Bước chạy đà của CN-TTCN Cẩm Xuyên

Dẫu phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, song thời gian gần đây, CN-TTCN của Cẩm Xuyên đã đạt những kết quả đáng khích lệ khi tổng giá trị sản xuất bình quân hàng năm tăng trên 12%. Một số sản phẩm chủ chốt tiếp tục khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho hàng ngàn lao động.

Nhìn lại giai đoạn 2005-2009, CN-TTCN huyện Cẩm Xuyên phải đối mặt với nhiều thách thức khi tổng giá trị sản xuất hàng năm chỉ đạt trên dưới 10 tỷ đồng - một con số khiêm tốn so với những tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Bên cạnh việc không du nhập, phát triển được các ngành nghề mới thì một số ngành nghề truyền thống như nước mắm Cẩm Nhượng, thêu, rèn Cẩm Thành, sản xuất vôi Cẩm Hòa… dần bị mai một bởi sự cạnh tranh của cơ chế thị trường.

Xí nghiệp gạch ngói Cầu Họ luôn bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.
Xí nghiệp gạch ngói Cầu Họ luôn bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.

Để tạo điều kiện cho CN-TTCN trên địa bàn phát triển, Cẩm Xuyên đã khẩn trương quy hoạch, xây dựng các cụm CN-TTCN, làng nghề trên địa bàn; đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, du nhập thêm các ngành nghề mới như mây tre đan, mộc cao cấp, thêu, sản xuất gạch không nung… Bên cạnh đó, Cẩm Xuyên tiến hành khôi phục những làng nghề truyền thống bằng cách bảo lãnh, hỗ trợ vay vốn để đổi mới thiết bị, mở rộng SXKD, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Với những nỗ lực cao, những giải pháp phù hợp, trong vài năm trở lại nay, giá trị sản xuất CN-TTCN bình quân hàng năm của huyện tăng trên 12%. Tổng giá trị sản lượng của CN-TTCN Cẩm Xuyên 10 tháng năm 2011 (theo giá hiện hành) đạt 168,6 tỷ đồng, bằng 95,5% so với kế hoạch năm 2011, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng gần 300% so với cả năm 2006. Số lao động trên địa bàn tham gia sản xuất CN-TTCN đến thời điểm này đã đạt xấp xỉ 3.000 người với mức thu nhập ổn định từ 1-1,5 triệu đồng/người/tháng.

Những ngày đầu tháng 11 này, chúng tôi đã có dịp đến thăm HTX chế biến đá 30-4 Cẩm Trung. Chủ nhiệm HTX Trần Quang Huy cho biết: “Trước năm 2006, do không có vốn để tái sản xuất, các sản phẩm làm ra cũng không tìm được thị trường nên HTX gặp rất nhiều khó khăn, đơn vị đã có dự định chuyển đổi hình thức kinh doanh. Trong lúc khốn khó, HTX nhận được sự động viên khích lệ kịp thời của cấp ủy, chính quyền huyện Cẩm Xuyên bằng cách tạo điều kiện cho đơn vị vay vốn phát triển SXKD. Sau một thời gian “chiến đấu”, đến nay, doanh thu của HTX đạt khoảng 5 tỷ đồng/năm, đóng góp cho ngân sách huyện 300 triệu đồng/năm; tạo việc làm cho gần 50 lao động với mức lương từ 1-1,5 triệu đồng/ người/tháng”.

Từ một làng nghề truyền thống bị mai một trong cơ chế thị trường, song được huyện quan tâm hỗ trợ, hiện làng nghề nước mắm Cẩm Nhượng đang hồi sinh và phát triển mạnh. Xã hiện có 60 hộ tham gia sản xuất nước mắm, thu hút trên 500 lao động thường xuyên cùng hàng trăm lao động thời vụ. Đặc biệt, sản phẩm nước mắm Cẩm Nhượng giờ đây đã vươn ra các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định…

Tương tự làng nghề nước mắm Cẩm Nhượng, nghề nấu rượu ở Cẩm Yên từng đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”. Tuy nhiên, được sự quan tâm kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương nên làng nghề đã vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển khá sôi động. Đến nay, xã Cẩm Yên có trên 100 hộ tham gia sản xuất rượu, thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/ hộ/tháng. Anh nguyễn Văn Hải - chủ một lò rượu cho biết: “Nông dân chúng tôi một nắng hai sương, vất vả quanh năm, nếu chỉ trông vào mấy sào lúa thì ăn cũng chẳng đủ chứ nói chi đến việc mua cái này sắm cái nọ. Nhờ có nghề nấu rượu, cuộc sống của chúng tôi mới dần khá lên, nhiều gia đình ngoài việc nuôi con cái học hành đến nơi đến chốn còn có của ăn của để”.

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, cùng với hướng đi phù hợp, hiệu quả, CN-TTCN Cẩm Xuyên đang mở ra nhiều triển vọng lớn. Tin tưởng rằng, năm 2011 và những năm tiếp theo sẽ là thời kỳ phát triển lớn mạnh của ngành CN-TTCN Cẩm Xuyên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng KT-XH trên địa bàn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast