Phát triển HTX - trọng tâm của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp

(Baohatinh.vn) - Tính đến 30/7/2015, Hà Tĩnh có 438 hợp tác xã (HTX) nông-lâm-ngư nghiệp, trong đó, 301 HTX dịch vụ nông nghiệp, 68 HTX chăn nuôi, 15 HTX trồng rau - củ - quả, 49 HTX thủy sản và 5 HTX lâm nghiệp. Thực tế cho thấy, nhiều HTX hoạt động theo loại hình mới, năng động, sáng tạo, góp phần quan trọng vào sự phát triển nông nghiệp của tỉnh nhà cũng như công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Hỗ trợ người dân các dịch vụ nông nghiệp

HTX Đại Tân (Trường Sơn - Đức Thọ) là một trong số ít HTX chuyển đổi từ mô hình kinh tế tập thể thời bao cấp sang kinh tế thị trường hoạt động hiệu quả. Chủ động tìm hiểu thị trường, HTX Đại Tân quyết định chuyển mạnh hoạt động sang dịch vụ với đa dạng lĩnh vực: nông nghiệp, nước sạch và vệ sinh môi trường. Nhờ vậy, trong khi nhiều HTX nông nghiệp loay hoay chưa tìm được hướng đi thì HTX Đại Tân đã trở thành đơn vị điển hình của tỉnh, doanh thu đến nay đạt trên 1 tỉ đồng/năm, lợi nhuận từ 700 - 800 triệu đồng/năm.

Phát triển HTX - trọng tâm của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp ảnh 1
HTX Nông nghiệp kiểu mới là mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất hiện đại, tạo đà cho nông nghiệp Hà Tĩnh phát triển và hội nhập.

Giám đốc HTX Đại Tân - Nguyễn Đình Lâm chia sẻ: “Có được kết quả như hôm nay, trước hết, chúng tôi đã bám sát thực tiễn, nắm bắt nhu cầu thị trường để đưa ra những hoạch định, phương án kinh doanh phù hợp. Đồng thời, khi bắt tay thực hiện, phải có hạch toán cụ thể, quản lí chặt nguồn thu mới mong có lãi, tạo uy tín trong cộng đồng”.

“Đại Tân là một trong nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp làm ăn hiệu quả. Các HTX đã thực hiện được từ 3 - 7 khâu dịch vụ để cung cấp cho thành viên như: cày bừa làm đất, thủy lợi; cung ứng giống cây trồng - vật nuôi, phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi gia súc, thuốc thú y; nước sạch, vệ sinh môi trường; tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, một số HTX đã cho thành viên, bà con nông dân cung ứng trước dịch vụ nên cạnh tranh được với các thành phần kinh tế khác như: HTX Quỳnh Lương (TX Hồng Lĩnh), HTX Thanh Hương (Can Lộc), HTX Dịch vụ nông nghiệp Cẩm Bình (Cẩm Xuyên)... - Phó Giám đốc Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Trọng Hảo cho biết.

Liên kết chuỗi, nâng cao sức cạnh tranh

HTX Nuôi trồng thủy sản và Kinh doanh tổng hợp Việt Hải (Cẩm Dương - Cẩm Xuyên) ra đời chưa lâu, song đã khẳng định được thế mạnh khi đầu tư vào nuôi trồng thủy sản. Với nguồn vốn 36 tỷ đồng, HTX đã tập trung vào lĩnh vực cá mú, cá bơn và tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trên cát với tổng diện tích 9 ha.

Phát triển HTX - trọng tâm của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp ảnh 2
Các HTX nông nghiệp kiểu mới tạo ra chuỗi sản phẩm chủ lực

“Khí hậu và nguồn nước ở đây phù hợp cho cá mú phát triển. Đặc biệt, khoa học công nghệ thực sự là chìa khóa giúp chúng tôi từ bỏ lối sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, để bắt nhịp với nền sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường. Nhờ áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, hiện cá mú sinh trưởng tốt, đạt 8 lượng/con, dự kiến lúc thu hoạch sẽ đạt 1,2 - 1,3 kg/con. Tất cả sản phẩm sẽ được Công ty TNHH Fineton (Hồng Kông) tiêu thụ theo hợp đồng đã ký kết” - Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản và Kinh doanh tổng hợp Việt Hải - Nguyễn Trọng Hải cho hay.

Chủ trương đầu tư mạnh vào rau - củ - quả công nghệ cao trên cát hoang hóa, bạc màu của tỉnh thời gian qua là đòn bẩy để nhiều HTX rau - củ - quả ra đời và HTX rau - củ - quả Hà Trung (Cẩm Hòa - Cẩm Xuyên) cũng hình thành trên cơ sở đó. Qua 3 vụ sản xuất liên kết với Mitraco Hà Tĩnh, HTX Hà Trung đã thực sự làm chủ quy trình sản xuất, từng bước chiếm lĩnh thị trường. Giám đốc Trần Thị Việt Hà chia sẻ: “HTX đã táo bạo vay mượn, đầu tư hơn 3 tỉ đồng vào vùng cát. Sự nỗ lực của chị em được đền đáp xứng đáng khi năng suất, sản lượng các vụ rau, quả đạt cao. Theo đó, vụ xuân hè này, dưa hấu, bí xanh đạt 30 tấn/ha, cùng với các loại rau - củ - quả khác đã mang về nguồn lợi hơn 100 triệu đồng ”.

“Sản xuất trong điều kiện canh tác hết sức khó khăn, đòi hỏi áp dụng nghiêm ngặt quy trình kĩ thuật từ khâu cải tạo đất, bón phân, tưới nước, chăm sóc phù hợp từng giống cây. Đặc biệt, khi liên kết với Mitraco Hà Tĩnh, chúng tôi được hỗ trợ từ đầu vào tới đầu ra nên rất yên tâm. Vụ tới, chúng tôi mở rộng trồng rau trong nhà lưới, phát triển chăn nuôi bò và trồng cây ăn quả” - chị Hà cho biết thêm.

“Các HTX nông nghiệp kiểu mới đã chứng tỏ được năng lực của mình trong quá trình SXKD, tạo ra chuỗi sản phẩm chủ lực, thực sự là mắt xích trong chuỗi liên kết hiện đại, tổ chức sản xuất, đưa nông nghiệp Hà Tĩnh vào quá trình phát triển, hội nhập. Từ đó, góp phần phát triển KT-XH và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương” - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Trọng Hảo khẳng định.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết thêm, bên cạnh những HTX làm ăn hiệu quả, vẫn còn bộ phận HTX nông nghiệp trì trệ, yếu kém, ngừng hoạt động đã lâu hoặc chờ giải thể. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương tiến hành rà soát, phân loại và kiên quyết sáp nhập, chuyển đổi hoặc giải thể để khu vực HTX nông nghiệp thực sự phát triển tương xứng tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast