Tận cùng của nỗi đau

Những gì đang diễn ra trong căn nhà của anh Nguyễn Văn Khương ở thôn Bình Phong, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang có lẽ là tận cùng nỗi đau đối với một đời người. Sáu con người trong gia đình đó, ba người mắc bệnh ung thư, ba người bị tâm thần.

Ngôi nhà dột nát nơi trú ngụ của gia đình anh Khương nằm lạnh lẽo khuất hút trong rừng tràm của một vùng sơn cước. Giữa một ngày nắng nóng của mùa hạ, ngay lúc mới bước tới nhà anh, chúng tôi đã được ba thanh niên lực lưỡng đánh trần giang tay chặn ngay trước cửa. Mặc dù được giới thiệu trước nhưng tôi không khỏi giật mình. Đó là ba cậu con trai của anh Nguyễn Văn Khương và chị Lâm Thị Hoàn có lớn mà không có khôn, biết ăn mà không biết làm.

Ảnh 1: Vợ chồng anh Khương và ba cậu con trai điên dại

Ảnh 1: Vợ chồng anh Khương và ba cậu con trai điên dại

Anh Khương run run rót cóc nước chè mời khách. Trên hai chiếc giường bên nhà, mấy cậu con trai vừa nằm vừa gằm mắt nhìn người khách lạ. Đang lúc trò chuyện, bất ngờ anh Khương bị cậu con trai ngồi phía sau cho ăn trọn chiếc dép vào đầu. Cả ba cậu con trai đều ré lên cười và đập giường đùm đụp với vẻ khoái chí. Còn anh Khương sau một phút choáng váng đưa mắt nhìn mấy đứa con, rưng rưng không nói thành lời. Rồi, anh nhẹ nhàng gọi ba cậu con trai, nghẹn nghào: “Ngồi ngoan đi con…tí nữa cho đi chị Hà nhé”.

Trong căn nhà chật chội nặng mùi ẩm móc, trước mắt tôi là sáu con người đang phải gánh chịu nỗi đau tận cùng của bệnh tật và sự oan nghiệt của số phận. Anh Khương nghẹn ngào kể, vợ chồng cưới nhau được bốn mặt con (ba con trai, một con gái) khi sinh ra tất cả đều bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng khi lớn lên lần lượt 3 trong 4 đứa con của anh chị có biểu hiện không bình thường. Đầu tiên là cháu Nguyễn Trọng Nam, sau đó là hai cháu Nguyễn Trọng Phong và Nguyễn Trọng Cảnh. Mặc dù khi gia đình đã phát hiện bệnh tình các cháu nhưng vì quá túng bấn nên anh chị đã không đưa cháu đi khám bệnh. Kể đến đến đây anh Khương không cầm được nước mắt: “Đến giờ đã hơn hai mươi năm nhưng tôi cũng chưa biết chính xác con tôi mắc bệnh gì…!”.

Từ khi biết các con mắc bệnh, anh chị vẫn tự động viên nhau làm ăn. Anh Khương thì cố sức "cày" để kiếm tiền nuôi các con, còn chị Hoàn phải ở nhà làm vườn để trông chừng ba đứa con điên dại. Những hôm mùa vụ, vợ chồng ông cùng phải ra đồng, đã nhiều lần các con bỏ đi khiến cả nhà phải đi tìm mấy ngày mới thấy. Đã thế chưa đủ, tai họa tiếp tục ập xuống với anh Khương và gia đình. Năm 2002, anh phát hiện mình mắc chứng bệnh u bướu cổ ác tính, đến nay hơn tám năm điều trị ở Bệnh viện nội tiết Trung ương nhưng vẫn không khỏi. Một mình chị Hoàn tất tưởi lo toan mọi công việc gia đình chạy thuốc cho chồng, nuôi con.

Tận cùng của nỗi đau ảnh 2

Chị Hoàn đang mang căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Riêng cô con gái Nguyễn Thị Hà được bác sỹ kết luân bị u xơ tử cung.

Sự oan nghiệt của cuộc sống tưởng chừng như thế là quá đau đớn với gia đình anh chị, nhưng vẫn chưa dừng lại ở đó. Tháng 6 năm 2010, khi cô con gái Nguyễn Thị Hà, niềm hy vọng duy nhất của gia đình đang làm công nhân ở trong miền nam về quê. Niềm vui đoàn tụ khi cha mẹ gặp con, chị gặp em chưa kịp tận hưởng thì gia đinh anh Khương lại tiếp tục đón nhận một đại họa nữa. Trong một lần chị Hoàn cùng cô con gái đưa đi khám sức khỏe thì cả hai mẹ con mới biết mình đang mang căn bệnh nan y : Chị Hoàn đang mang căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Riêng cô con gái Nguyễn Thị Hà được bác sỹ kết luân bị u xơ tử cung.

Nhìn thân hình yếu ớt của chị Hoàn, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn xa xa và những giọt nước mắt kéo dài trên gò má hốc hoác khiến người chứng kiến cũng không thể kìm nén được nước mắt. Giọng nói khào khào không còn rõ âm cứ nấc lên từng khúc của chị Hoàn: “Bệnh viện trả tôi về…! Họ nói có gì lo mà ăn đi…! Nói tới đây chị Hoàn như muốn gục hẳn không muốn nhìn mặt các con nữa.

Một trong những đứa con trai điên dại đã đứng dậy rót cóc nước cho mẹ, một hành động hiếm hoi giống như người biết nghĩ. Anh Khương nhìn con mà nhói lòng: “Mười ngày nay thằng nớ không chịu ăn chi cả, chỉ uống nước chè không thôi…” Cầm tấm ảnh của cậu con trai mà anh Khương chỉ biết cầu trời: “Đề phòng lỡ nó ra đi trước nên tôi đã thuê thợ chụp ảnh cho nó rồi…”.

Hơn 20 năm qua, gần như gia đinh ông Khương không có ngày nào không phải giành dật sự sống khi cả hai vợ chồng anh chị đang đếm ngược từng ngày. Dẫu phải sang bên kia thế giới, nhưng làm sao anh chị có thể yên tâm được khi những đứa con cứ điên điên dại dại, đến bố mẹ đẻ ra cũng chẵng biết, bản thân chúng cũng chẵng biết mình là ai.

Ba cậu Nam, Phong, Cảnh có lớn mà không có khôn

Ba cậu Nam, Phong, Cảnh có lớn mà không có khôn

“Lâu nay vì sợ lây bệnh nên xóm làng xa lánh, may hôm nay còn có chú đến chơi…!” – Chị Hoàn nói trong nước mắt khi chia tay chúng tôi. Phải chăng đây là một lời cầu cứu định mệnh của một gia đình bất hạnh từ một vùng sơn cước đang rất cần nhiều những tấm lòng hảo tâm chia xẻ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast