Tránh thất thoát ngân sách trong hoạt động khai khoáng

(Baohatinh.vn) - Sáng 5/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn chủ trì buổi làm việc với Sở TN&MT về việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản.

Tránh thất thoát ngân sách trong hoạt động khai khoáng ảnh 1

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn: Việc cấp phép mới phải hết sức thận trọng, đảm bảo đơn vị khai khác hoạt động hiệu quả, lựa chọn các nhà đầu có năng lực, có công nghệ mới.

Đến tháng 9/2014, trên địa bàn tỉnh có 90 đơn vị khai thác và chế biến khoáng sản tại 108 mỏ (giấy phép còn hiệu lực), trong đó Bộ TN&MT cấp 5 giấy phép, UBND tỉnh cấp 103 giấy phép.

Trong thời gian từ 7/211 đến 9/2014, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh cấp 72 giấy phép thăm dò, 72 giấy phép khai thác, gia hạn 12 giấy phép, chuyển nhượng 2 giấy phép, phê duyệt trữ lượng 111 mỏ, thu hồi 13 giấy phép, hướng dẫn làm thủ tục đóng cửa mỏ 14 mỏ, cho phép trả lại 1 giấy phép khai thác, thông báo hết hiệu lực 94 giấy phép.

Năm 2014, Sở TN&MT tiến hành thanh tra, kiểm tra tham mưu UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản của 8 đơn vị tại Kỳ Anh; đề nghị UBND tỉnh xem xét ban hành quyết định thu hồi giấy phép khai thác 2 mỏ, tạm đình chỉ và tiếp tục tạm đình chỉ hoạt động khoáng sản trong thời hạn 45 ngày đối với 5 mỏ/5 đơn vị, chấm dứt tạm đình chỉ 2 mỏ/2 đơn vị, tiếp tục cho gia hạn 45 ngày để khắc phục các tồn tại đối với 6 đơn vị, thông báo hết hiệu lực giấy phép khai thác đối với 9 mỏ.

Từ năm 2011 đến 6/2014, Sở TN&MT đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, các địa phương liên quan kiểm tra 46 cuộc hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, qua đó xử phạt vi phạm hành chính gần 900 triệu đồng với 78 tổ chức. Tịch thu 680 bao quặng Xerixit trái phép (khoảng 40-50 tấn); tịch thu 250 tấn Elmenite; đề nghị UBND tỉnh truy thu 395, 3 triệu đồng.

Tránh thất thoát ngân sách trong hoạt động khai khoáng ảnh 2

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại xã Xuân Lam (Nghi Xuân)

Về thực hiện nghĩa vụ tài chính, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2014 các đơn vị phải nộp 179,584 tỷ đồng. Tính đến 30/10/2014 có 69 mỏ đã thực hiện nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với số tiền 21,5 tỷ đồng. Đến nay, còn 76 mỏ chưa nộp tiền với số tiền 159,55 tỷ đồng và tiền nộp phạt chậm là 329,78 triệu đồng.

Hiện tại, đã có 118 đơn vị (149 mỏ) đã ký quỹ phục hồi môi trường, với số tiền 9,9 tỷ đồng; có 71 đơn vị còn nợ tiền ký quỹ với 14,6 tỷ đồng và 23 đơn vị chưa có hồ sơ cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác; 22 đơn vị hết hạn giấy phép, không được cấp lại còn nợ tiền quỹ hơn 900 triệu.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng, thời gian qua, Sở TN&MT đã đạt một số kết quả trong quản lý hoạt động khoảng sản. Tuy nhiên, xét về tổng quan vẫn còn rất nhiều tồn tại; đã có các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản nhưng triển khai còn chậm và chưa hoàn thiện. Trình tự thủ tục cho quá trình khảo sát, cho phép khảo sát, cho phép thăm dò, cấp phép, các thủ tục bồi thường, GPMT… còn dài, thiếu chính xác. Còn để lãng phí nhiều tài nguyên khoáng sản. Nhiều nơi hoạt động khai thác ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan môi trường do thiếu quy hoạch, quản lý.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT phối hợp với các sở ngành, đơn vị, địa phương, căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch trong việc cấp phép mới, phải hết sức thận trọng và đảm bảo đơn vị khai khác hoạt động hiệu quả, lựa chọn các nhà đầu có năng lực, có công nghệ mới. Phân cấp quản lý, chỉ đạo, tham mưu phân rõ trách nhiệm quản lý các cấp, ngành, địa phương. Các đoàn thanh tra, kiểm tra phải xử lý nghiêm các vi phạm. Tập trung cho vấn đề thu ngân sách, thu đúng, thu đủ, dứt khoát không để thất thoát, đảm bảo công bằng xã hội.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast