Chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm OCOP ở Hương Sơn

(Baohatinh.vn) - Một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao giá trị cho các sản phẩm trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm OCOP ở Hương Sơn

Nhân viên Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn đưa các sản phẩm của công ty lên sàn thương mại điện tử Shopee, Voso

Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại

Việc áp dụng chuyển đổi số được xem là xu thế tất yếu trong chương trình OCOP. Đây được xem là giải pháp quan trọng để các sản phẩm OCOP Hương Sơn nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị.

Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn - Trần Đình Chiến cho biết, từ khi tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương triển khai chuyển đổi số trong chương trình OCOP, công ty đã nhanh chóng tiếp cận và dẫn đầu trong việc xúc tiến quảng cáo, kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các gian hàng trực tuyến nhằm quảng bá thương hiệu nông sản Hương Sơn.

“Trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường bán lẻ truyền thống gặp nhiều khó khăn thì việc đẩy mạnh bán hàng qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo... đã tạo thêm nhiều kênh tiếp cận với người tiêu dùng, góp phần đưa các sản vật của địa phương đến gần hơn với khách hàng. Đồng thời, đây cũng là một cách chủ động đầu ra bền vững, hạn chế việc quá phụ thuộc vào kênh tiêu thụ truyền thống. Vì thế, trong tương lai, việc chuyển đổi số là tất yếu để các sản phẩm OCOP Hương Sơn có thêm nhiều cơ hội “bay xa” hơn nữa.” - ông Chiến cho hay.

Chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm OCOP ở Hương Sơn

Một số sản phẩm OCOP Hương Sơn đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử

Trong quá trình tiếp cận với chuyển đổi số, Hợp tác xã Mật ong Cường Nga (xã Quang Diệm) cũng đã sử dụng phần mềm Kiotviet trong việc bán hàng và đang từng bước xây dựng gian hàng trên Shopee.

Ông Nguyễn Văn Cường – Giám đốc HTX Mật ong Cường Nga cho biết, chuyển đổi số là giải pháp tất yếu và hiệu quả, giúp người tiêu dùng dễ dàng mua được nông sản an toàn, có nguồn gốc rõ ràng. Còn doanh nghiệp sẽ có thêm những kênh bán hàng hiệu quả, đồng thời kiểm soát và nâng cao hơn chất lượng các sản phẩm OCOP.

Chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm OCOP ở Hương Sơn

Sản phẩm mật ong của HTX Mật ong Cường Nga (xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn) đã được gắn mã QR truy xuất nguồn gốc.

Hiện nay, huyện Hương Sơn đang tập trung chỉ đạo thí điểm chuyển đổi số tại một số doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP trên địa bàn. Cụ thể, đã có 4 đơn vị tham gia chương trình này gồm: Doanh nghiệp tư nhân nhung hươu Thuận Hà (xã Sơn Giang), Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn (xã Kim Hoa), Hợp tác xã nhung hươu mật ong Hương Luật (xã Sơn Lâm), Cơ sở nhung hươu Hiền Ngọc (xã Sơn Giang).

Bước đầu, các doanh nghiệp, cơ sở OCOP trên địa bàn đã ứng dụng công nghệ số phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh như: xây dựng trang web, sử dụng thư điện tử và phần mềm kế toán, ứng dụng các hình thức thanh toán điện tử và từng bước đưa sản phẩm lên mạng xã hội hoặc các sàn thương mại điện tử…

Nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP

Chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm OCOP ở Hương Sơn

Năm 2020, cơ sở chế biến thực phẩm Hoa Hào ở thị trấn Phố Châu đã có 2 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Thông qua mạng xã hội (zalo, facebock), cơ sở Hoa Hào đã quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm được rộng rãi hơn.

Các sản phẩm OCOP của huyện Hương Sơn đã và đang tạo ra một diện mạo mới trong phát triển kinh tế. Việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số nhằm quảng bá, đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử sẽ góp phần nâng cao giá trị của nông sản Hương Sơn.

Bà Nguyễn Thị Hoa, chủ cơ sở ruốc bông Hoa Hào (thị trấn Phố Châu) chia sẻ: “Hiện nay, cơ sở đang nỗ lực giới thiệu sản phẩm OCOP. Các trang mạng xã hội đã giúp cơ sở quảng bá được rộng rãi hơn về hình ảnh ruốc bông Hoa Hào đến với khách hàng”.

Theo bà Hoa, khách hàng có thể yên tâm hơn về những thông tin sản phẩm được cung cấp khi người tiêu dùng có thể tự kiểm tra mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc…

Chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm OCOP ở Hương Sơn

Sản phẩm nhung hươu Hương Sơn được gắn tem truy xuất nguồn gốc, mã QR đảm bảo tiêu chuẩn, tạo cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn. Ảnh tư liệu

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Kiều Hưng cho biết: “Việc chuyển đổi số sẽ giúp nâng cao năng suất và giá trị nông sản, tạo ra nhiều cơ hội để các chủ thể OCOP chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị, định hướng sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu của thị trường, đồng thời bảo đảm sinh kế cho người dân.

Chính vì thế, huyện Hương Sơn đang tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia chuyển đổi số, tạo cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn cho các sản phẩm OCOP của huyện.”

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast