HTX nông nghiệp ở Vũ Quang: "Lắt lay như đèn trước gió"!

(Baohatinh.vn) - Cũng như nhiều nơi khác ở Hà Tĩnh, tình hình hoạt động của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn huyện Vũ Quang đang rất ảm đạm, chỉ có hơn 8,5% được xếp loại khá, 38,3% loại trung bình và yếu, 53,2% đã ngừng hoạt động.

Năm 2015, HTX Dịch vụ chè Sơn Thọ (Vũ Quang) được thành lập với mong muốn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi chè tươi trên những vùng đồi được thu gom tại chỗ. Qua đó, giúp tạo việc làm, nâng cao giá trị sản xuất, tăng cường mối liên kết, hợp tác trong sản xuất và góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho 12 thành viên nói riêng và người trồng chè trong vùng nói chung.

HTX nông nghiệp ở Vũ Quang: “Lắt lay như đèn trước gió”!

HTX Dịch vụ chè Sơn Thọ hoạt động không hiệu quả dẫn đến phá sản nên người trồng chè ở Sơn Thọ lại phải quay về hình thức sản xuất quy mô nông hộ nhỏ lẻ, tự sản, tự tiêu...

Thế nhưng, khi đi vào hoạt động mới thấy gian nan. Ông Trần Văn Học ở thôn 6, xã Sơn Thọ (nguyên Giám đốc HTX Dịch vụ chè Sơn Thọ) cho biết: “HTX có khá nhiều lợi thế khi nằm trên vùng nguyên liệu dồi dào, tốt nổi tiếng; có vốn điều lệ để mua sắm máy móc và tổ chức hoạt động; các thành viên và người lao động đều có kinh nghiệm sản xuất chè...

Tuy nhiên, do sản phẩm không tìm được đầu ra ổn định, vẫn phải bán trôi nổi trên thị trường nên không lâu sau khi đi vào hoạt động, HTX phải sản xuất cầm chừng, lợi nhuận không có, ngày công thấp. Tình cảnh này dẫn đến việc bà con không mấy mặn mà và hiện nay đã ngừng hoạt động...”.

HTX nông nghiệp ở Vũ Quang: “Lắt lay như đèn trước gió”!

Ngoài các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã "đắp chiếu" thì nhiều HTX khác cũng đang hoạt động cầm chừng, vốn điều lệ ít, doanh thu và lợi nhuận thấp, thiếu liên doanh, liên kết. Trong ảnh: Các thành viên HTX Nuôi ong Đức Lĩnh trao đồi kinh nghiệm sản xuất...

Không chỉ HTX Dịch vụ chè Sơn Thọ mà trên địa bàn huyện Vũ Quang còn có 25 HTX khác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã ngừng hoạt động, trong đó có 1 HTX trồng trọt, 11 HTX chăn nuôi và 13 HTX tổng hợp. Trong số các HTX đã “đắp chiếu” nhưng chưa “khai tử” này có thể kể đến: HTX Chăn nuôi bò xã Đức Giang; HTX Chăn nuôi Thắng Lợi (Hương Minh), HTX Chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Quyết Tiến (Đức Liên); HTX Dịch vụ và thương mại tổng hợp Hương Thọ; HTX Nông nghiệp Đạt Sơn (Đức Hương)...

Ngoài những HTX chỉ còn tồn tại trên giấy, “hữu danh vô thực” thì các HTX đang hoạt động cũng gặp rất nhiều khó khăn. Theo đó, trong số 22 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hiện “sống” thì chỉ có 8 HTX liên kết với doanh nghiệp trong tất cả các khâu từ giống, sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; còn lại đều thiếu sự liên doanh, liên kết không vững chắc.

HTX nông nghiệp ở Vũ Quang: “Lắt lay như đèn trước gió”!

Do thị trường tiêu thụ bấp bênh, "bão" giá kéo dài nên các thành viên nhiều HTX có liên quan đến chăn nuôi lợn ở Vũ Quang phải khốn đốn, giảm đàn, thậm chí phải ngừng sản xuất. Trong ảnh: Mô hình nuôi lợn quy mô nông hộ của anh Nguyễn Đình Hiền ở thôn Kiều, xã Hương Điền...

Đặc biệt, nhiều HTX chỉ hoạt động cầm chừng, vốn điều lệ ít, doanh thu dưới 300 triệu đồng và lợi nhuận thấp, lao động lèo tèo. Có thể kể đến như: HTX Nuôi ong Đức Lĩnh, HTX Nuôi ong Đức Giang, HTX Trồng cam liên kết Hương Quang...

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Hiện nay, trên địa bàn Vũ Quang đang có 47 HTX nông nghiệp với 805 thành viên tham gia; trong đó có 3 HTX trồng trọt, 21 HTX chăn nuôi, 23 HTX tổng hợp. Trong số này có 4 HTX được xếp loại khá, 12 HTX trung bình, 6 HTX xếp loại yếu và 25 HTX đã ngừng hoạt động...

HTX nông nghiệp ở Vũ Quang: “Lắt lay như đèn trước gió”!

Do có lợi thế vườn đồi, sản phẩm thu hoạch nhiều và giá trị kinh tế cao nên các HTX tham gia trồng cam đang hoạt động ổn nhất trong hệ thống HTX nông nghiệp ở Vũ Quang. Trong ảnh: Vườn cam của anh Lê Xuân Tự ở xã Đức Bồng...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các HTX nông nghiệp được thành lập vào thời kỳ đầu nên bộ máy quản lý còn hạn chế, nhất là trình độ quản lý, năng lực điều hành, khả năng hạch toán của người đứng đầu chưa đáp ứng yêu cầu. Các thành viên tham gia HTX vẫn mang nặng tư tưởng mạnh ai nấy làm, chưa có sự hỗ trợ, liên kết với nhau trong sản xuất cũng như tiêu thụ, dường như họ chỉ đơn thuần ghi tên vào HTX và thực hiện nghĩa vụ các khoản đóng nộp.

Trong quá trình hoạt động, các HTX cũng chưa mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT và đưa các giống cây, con mới vào sản xuất, trong khi loại giống truyền thống chất lượng chưa tốt, phương thức sản xuất cũ đã lạc hậu.

Ngoài ra, trên phương diện hồ sơ là góp vốn điều lệ nhưng thực chất đó chỉ là vốn của một vài người, các thành viên khác không góp hoặc góp rất ít; nhiều người còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước...

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast