Thạch Hà dồn sức cải tạo, tập trung ruộng đất xây dựng cánh đồng lớn

(Baohatinh.vn) - 21 xã, thị trấn của huyện Thạch Hà đang tích cực cải tạo nâng cao chất lượng, tập trung ruộng đất xây dựng cánh đồng lớn với quy mô 450 ha nhằm đạt mục tiêu của năm 2022 theo phương án đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt.

Chủ trương tích tụ ruộng đất, phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn được huyện Thạch Hà thực hiện từ đầu năm 2020, địa phương tiên phong là xã Lưu Vĩnh Sơn - nơi có diện tích canh tác lớn nhất của huyện (958 ha ở 18 thôn).

Thạch Hà dồn sức cải tạo, tập trung ruộng đất xây dựng cánh đồng lớn

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cùng đoàn công tác đánh giá cao mô hình sản xuất lúa theo quy trình tích tụ ruộng đất của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn (ngày 11/5/2021).

Sau khi được Nhân dân đồng thuận, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn đã tích tụ thành công 53,8 ha đất ruộng của gần 300 hộ dân tại 3 thôn: Đông Tiến, Lộc Ân, Xuân Sơn.

Ngoài ra, chỉ tính riêng từ tháng 8/2021 đến nay, chính quyền xã, thôn đã vận động Nhân dân phá bỏ bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn được thêm 68 ha tại 5 thôn: Đông Tiến, Xuân Sơn, Kim Sơn, Lộc Ân và Đông Vĩnh.

Từ sự mở đường của Lưu Vĩnh Sơn, các địa phương còn lại tích cực vận động, tuyên truyền người dân thực hiện chủ trương lớn.

Thạch Hà dồn sức cải tạo, tập trung ruộng đất xây dựng cánh đồng lớn

Ông Nguyễn Tiến Long - Trưởng thôn Đình Hàn (Thạch Sơn) tuyên truyền cho người dân về những ưu điểm khi thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất, phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn.

Xã Thạch Sơn có 186 ha đất lúa, 50 ha đất màu. Bắt đầu từ tháng 5/2020, vấn đề tích tụ ruộng đất được cả hệ thống chính trị và người dân ra sức thực hiện. Sau gần 2 năm, đến nay, địa phương đã tích tụ gần 50 ha đất lúa, 20 ha đất màu trên một cánh đồng lớn của 5 thôn gồm: Sơn Hà, Sơn Tiến, Vạn Đò, Tân Hợp, Đình Hàn.

Chị Lê Thị Thanh Xuân (thôn Đình Hàn, xã Thạch Sơn) chia sẻ: “Từng diện tích ruộng manh mún, bờ thấp, bờ cao được san ủi bằng phẳng; hệ thống kênh tưới được khơi thông nên việc canh tác đối với người nông dân trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn trước rất nhiều... Gia đình tôi có 4,7 sào ruộng, nếu trước đây, phải mất 3 buổi mới có thể canh tác thì nay thời gian rút ngắn chỉ còn 1/3”.

Thạch Hà dồn sức cải tạo, tập trung ruộng đất xây dựng cánh đồng lớn

Chị Lê Thị Thanh Xuân (thôn Đình Hàn) rút ngắn thời gian canh tác nhờ thực hiện tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa.

Sau hơn 2 năm thực hiện tích tụ, toàn huyện Thạch Hà có 20/22 xã, thị trấn (trừ xã Thạch Long, Thạch Hải) có diện tích sản xuất lúa triển khai thực hiện cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa, phá bờ thửa nhỏ, hình thành rộng sản xuất lớn với diện tích 1.275,1 ha, chiếm 16% diện tích đất trồng lúa. Riêng năm 2021, các địa phương thực hiện đạt 615,05 ha/450 ha, vượt 37% kế hoạch. Thửa ruộng sau khi phá bỏ bờ thửa nhỏ có diện tích bình quân 7.434,7m2. Diện tích tập trung tối thiểu 10 ha/vùng.

Thạch Hà dồn sức cải tạo, tập trung ruộng đất xây dựng cánh đồng lớn

Số diện tích ruộng manh mún, bờ thấp, bờ cao được san ủi bằng phẳng nên thuận tiện, dễ dàng hơn trước rất nhiều.

Ngày 20/1/2022, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định phê duyệt phương án số 2432/PA-UBND của UBND huyện Thạch Hà về cải tạo nâng cao chất lượng, tập trung ruộng đất xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn huyện năm 2022. Mục tiêu của phương án là phấn đấu trong năm 2022, diện tích cải tạo, nâng cao chất lượng, phá bờ thửa nhỏ, hình thành ruộng sản xuất lớn toàn huyện (trừ xã Thạch Hải): 450 ha (có diện tích tối thiểu 10 ha/vùng, 5.000 m2/thửa).

Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu phương án đã đặt ra trong năm 2022, công tác tuyên truyền tiếp tục được huyện Thạch Hà đẩy mạnh, tập trung thực hiện đến tận cơ sở. Tại các cuộc họp thôn, người dân thường xuyên được nghe phân tích những lợi ích khi tích tụ ruộng đất như: phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn tạo thuận lợi trong sản xuất, được hỗ trợ về giống, bao tiêu sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận…

Theo ông Đặng Hữu Diệu - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn, từ nay đến hết năm, xã tiếp tục triển khai thêm 136 ha đất lúa, 30 ha đất màu, đồng thời quy hoạch lại hệ thống giao thông, hệ thống mương tưới tiêu và thực hiện cơ giới hóa để phục vụ sản xuất, nâng cao thu nhập và tiến hành cấp đất cho các hộ canh tác.

Thạch Hà dồn sức cải tạo, tập trung ruộng đất xây dựng cánh đồng lớn

Cây lúa dần sinh sôi nảy nở dưới nền đất bằng phẳng sau khi tích tụ.

Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn - Dương Anh Dũng cũng cho biết: “Từ nay đến cuối năm, xã phấn đấu tích tụ thêm 40 ha đất lúa, cơ giới hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, tiết kiệm thời gian, sức lao động, giảm mật độ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân các thôn còn lại theo hướng mưa dầm thấm lâu để họ hiểu đây là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp cả trước mắt và lâu dài. Đối với trường hợp các hộ có đất trong vùng quy hoạch không muốn sản xuất tập trung thì vận động, thực hiện chuyển đổi vị trí đất sang vùng khác để thực hiện theo phương án mà đa số hộ dân đã thống nhất”.

Ông Dũng thông tin thêm, hiện nay, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn đang liên kết với Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh sản xuất gạo Ngọc mầm trên diện tích 53,8 ha. Hy vọng rằng, thành công của HTX sẽ tiếp thêm động lực cho chính quyền địa phương và người nông dân để cụ thể hóa triển khai tốt Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18/11/2021 của Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo (Nghị quyết 06).

Thạch Hà dồn sức cải tạo, tập trung ruộng đất xây dựng cánh đồng lớn

Thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, năng suất, tăng thu nhập cho người nông dân.

Ông Lê Văn Thuận - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà khẳng định: “Để phấn đấu “về đích” 450 ha theo phương án đã được phê duyệt, huyện tiếp tục tuyên truyền trên hệ thống cổng thông tin điện tử, hệ thống loa truyền thanh của xã; thông qua hội nghị của thôn xóm, chi bộ kịp thời giới thiệu các mô hình hay, cách làm sáng tạo. Từ đó, thay đổi thói quen trong sản xuất, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp tập trung, sản xuất theo hướng hàng hóa hiện đại, giảm chi phí, tăng năng suất lao động và thu nhập cho người dân. Trong năm 2022, huyện sẽ thực hiện thí điểm việc cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa, phá bờ thửa nhỏ hình thành ruộng sản xuất lớn gắn với chuyển đổi ruộng đất đạt 20% diện tích đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác tại 3 xã: Thạch Sơn, Thạch Hội và Thạch Trị”.

Tin liên quan:

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast