Oai hùng nữ tiểu đội 12 ly 7 rú Nghèn

(Baohatinh.vn) - Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Can Lộc là một trọng điểm bị máy bay của giặc Mỹ tập trung đánh phá ác liệt. Cùng với Ngã ba Đồng Lộc, Cầu Nhe (Vĩnh Lộc), Tiểu đội 12 ly 7 rú Nghèn đã góp phần mình vào cuộc kháng chiến hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc.

Cuối năm 1967 đầu năm 1968, tình hình trên chiến trường có nhiều chuyển biến. Ngã ba Đồng Lộc cùng với xã Đại Lộc (nay là TT Nghèn) trở thành địa điểm bắn phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Trước tình thế đó, ngày 15/1/1968, Tiểu đội dân quân 12 ly 7 rú Nghèn đã được thành lập để bảo đảm tuyến giao thông huyết mạch qua xã Đại Lộc.

Tiểu đội dân quân 12 ly 7 rú Nghèn năm xưa. Ảnh tư liệu
Tiểu đội dân quân 12 ly 7 rú Nghèn năm xưa. Ảnh tư liệu

Ngay buổi đầu mới thành lập, Tiểu đội gồm có 22 chiến sĩ và đã liên tiếp giành được nhiều chiến công oanh liệt dưới sự chỉ huy của huyện đội Can Lộc. Là những người con gái tuổi còn đôi mươi, khi Tổ quốc lâm nguy họ đã sẵn sàng đứng lên cầm súng chiến đấu, đánh đuổi quân thù. Dù không qua một ngày huấn luyện nào nhưng với tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh", các cô đã vượt qua gian khổ, chiến đấu quả cảm để bảo vệ quê hương.

Thời gian cùng với nhưng lo toan, vướng bận trong cuộc sống thường ngày đã khiến cho các cô già yếu đi nhiều nhưng khi nhớ về một thời lửa đạn bảo vệ miền quê Đại Lộc, bảo vệ những chuyến xe ra tiền tuyến, ánh mắt các cô lại lấp lánh lạ thường. bà Ngô Thị An, nguyênTiểu đội phó, Tiểu đội 12 ly 7 nhớ lại: “Là người Việt Nam, nên khi thấy quê hương, đất nước bị giặc giày xéo thì ai cũng phải đứng lên mà chiến đấu đánh đuổi quân thù chứ không riêng gì chúng tôi.

Còn nói về trận địa rú Nghèn, mỗi ngày chị em chúng tôi chiến đấu với hàng chục chiếc máy bay. Tôi vẫn nhớ như in có lần máy bay Mỹ thả bom trúng nơi chúng tôi ẩn nấp, tưởng không thể sống sót nhưng may mắn là tôi đã thoát chết để tiếp tục chiến đấu”. Còn đối với bác Trần Thị Hoa, những đêm thức trắng, gan lỳ chiến đấu với máy bay địch để bảo vệ cầu Nghèn đã trở thành những ký ức ăn sâu vào tâm khảm của bác. Bác Hoa cho biết:"Mỗi lần oanh tạc như vậy thường có gần 30 chiếc máy bay nối đuôi nhau trút hàng trăm tấn bom xuống trận địa cầu Nghèn, rú Nghèn nên chúng tôi phải bám trụ tại đó để quyết tâm không cho địch phá cầu bất kể đêm hay ngày”.

Không chỉ tập trung chiến đấu, bảo vệ Đại Lộc mà từ năm 1968 đến cuối năm 1972, Tiểu đội 12 ly 7 rú Nghèn còn thường xuyên ngược lên Ngã ba Đồng Lộc để cùng với các lực lượng tại Ngã ba huyền thoại chiến đấu bảo vệ mạch máu giao thông đảm bảo an toàn cho những đoàn xe vào tiền tuyến miền Nam. Tháng 7 năm 1969, khi các cô được huyện đội giao nhiệm vụ tiếp tế đạn dược lên chiến trường Ngã ba Đồng Lộc nhưng bị địch tập kích tại xã Vĩnh Lộc. Mặc dù bị tập kích bất ngờ nhưng các cô không ai rời đội ngũ, vẫn tiếp tục công việc tải đạn cho chiến trường.

Trong 6 năm chiến đấu và trưởng thành, các cô đã kinh qua vô số trận đánh để bảo vệ làng mạc, bảo vệ xe chi viện cho miền Nam ruột thịt nhưng hằn sâu trong tâm khảm các cô là cuộc chiến ứng cứu và bảo vệ cầu Nghèn đảm bảo giao thông trên tuyến Quốc Lộ 1A vào ngày 30/4/1968. Đây là một trong những trọng điểm giặc Mỹ đánh phá ác liệt nhất lúc bấy giờ. Vào khoảng 6h sáng ngày 30 tháng 4 năm 1968, đoàn xe vận chuyển quân lương của ta đang vượt qua cầu Nghèn thì bị địch tập kích. Trước tình thế đó, Tiểu đội 12 ly 7 đã anh dũng chiến đấu chống lại hàng chục chiếc máy của địch nhằm đảm bảo thông xe ra tiền tuyến. Với hơn 50 lần giặc oanh tạc, ném bom và suốt ngày hôm ấy, các cô gái trẻ đã phải nhịn đói để bảo vệ cầu Nghèn cho xe qua. Và trong trận chiến ác liệt đó, các cô đã hạ được một chiếc B52 ngay cạnh chân cầu Nghèn.

Ngoài trận đánh ngày 30/4/1968, còn có một số trận đánh tiêu biểu như: Trận đánh giữa tháng 9 năm 1970, khi các cô phục kích máy bay địch ở trận địa Phúc Sơn nhưng do bị lộ nên tiểu đội đã bị địch đánh phá dữ dội. Giặc Mỹ đã điều động hàng chục chiếc máy bay nối đuôi nhau thả hàng chục tấn bom xuống địa điểm các cô phục kích. Bà Lê Thị Thanh nghẹn ngào kể lại: “Sáng hôm ấy chúng tôi đã phục kích giặc ở trận địa Phúc Sơn để bảo vệ cầu Nghèn, bất ngờ giặc Mỹ đã trút mưa bom xuống trận địa khiến cho chúng tôi không kịp trở tay. Có một số chị đã bị thương nặng trong lần phục kích đó”.

Ngày 30/4/1975 đất nước thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà, các cô lại gác tay súng trở về với cuộc sống đời thường. Giờ đây, chẳng mấy ai còn nhắc đến các cô, dẫu vậy, chúng tôi vẫn tin rằng ký ức về một thời hào hùng của tiểu đội 12 ly 7 rú Nghèn năm xưa vẫn còn in đậm trên từng thước đất quê hương. Và, với những ai từng biết tới những ngày chiến đấu oanh liệt của các cô đều ghi ơn và tự hào về những người con gái Can Lộc quả cảm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast