể, thiết thực ở các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và mỗi người Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ, quản lý, khai thác, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên, môi trường biển.

“Thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương”, Việt Nam - một quốc gia biển không ngừng hướng đến mục tiêu trở thành một đất nước“mạnh về biển, làm giàu từ biển”.

Thưa quý vị, thưa đồng bào đồng chí,

Nhân Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2014, một lần nữa tôi xin nhấn mạnh: Việt Nam đề cao tinh thần độc lập, tự cường dân tộc đồng thời coi trọng sự đoàn kết, hợp tác trên mọi lĩnh vực với các tổ chức, các quốc gia yêu chuộng hòa bình; kiên quyết đấu tranh bằng mọi biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền biển đảo hợp pháp của mình.

Chúc Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2014 và Ngày Đại dương Thế giới thành công tốt đẹp.

Chúc Quý vị đại biểu, các đồng chí và đồng bào sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

Theo Chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast