5 ngộ nhận tai hại về chất đạm

Chất đạm hết sức quan trọng. Trong cơ thể có khoảng 10 nghìn loại chất đạm khác nhau. Thiếu chất đạm chúng ta không có cơ bắp, không thể giảm béo và mắc đủ chứng bệnh...

Tuy nhiên các nhà khoa học khẳng định, chúng ta thường ăn quá nhiều đạm và điều đó có hại cho sức khỏe. Những ngộ nhận sau khiến chúng ta hiểu lầm về loại chất này.

5 ngộ nhận tai hại về chất đạm

Khi ăn quá nhiều món giàu đạm, gan và thận sẽ phải làm việc quá tải.

Cơ thể cần nhiều chất đạm

Chất đạm được phát hiện vào nửa đầu thế kỷ XIX và lúc này các nhà khoa học cho rằng, vì sức khỏe cần ăn thật nhiều chất đạm! Nhà hóa học Đức, GS. Justus von Liebig (1803-1873) là một trong những người tuyên truyền chính cho quan điểm “cơ thể cần nhiều chất đạm” và ông đã mắc sai lầm trong nhiều vấn đề sau này.

Thí dụ, ông cho rằng, chỉ có chất đạm mới tạo nên cơ thể, còn các chất bột - đường và chất béo chỉ cần thiết duy nhất cho sự hô hấp (?!). Và những học trò của ông cũng tiếp tục sa đà vào những lý thuyết phi khoa học của thầy, cho rằng những người lao động thể chất bình thường cần ăn 150 gram chất đạm/ngày. Đó là định mức nhiều gấp 2,5 lần mức chuẩn hiện đại!

Ngày nay khoa học đã chứng minh, con người không thuộc loài động vật chủ yếu “ăn chất đạm”. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người trưởng thành (bao gồm cả người lao động cơ bắp, cũng như VĐV thể thao nghiệp dư) chỉ cần được cung cấp 0,83 gram chất đạm/ngày cho 1kg cân nặng cơ thể. Như vậy, 60 gram là liều chất đạm cần thiết/ngày cho người có cân nặng 70kg.

Người ăn chay bị đe dọa thiếu chất đạm

Sự thật không phải tất cả sản phẩm người ăn chay sử dụng đều có chất đạm đủ chất lượng. Một số thiếu một hoặc nhiều hơn thành phần axit amin cần thiết. Theo các nhà khoa học, chỉ có 11 loại rau, củ, quả, hạt chứa chất đạm đủ chất lượng, trong đó có đậu nành, đậu lăng, quả bơ, bông cải xanh, rau bina, khoai tây, hạt hạnh nhân, hạt chia, hạt bí đỏ, hạt điều, hạt quinoa…

Tuy nhiên, sẽ sai lầm nếu cho rằng để cung cấp cho cơ thể chất đạm “xịn”, dứt khoát phải ăn thịt, cá hoặc phô mai. Các loại rau, củ, quả… tự nhiên sẵn có tất cả các axit amin cần thiết cho cơ thể, chỉ có điều chúng tiềm ẩn trong những sự phối hợp và tỷ lệ khác nhau. Vì thế, người ăn chay hoàn toàn không bị đe dọa thiếu chất đạm, nếu thường xuyên áp dụng thực đơn phong phú.

Các vận động viên thể thao đòi hỏi thực đơn giàu chất đạm động vật

Nỗ lực thể chất tích cực tăng nhu cầu chất đạm. Tuy nhiên, thậm chí cả với các VĐV chuyên nghiệp như VĐV Olympic hoặc cầu thủ bóng đá, tiêu chuẩn cung cấp chất đạm cũng chỉ ở mức 1,2 - 1,7 gram/kg trọng lượng/ngày. Các bữa ăn bình thường trong thời gian thi đấu hoàn toàn đảm bảo liều chất đạm như vậy. Thế nên, việc bổ sung thêm chất đạm bằng thực phẩm chức năng là không cần thiết.

Ngoài ra, như GS. Joe Millward (Đại học Surrey, Anh quốc) dẫn giải, thậm chí những VĐV thể thao lệ thuộc vào cơ bắp cũng không cần ăn nhiều hơn chất đạm.

Không cần liều cao chất đạm động vật trong thực đơn dành cho VĐV thể thao đòi hỏi nhiều nỗ lực thể chất. Thành tích tuyệt vời của những ngôi sao thể thao thường xuyên áp dụng thực đơn nghèo chất đạm động vật như VĐV điền kinh chạy cự ly ngắn Carl Lewis (10 lần HCV Olympic), siêu marathon Scott Jurek (3 lần chiến thắng Spartathlon cự ly 245km) đã chứng minh điều đó.

Dư thừa chất đạm không có hại

Sẽ là sai lầm khi chúng ta nghĩ như vậy. Khi chúng ta ăn quá nhiều món giàu chất đạm, gan và thận sẽ phải làm việc quá tải. Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra mối quan hệ giữa thực đơn giàu chất đạm (chất đạm cung cấp cho chúng ta trên 20% năng lượng/ngày) và bệnh loãng xương. Tình trạng dư thừa chất đạm gây hiệu ứng tăng đào thải canxi ra khỏi cơ thể.

Ngoài ra, quan sát của các nhà khoa học Đan Mạch còn cho thấy, trẻ sơ sinh được nhận trên 15% calorie thuộc dạng chất đạm đến tuổi trưởng thành thường bị béo phì và mắc các bệnh liên quan đến béo phì. Những phân tích trên phạm vi rộng tại Thụy Điển đã chứng minh, có mối liên hệ giữa thực đơn giàu chất đạm và các bệnh tim.

Tại Mỹ, các nhà khoa học còn cho thấy, thực đơn giàu chất đạm làm tăng đáng kể, thậm chí đến 4 lần nguy cơ mắc bệnh ung thư” - GS. Valter Longo, chuyên gia Lão khoa Đại học Nam California (Mỹ) khẳng định.

Thực đơn giàu đạm giúp giảm béo

Nhiều nghiên cứu đã kết luận, ăn nhiều chất đạm chỉ phát huy hiệu quả giảm béo trong thời gian ngắn. Sự sụt cân ban đầu, khi áp dụng thực đơn giàu chất đạm chủ yếu nhờ hiệu ứng cơ thể mất nước. Một khi nhận số lượng các chất bột - đường ít hơn bình thường, cơ thể đốt cháy nhiều hơn chất béo. Hệ quả sẽ xuất hiện cái gọi là các thể ceton - dạng vật chất bị đào thải cùng nước tiểu.

“Tuy nhiên không có nghiên cứu xác nhận, thực đơn giàu chất đạm cho phép duy trì giảm béo. Trái lại, nếu áp dụng lâu ngày có thể gây tổn hại sức khỏe.những người áp dụng thực đơn giàu chất đạm, nghèo chất bột - đường đều có nguy cơ chết yểu lớn hơn” - GS. Valter Longo (Mỹ) nhấn mạnh.

Theo Ngọc Báu/SK&ĐS

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast