Bài 1: Những chính sách bất cập…

Trong những năm gần đây, lực lượng giáo viên ở bậc học mầm non ở tỉnh ta đã có sự trưởng thành vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng và đội ngũ này cũng đã khẳng định được vai trò, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp trồng người. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên ở bậc học mầm non hiện đang còn nhiều bất cập, chưa sát đúng với thực tiễn, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của những cô giáo vốn đang khổ nhất trong hệ thống giáo dục...

Trăn trở chuyện thực hiện chế độ, chính sách ở bậc học mầm non

Sắp về hưu vẫn chưa được hưởng phụ cấp thâm niên

Theo tinh thần của Nghị định 54/2011/NĐ-CP của Chính phủ thì những nhà giáo đã biên chế đang công tác tại các cơ sở giáo dục công lập có thời gian giảng dạy đủ 5 năm thì được hưởng phụ cấp thâm niên. Theo đó, 414 nhà giáo trong biên chế nhà nước đang công tác tại 113 trường mầm non bán công trên địa bàn không được hưởng phụ cấp thâm niên mà phần trong số họ là những người có nhiều năm công tác, những cán bộ quả lý tâm huyết và có nhiều cống hiến với trường lớp, với ngành. Điều này không chỉ gây thiệt thòi về quyền lợi mà còn tạo tâm lý so bì và không khuyến khích được tinh thần lao động, sáng tạo của một bộ phận nhà giáo.

Giáo viên Trường mầm non bán công Thạch Linh (Thành phố Hà Tĩnh) làm đồ dùng, đồ chơi cho năm học mới
Giáo viên Trường mầm non bán công Thạch Linh (Thành phố Hà Tĩnh) làm đồ dùng, đồ chơi cho năm học mới

Cô Lê Cẩm Nhung – Hiệu trưởng Trường mầm non bán công Trường Sơn (Đức Thọ) bức xúc: “Hiện nay, chế độ phụ cấp thâm niên đang rất bất công đối với những người đang công tác tại các trường mầm non bán công. Tôi và rất nhiều người như tôi đã cống hiến sắp đến tuổi về hưu, hàng chục năm làm cán bộ quản lý nhưng không được hưởng, trong khi đó nhiều em đồng nghiệp mới chỉ ra trường 5 năm đã được nhận chế độ này. Ngoài ra, nó còn bất cập ở chỗ cùng làm một công việc như nhau, năm công tác bằng nhau, vùng miền giống nhau, trình độ ngang bằng nhưng chế độ thì không giống nhau, kẻ cao người thấp…”

Chuyển đổi trường bán công sang công lập chưa đạt yêu cầu

Có thể khẳng định rằng, việc chuyển đổi các trường ở bậc học mầm non từ bán công sang công lập là một chủ trương đúng, góp phần nâng cao đời sống cho giáo viên, khẳng định được vị thế của bậc học và thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với bậc học này. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên tiến độ chuyển đổi ở tỉnh ta đang rất chậm. Theo báo cáo, bậc học mầm non ở tỉnh ta hiện nay có 278 trường, trong đó mới có 165 trường công lập, số trường còn lại vẫn đang chờ chuyển đổi. Quá trình chuyển đổi chậm kéo theo quyền lợi của giáo viên ở các trường ngoài công lập không được đảm bảo, tư tưởng bị giao động, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ….

Trường Mầm non Xuân An (Nghi Xuân) tu sửa cơ sở vật chất để chuẩn bị cho công tác chuyển đổi sang công lập

Trường Mầm non Xuân An (Nghi Xuân) tu sửa cơ sở vật chất để chuẩn bị cho công tác chuyển đổi sang công lập

Mở rộng phạm vi quan tâm chúng tôi được biết, toàn quốc hiện chỉ còn 377 trường mầm non chưa được chuyển đổi thì Hà Tĩnh đã chiếm tới 113 trường, riêng các tỉnh lân cận chúng ta đều đã thực hiện xong. Với thực tế đó, Hà Tĩnh được xem là một trong những tỉnh thực hiện lộ trình chuyển đổi các cơ sở giáo dục mầm non từ bán công sang công lập thuộc loại kém nhất toàn quốc.

Qua đi thực tế ở các trường mầm non như: Xuân Lĩnh, Xuân Hồng, Xuân Lam (Nghi Xuân) và một số trường ở huyện miền núi Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, chúng tôi thấy tất cả các hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ đều tốt, đội ngũ giáo viên đạt yêu cầu, được chính quyền địa phương chăm lo. Xét theo tiêu chí chuyển đổi, đây là những trường miền núi khó khăn được ưu tiên chuyển đổi trước. Nhưng do các địa phương này thường có nhiều điểm trường, nguồn ngân sách hạn chế, nguồn xã hội hóa khó thực hiện nên hệ thống cơ sở vật chất không đảm bảo. Với quan điểm sợ cho những trường có hệ thống cơ sở hạ tầng kém sẽ ảnh hưởng đến công tác xã hội hóa, sợ chính quyền địa phương mang tư tưởng ỷ lại, bỏ bê để được xét công lập nên khi bình xét thực hiện chuyển đổi bị gạch tên.

Thế nhưng ở một số địa phương thì có cách làm ngược lại. Hàng năm chính quyền và nhân dân xã Đức Yên (Đức Thọ) đã nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị dạy học, chăm lo đời sống cho giáo viên mầm non. Với hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ luôn được đánh giá cao, nhưng khi xét công lập lại không được vì phải dành cho những trường khó khăn hơn chuyển đổi trước.

Và khi mỗi nơi làm một cách, mỗi trường thực hiện một kiểu thì quá trình chuyển đổi vốn đã chậm, bất cập nay lại càng rối rắm thêm…

Còn nữa...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast