Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển Vàm Lũng ngày trở lại

Vàm Lũng(Cà Mau) – bến cuối cùng trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại chính là nỗi đợi chờ thiêng liêng nhất của các đại biểu tham gia hành trình. Đi trên sông nước mênh mang, nhìn về rừng mắm, rừng đước xanh xì mà con tim tôi dâng tràn nỗi xúc động thiêng liêng… Tại đây chúng tôi đã được chứng kiến niềm vui hội ngộ của những người lính với nhân dân bản xứ, đã được trực tiếp đi tìm dấu tích những bến bãi, kho cất giấu vũ khí và giải mật mã để đến được nhà anh hùng Bông Văn Dĩa…

>Huyền thoại nơi bến bờ

Trong niềm vui hội ngộ
Trong niềm vui hội ngộ

Từ thị trấn Năm Căn, mấy chiếc xuồng chở đoàn đại biểu chúng tôi rẽ nước, lướt băng băng trên sóng hướng về phía trung tâm huyện Ngọc Hiển. Thiêng liêng làm sao khi chúng tôi đang có mặt trên Đất Mũi trong những ngày kỷ niệm 50 năm lịch sử con đường huyền thoại. Địa điểm chúng tôi hướng đến là Vàm Lũng, nơi con tàu Phương Đông 1 mang theo 30 tấn vũ khí từ miền Bắc cập bến an toàn vào ngày 16-10-1962, khai thông đường Hồ Chí Minh trên biển đồng thời cũng là bến cuối của tuyến đường huyền thoại này. Không riêng gì chúng tôi, với một số CCB đoàn tàu không số thì đây cũng là lần đầu tiên họ được đến Vàm Lũng nổi danh trong chiến tranh. Huyện Ngọc Hiển - quê hương của người anh hùng, tài ba thuộc thế hệ đầu tiên của đoàn tàu không số năm xưa dẫu đã có nhiều đổi thay nhưng vẫn gợi lên trong suy nghĩ của tôi một đời sống nhiều lam lũ. Điều đó càng khắc sâu trong tâm tư tôi sự khâm phục những người con nơi chót cuối Tổ quốc đã sớm biết giác ngộ cách mạng, vượt lên gian khổ nêu cao ý chí chiến đấu vì sự độc lập tự do của dân tộc.

Giải mật mã tìm đường đi
Giải mật mã tìm đường đi

Quàng lên vai các đại biểu chiếc khăn rằn truyền thống, các bạn trẻ Cà Mau dẫn chúng tôi đến bên tượng đài di tích bến Vàm Lũng. Trong tất cả các CCB tham gia đoàn hành trình thì có lẽ CCB Đỗ Xuân Tâm (ở Hải Phòng) là hồi hộp nhất bởi ông có nhiều năm tháng gắn bó với bà con nơi đây. Cả ông và chúng tôi đều không thể biết trước được điều gì sẽ xẩy ra. Và rồi không gian bỗng vỡ òa trong nỗi xúc động sâu sắc khi từ đâu đó có 2 người chạy ra và gọi “Tâm’, “anh hai Tâm”. CCB Đỗ Xuân Tâm – thành viên đoàn hành trình đứng sững lại rưng rưng nước mắt ôm chầm lấy người đồng đội và cô em gái nhỏ năm xưa… Ấy là CCB Huỳnh Văn Nữa và Cô Út Lợi. Một từng là thủy thủ tàu không số, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã ở lại gắn bó với vùng đất này. Một là du kích đã từng che chở, bảo vệ những chiến sỹ đoàn tàu không số khi họ cập bến Vàm Lũng. Trong niềm vui nghẹn ngào, cô Út Lợi nói: “Hồi đó tôi mới 13 tuổi, khi tàu của miền Bắc cập bến Vàm Lũng rồi vào giấu trong lạch Chim Đẻ thì gia đình tôi nhường nhà cho bộ đội ở. Ngày ấy, anh Tâm gầy và đen chứ không như bây giờ nhưng nét mặt thì vẫn nguyên vẹn như trong nỗi nhớ của tôi nên gặp là nhận ra ngay”. CCB Đỗ Xuân Tâm cho biết: “Tôi từng tham gia vận chuyển 7 chuyến hàng vào Cà Mau, sau chuyến thứ 7 phải hủy tàu ở Trà Vinh thì tôi được phân công ở lại Ngọc Hiển (Cà Mau) làm nhiệm vụ bảo vệ kho vũ khí. Út Lợi khi đó đã theo mẹ ra ở đầu lạch Chim Đẻ để canh giữ kho vũ khí cùng chúng tôi. Gặp lại đứa em gái nhỏ ngày ấy sau mấy chục năm ly biệt với tôi đó là niềm hạnh phúc lớn lao”.

Những chiếc thuyền lướt băng băng trên sông Vàm Lũng đi tìm những địa danh lịch sử
Những chiếc thuyền lướt băng băng trên sông Vàm Lũng đi tìm những địa danh lịch sử

Cũng tại mảnh đất lịch sử này, những người trẻ chúng tôi đã được trải nghiệm hoạt động rất có ý nghĩa. Bằng những con xuồng ba lá của người dân bản địa, dưới hình thức các trung đội, chúng tôi đã chia nhau rẽ nước sông Lũng đi tìm các dấu tích huyền thoại. Sau khi nhận mật mã và giải mã, chúng tôi đã lần lượt tìm được cửa Vàm Lũng – nơi tàu không số cập bến, kho vũ khí Chốt Kiến Ràng, Rạch Giáp Ranh – nơi giấu tàu, Chùm Gộng – nơi hủy tàu và đặc biệt là tìm được đường đến nhà anh hùng Bông Văn Dĩa. Tại những địa điểm đó chúng tôi đã được gặp ông Tiết Văn Thẹo – người làm nhiệm vụ bảo vệ bến Vàm Lũng năm xưa và được nghe những câu chuyện như huyền thoại về sự chiến đấu anh dũng của bộ đội và bà con ven dòng sông Lũng. Ông nói: “ noi theo tấm gương anh hùng Bông Văn Dĩa, mỗi người dân Cà Mau là một chiến sỹ giải phóng kiên cường. Giặc Mỹ tự hào rằng vòng vây của chúng chặt chẽ đến nỗi không một con muỗi nào có thể lọt qua, thế nhưng hàng ngàn tấn vũ khí, hàng hóa của miền Bắc vẫn được bộ đội và bà con nhân dân vận chuyển, cất giấu an toàn. Dã man và khốc liệt hơn là khi phát hiện ra bà con nuôi giấu cán bộ, địch đã bắn phá và rải chất độc đi ô xin nhưng bà con chúng tôi vẫn kiên cường ở lại chiến đấu đến cùng”.

Bàn thờ anh hùng LLVT nhân dân Bông Văn Dĩa
Bàn thờ anh hùng LLVT nhân dân Bông Văn Dĩa

Với nhân dân Cà Mau, anh hùng Bông Văn Dĩa là tấm gương sáng về sự hy sinh, tên ông là động lực của rất nhiều thế hệ. Trò chuyện cùng cô con gái thứ 3 của ông trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ trên dòng sông Lũng, chúng tôi hiểu thêm về cuộc đời chiến đấu gian lao mà hiển hách của người con kiên trung miền đất mũi. Sau khi thắp nén nhang tưởng nhớ lên ban thờ ông bà, chúng tôi được bà Bông Thị Ưa cho xem những trang nhật ký, hồi ký của cha mình. Bấy giờ ông là Chính trị viên của tàu gỗ Phương Đông 1, do thuyền trưởng Lê Văn Một chỉ huy, chở 35 tấn vũ khí từ miền Bắc vượt biển vào rạch Chùm Gộng an toàn, đánh dấu Đường Hồ Chí Minh trên biển chính thức được khai thông. Ông viết: “Đêm 12-10-1962, chúng tôi chở hàng và vũ khí xuống tàu tại bến Đồ Sơn (Hải Phòng). Đêm 13 lại xuống tiếp, cộng chung là 35 tấn. 8 giờ đêm (20 giờ) ngày 14-10-1962, chúng tôi rời bến Đồ Sơn đi theo đường kẻ (đường vạch sẵn trên bản đồ). Đến đảo Hải Nam thì gặp gió mùa đông bắc thổi mạnh nên phải đi theo đường kẻ số hai. Đến Cù Lao Thu thì máy trục trặc, chúng tôi phải thả trôi một đêm để sửa máy nhưng vẫn không thể chạy mau được như cũ. 6 giờ sáng ngày 20-10-1962, tàu chúng tôi vào Cửa Lũng, ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân gặp đoàn xuồng của đồng chí Nguyễn Văn Phan (Tư Đức) trong vàm Cửa. Gặp nhau rất mừng rỡ. Khi tàu lọt vô tới Cửa Lũng thì tôi lập tức báo tin vui cho Đoàn 125 và Trung ương biết là chúng tôi đã tới nơi an toàn. Đưa tàu vô tới nơi quy định là rạch Chùm Gộng. Đậu xong lập tức cho các ghe xuồng bốc sang hàng…”.

Những câu chuyện thời chiến đầy gian lao, hiểm nguy cùng cuộc hành trình khám phá những dấu tích lịch sử bên sông Vàm Lũng đã cho tuổi trẻ chúng tôi những trải nghiệm đáng quý. Chúng tôi đều cảm thấy tự hào vì đã tự mình khám phá bao trầm tích huyền thoại ẩn giấu giữa mênh mông rừng đước, rừng mắm. Đất Mũi thân thương, đất Mũi anh hùng – nơi một thời đã nuôi dưỡng và chở che những người con kiên trung của Tổ quốc đã gieo vào trái tim tươi trẻ chúng tôi những ký ức đẹp đẽ không thể nào quên.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast