Đảng viên công giáo chí lớn làm giàu

Năm 2004, ông Nguyễn Văn Liêm - đảng viên theo đạo Thiên Chúa ở khối 13, Thị trấn Thạch Hà chuyển đổi mô hình nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 3000m2 gần sông Cày. Từ bấy đến nay, sau nhiều lần tìm tòi, tham quan học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi (Quảng Ninh, Bình Định), ông đã tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi loại thủy sản này. Nhờ đó, càng ngày diện tích nuôi của ông càng mở rộng, thu nhập của gia đình khá lên và … giàu trông thấy. Ông đã xây dựng được nhà cửa, mua sắm ô tô và nhiều thiết bị, tiện nghi sang trọng.

Đầm tôm của Nguyễn Văn Liêm
Đầm tôm của Nguyễn Văn Liêm

Đến với đầm tôm của ông Nguyễn Văn Liêm vào một buổi chiều nắng nóng những luồng gió mát lành từ sông Cày, từ những đầm tôm cứ thổi ngược lên xua tan mệt nhọc của những khách tham quan, học hỏi. Khuôn viên đầm tôm của ông Liêm hiện ra “bắt mắt” như một trang trại được tổ chức quy củ: có hàng rào, cổng, ngôi nhà nhỏ xây dựng kiên cố. Quả thật, đến với nơi này, ít ai biết được rằng cách đây 7,8 năm đây còn là bãi đất trống, là sân vận động nghiệp dư của trẻ chăn trâu. Vậy mà bằng nghị lực của một giáo dân mang hoài bão làm giàu làm gương cho xứ đạo, ông đã thuê máy móc, xây dựng, cải tạo thành hồ nuôi tôm. Hiện tại, ông đã có hơn 1ha nuôi tôm thẻ chân trắng, với 3 – 5 lao động làm việc thường xuyên. Với hơn 1ha này, hằng vụ sản lượng tôm ông đạt hơn 8 tấn, thu được khoảng 720 triệu đồng. Theo ước tính của ông, trừ chi phí giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, điện, cải tạo ao hồ, công chăm sóc, bảo vệ, lợi nhuận mỗi vụ là 260 triệu. Tuy nhiên, từ trước đến nay, hằng năm ông chỉ mới áp dụng 1 vụ/năm, năm nay ông đang có kế hoạch nuôi thêm vụ Hè – Thu. Chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng, ông vui vẻ và quả quyết: “phải đảm bảo khâu dọn ao đầm, thường mất 15 – 20 ngày với nhiều công đoạn: phơi khô, hút cát từ sông vào đầm, dùng hóa chất để khử…; nắm vững kỹ thuật chăm sóc, thường xuyên theo dõi các biểu hiện của tôm. Những bài học từ sách vở nhiều lúc không áp dụng được, nhiều trường hợp kinh nghiệm tự đúc rút đã giúp tôi gỡ mối lo toan”.

Nhận thấy mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của ông mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân ở đây đã học tập và noi gương ông. Đến nay đã có 14 hộ tham gia mô hình này, có những hộ có đến 2 ha như hộ ông Nguyễn Văn Điểm. Để động viên ông đầu tư phát triển, tỉnh đã hỗ trợ 81 triệu đồng, tư vấn kỹ thuật nuôi tôm thẻ trong ao đất lót bạt. Với kinh phí ấy, hiện tại trên diện tích 5000m2 của 1 ao chưa thu hoạch, ông đang nuôi 40 vạn con theo đúng yêu cầu kỹ thuật của tỉnh. Ông cho biết, tôm đang phát triển bình thường và chắc chắn sẽ cho thu nhập tốt.

Ông Liêm đang kiểm tra đầm tôm
Ông Liêm đang kiểm tra đầm tôm

Khi được hỏi về những khó khăn trong quá trình sản xuất, ông Liêm cho biết: “Khó khăn nhất là nguồn vốn đầu tư, trong khi nguồn vốn hỗ trợ của các cấp chỉ mới xuất hiện năm nay và cũng khiêm tốn”. Nhìn xuống đầm tôm, ông nói tiếp: “mỗi ngày, riêng tiền thức ăn cho 40 vạn con này đã mất 5 triệu, đó là chưa kể thời điểm nuôi 2 đầm 1 lúc”. Ông cũng cho hay, năm nay giá cả biến động, nguồn thu từ tôm giảm, ước tính mỗi tấn mất 25 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn trăn trở về thị trường tiêu thụ, bởi nó tiềm ẩn nhiều rủi ro vì phụ thuộc tư thương, không có doanh nghiệp bao tiêu, không có định hướng thị trường tiêu thụ.

Khó khăn về vốn, không bền vững về thị trường tiêu thụ, song khó khăn của những hộ xây dựng mô hình như ông Liêm còn ở chỗ hệ thống điện cung cấp cho các loại máy móc chưa đảm bảo, thủ tục vay vốn sản xuất gặp khó khăn do nhiều hộ chưa được cấp giấy CNQSD đất.

Thu nhập từ tôm hiện tại đã rất cao, song với ý chí làm giàu của ông Liêm, như thế là chưa đủ. Ông tỏ ra tiếc nuối khi không thể phát triển được quy mô nuôi tôm vì không còn diện tích đất. Trăn trở để làm giàu nhiều hơn, ông đã huy động lao động của gia đình mở dịch vụ buôn bán máy móc sản xuất nông nghiệp. Hằng năm ông đóng góp cho ngân sách tới gần 20 triệu tiền thuế, thu nhập từ kinh doanh lên tới khoảng 200 triệu/năm.

Đi lên từ hai bàn tay và khối óc, ông Nguyễn Văn Liêm xứng đáng là người đảng viên công giáo điển hình trong phát triển kinh tế. Ông cũng bộc bạch với chúng tôi: “tôi là đảng viên nên phải phấn đấu phát triển kinh tế, làm gương cho bà con, thuyết phục bà con tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, nhà nước”. Ghi nhận ý chí, nghị lực của một đảng viên công giáo hướng thiện, khao khát làm giàu ngay tại quê hương, Bí thư đảng ủy Nguyễn Thái Hoàn khẳng định: “Đảng viên Nguyễn Văn Liêm là điển hình phát triển kinh tế. Ông là tấm gương để chúng tôi làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào xứ đạo tin theo Đảng, thực hiện khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương – giáo để ổn định và phát triển”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast