Đức và Na Uy đặt mua tàu ngầm phiên bản 212CD cho thập kỷ tiếp theo

Đức và Na Uy đã quyết định mua tàu ngầm tàng hình phi hạt nhân tiên tiến phiên bản 212CD cho các hoạt động của Hải quân trong thập niên tiếp theo.

Tàu ngầm lớp 212

Vào đầu những năm 1990, Hải quân Đức tìm kiếm mẫu tàu ngầm dựa trên thiết kế cải tiến Type 209, sử dụng động cơ đẩy không phụ thuộc không khí (AIP), được gọi là Type 212, để thay thế các tàu ngầm Type 206. Chương trình chính thức bắt đầu vào năm 1994, khi hải quân Đức và Italia cùng hợp tác phát triển một tàu ngầm thông thường mới, hoạt động ở vùng nước cạn của biển Baltic và vùng nước sâu hơn của Địa Trung Hải.

Hai yêu cầu khá khác nhau được dung hòa và do những cập nhật đáng kể về thiết kế, tên tàu đã được đổi thành Type 212A (tiếng Đức: U-Boot-Klasse 212 A) kể từ đó. Ngày 22/4/1996, một Biên bản Ghi nhớ đã khởi đầu cho việc hợp tác đóng 4 tàu giống hệt nhau cho hải quân mỗi nước nhằm dễ dàng hỗ trợ hậu cần và vòng đời khai thác sử dụng.

Năm 1998, Chính phủ Đức đã đặt hàng đóng 4 chiếc Type 212A tại Howaldtswerke-Deutsche Werft AG (HDW) và Thyssen Nordseewerke GmbH (TNSW) của Emden. Cùng năm đó, Chính phủ Italia cũng đặt hàng hai tàu ngầm U212A do Fincantieri chế tạo cho Hải quân Italia (Marina Militare) tại xưởng đóng tàu Muggiano, được định danh là lớp Todaro.

Đức và Na Uy đặt mua tàu ngầm phiên bản 212CD cho thập kỷ tiếp theo

Type 212A là tàu ngầm diesel-điện tiên tiến sử dụng một hệ thống đẩy độc lập không khí AIP; Nguồn: wikipedia.org

Hải quân Đức đã đặt hàng hai chiếc tàu ngầm cải tiến bổ sung vào năm 2006, sẽ được chuyển giao từ năm 2012 trở đi. Hai chiến này sẽ dài hơn 1,2 m để có thêm không gian cho một cột buồm trinh sát mới. Năm 2008, Hải quân Italia đã đặt hàng lô tàu ngầm thứ hai với cấu hình tương tự những chiếc ban đầu. Một số nâng cấp liên quan đến vật liệu và gói phần mềm nhằm giảm chi phí bảo trì. Năm 2015, Italia đã công bố kế hoạch đóng thêm hai tàu ngầm U212A.

U-Boot-Klasse 212 A (cũng là lớp Todaro của Italia), là tàu ngầm diesel-điện sử dụng một hệ thống đẩy độc lập không khí AIP, là lớp đầu tiên được bổ sung pin nhiên liệu hydro nén màng trao đổi proton (proton exchange membrane - PEM) của Siemens, có thể di chuyển tốc độ cao bằng năng lượng diesel hoặc chuyển sang hệ thống AIP để lặn chậm và im lặng, có thể ở dưới nước tới ba tuần, ít tỏa nhiệt. Hệ thống này cũng được cho là không rung, cực kỳ yên tĩnh và hầu như không thể bị phát hiện.

Mặc dù động cơ đẩy hydro-oxy đã được cân nhắc dùng cho tàu ngầm ngay từ Thế chiến I nhưng không thành công cho đến gần đây, do những lo ngại về cháy nổ. Ở Type 212, điều này đã được khắc phục bằng cách lưu trữ nhiên liệu và chất oxy hóa trong các thùng bên ngoài khoang thủy thủ đoàn, giữa thân tàu chịu áp suất và vỏ tàu nhẹ bên ngoài. Khí được dẫn qua thân tàu áp suất tới các tế bào nhiên liệu khi cần thiết để tạo ra điện.

Type 212A dài 56-57,2 m, cao 6,4 m; dùng động cơ diesel 1 MTU 16V 396; có lượng choán nước 1.524 tấn khi nổi và 1.830 tấn khi lặn; đạt tốc độ 22 km/h khi nổi và 37 km/h khi lặn, tầm bơi 15.000 km (ở tốc độ 15 km/h); có thể lặn dài đến 3 tuần không dùng ống thở và 12 tuần nếu sử dụng ống thở; thủy thủ đoàn 27 thành viên.

Một phần nhờ sự bố trí chữ “X” ở đuôi tàu, Type 212A có khả năng hoạt động ở độ sâu ít nhất là 17 mét nước, cho phép nó đến gần bờ hơn nhiều so với hầu hết các tàu ngầm hiện đại. Điều này mang lại lợi thế trong các hoạt động bí mật, vì lính biệt kích được trang bị đồ lặn từ tàu có thể nổi lên gần bãi biển và thực hiện nhiệm vụ nhanh hơn và ít tốn công sức hơn.

Đức và Na Uy đặt mua tàu ngầm phiên bản 212CD cho thập kỷ tiếp theo

Type 212CD là tàu ngầm Type 212A cải tiến, được tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến; Nguồn: wikipedia.org

Một đặc điểm thiết kế đáng chú ý nữa là tiết diện ngang của thân tàu hình lăng trụ và chuyển tiếp mượt mà từ thân tàu sang cánh buồm, cải thiện đặc tính tàng hình của tàu. Con tàu và các kết cấu nội thất bên trong được làm bằng vật liệu phi từ tính, giúp giảm đáng kể khả năng nó bị phát hiện bởi từ kế hoặc mìn từ tính của hải quân.

Đức và Na Uy mua tàu ngầm tàng hình tiên tiến lớp 212CD

Tháng 2/2017, đã có thông báo, Hải quân Hoàng gia Na Uy sẽ mua 4 tàu ngầm dựa trên Type 212, dự kiến ​​đưa vào hoạt động trong khoảng thời gian từ năm 2025-2028, nhưng Kế hoạch Quốc phòng 2020 của Na Uy sau đó dự kiến ​​đưa vào hoạt động “vào khoảng năm 2030”.

Bộ Quốc phòng Đức vừa thông báo về hợp đồng giữa Na Uy, Đức và công ty đóng tàu Thyssenkrupp Marine Systems (Đức) về sáu tàu ngầm phi hạt nhân tiên tiến Type 212 cho Hải quân Đức và Na Uy. Nhà sản xuất tiết lộ thêm rằng, thiết kế tàu ngầm Type 212A hiện tại sẽ được phát triển thêm, thành Type 212CD Thiết kế Chung (Common Design) thông qua việc “tích hợp các công nghệ tiên tiến”.

Tàu ngầm Type 212A của Đức là một tàu ngầm nhỏ, có thiết kế hiện đại, thủy thủ đoàn cũng nhỏ (5 sĩ quan và 22 thủy thủ) nhờ một lượng lớn công việc được tự động hóa. Và mặc dù kích thước khá nhỏ so với một số tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, Type 212A được trang bị 6 ống phóng ngư lôi hạng nặng và có thể bắn nhiều loại ngư lôi, tên lửa hoặc thủy lôi hạng nặng cỡ 533 mm (DM2A4 Seehecht (“Seahake”), ngư lôi WASS BlackShark và tên lửa tầm ngắn). Khả năng trong tương lai có thể được tích hợp tên lửa hành trình phóng từ ống.

Đức và Na Uy đặt mua tàu ngầm phiên bản 212CD cho thập kỷ tiếp theo

Đức và Na Uy đã quyết định mua tàu ngầm tàng hình phi hạt nhân tiên tiến phiên bản 212CD cho thập kỷ 2030; Nguồn: wikipedia.org

Tên lửa IDAS tầm ngắn (dựa trên tên lửa IRIS-T) chủ yếu được sử dụng để chống lại các mối đe dọa trên không cũng như các mục tiêu trên biển hay gần đất liền, hoặc nhỏ, vừa được Diehl BGT Defense phát triển để khai hỏa từ các ống phóng ngư lôi của Type 212. IDAS được dẫn đường bằng sợi quang và có tầm bắn khoảng 20 km. Các chuyến giao đầu tiên của IDAS cho Hải quân Đức đã được lên kế hoạch từ năm 2014.

Một khẩu pháo tự động 30 mm được gọi là Muräne để hỗ trợ hoạt động của thợ lặn hoặc để bắn cảnh báo cũng đang được xem xét. Khẩu pháo, có thể là một phiên bản của RMK30 do Rheinmetall chế tạo, sẽ được cất giữ trong một cột buồm có thể thu vào và có thể bắn mà tàu không cần phải nổi lên. Cột buồm cũng sẽ được thiết kế để chứa ba UAV Aladin cho các nhiệm vụ trinh sát, nhiều khả năng sẽ được áp dụng trên lô Type 212 thứ hai cho Hải quân Đức.

Ngoài vỏ tàu ngầm hoàn toàn mới, Type U212CD sẽ được trang bị một tên lửa tấn công hải quân NSM (Naval Strike Missile) mới được phát triển ở Na Uy (cũng được bán cho Mỹ), sẽ mang lại cho tàu ngầm khả năng chống hạm mạnh. Bộ Quốc phòng Đức cho biết rằng, “đã đạt được thỏa thuận về các phương thức cuối cùng trong dự án tên lửa tấn công hải quân. Việc mua sắm các tên lửa này có liên quan đến dự án tàu ngầm trong danh mục hợp tác trang bị vũ khí hải quân Đức-Na Uy.

Tên lửa NSM là một loại vũ khí rất linh hoạt và có thể tấn công cả tàu trên biển và các mục tiêu trên đất liền. NSM có thể bay theo kiểu lướt trên biển, giúp tránh radar của đối phương và giảm nguy cơ bị bắn hạ nếu bị phát hiện. Trong trang bị của Mỹ, NSM có thể sẽ được Thủy quân Lục chiến sử dụng để đánh chìm tàu ​​địch, như một phần trong quá trình tái thiết kế lực lượng của họ nhằm chống lại lực lượng Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Nếu mọi việc diễn ra theo đúng tiến độ, tàu ngầm Type 212CD đầu tiên sẽ bắt đầu được đóng vào năm 2023, và sẽ được chuyển giao cho Hải quân Na Uy vào năm 2029; các tàu ngầm Đức dự kiến ​​sẽ được xuất xưởng muộn hơn, vào năm 2031 và 2034.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast