Theo chân thợ “săn” cua đá

(Baohatinh.vn) - Cua đá biển (còn gọi là cụp), thường sống ở các hốc đá nên chỉ những người thợ lặn chuyên nghiệp mới “săn” được. Ở Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên), lặn bắt cua đá được xem là một nghề truyền thống, mang lại thu nhập cao cho các thợ lặn chuyên khai thác cua đá cung cấp cho các nhà hàng phục vụ khách du lịch...

theo chan tho san cua da

Thuyền của ngư dân Trần Văn Trường trở về sau chuyến "săn" cụp vào ban đêm

Mặt trời dần khuất núi cũng là lúc ngư dân Trần Văn Trường (thôn 1, xã Cẩm Lĩnh) cùng bạn thuyền giăng buồm ra khơi bắt đầu chuyến lặn tìm cua đá. Thuyền chạy cách bờ 2 hải lý, sau một hồi dò tìm khoanh vùng lặn quanh đảo Bớc, anh Trường cắm neo, nổ máy hơi và các thợ lặn bắt đầu hành trình “săn” cua đá.

Anh Trường cho biết: “Đặc thù của nghề lặn cụp là thuyền phải có máy hơi. Trong lúc lặn, máy hơi vẫn nổ để cung cấp dưỡng khí cho thợ lặn thông qua ống thở. Mỗi người phải lặn xuống tầm 5-7m ở vùng nông, có khi tới 30m ở vùng sâu. Trung bình 1 “cuốc lặn” kéo dài từ 2-5h, tùy vào vùng đánh bắt có nhiều cụp hay không. Xong 1 “cuốc lặn”, chúng tôi nhổ neo đi tìm ngư trường mới”.

Với đặc tính sống ở các hang đá và ra ngoài vào buổi tối để kiếm thức ăn của cua đá, thợ lặn phải sử dụng đèn pin để bắt. Càng cua đá rất lớn nên không thể sử dụng các phương thức đánh bắt khác, chỉ có thể lặn bắt. Ngoài cách bắt thủ công bằng tay, có thể dùng mồi như cá, tép thả vào lưới để nhử cua chui ra khỏi hang. Nếu may mắn, mỗi ngày, anh Trường và bạn thuyền có thể bắt được 30-50 kg, với mức giá thu mua tại bến là 100.000 đồng/kg, trung bình mỗi đêm, thuyền của anh thu nhập từ 3-5 triệu đồng.

theo chan tho san cua da

Ngư dân Trần Văn Trường kể về hành trình lặn tìm cụp

Hiện nay, xã Cẩm Lĩnh có gần 30 thuyền với hơn 100 lao động tham gia lặn cụp. Hành trình “săn” cua đá của ngư dân Cẩm Lĩnh thường bắt đầu từ chiều muộn (17h) và kết thúc vào rạng sáng hôm sau (5h). Khi mặt người dần tỏ, những con thuyền “săn” cua đá cập bến thì những bao tải đựng “chiến lợi phẩm” được khuân lên bờ và được các thương lái thu mua. Cua đá được chở đến các nhà hàng ở Cẩm Lĩnh, Thiên Cầm, Kỳ Xuân...; một số được nhập cho các nhà hàng trong TP Hồ Chí Minh.

Anh Trần Văn Thuật - chủ thu mua hải sản tại xã Cẩm Lĩnh cho hay: “2 năm gần đây, cụp được xem là “đặc sản” của các nhà hàng. Giá thu mua hiện dao động từ 90.000 - 100.000 đồng/kg và khi vào các nhà hàng thì từ 150.000 - 200.000 đồng/kg. So với 5 năm trước, mức giá này đã tăng gấp đôi”.

Thời điểm này là mùa cua đá sinh sản, cũng là mùa “săn” của người dân nơi đây. Do đặc thù đánh bắt bằng phương thức lặn nên chỉ vào mùa hè, từ tháng 4 đến tháng 7 (dương lịch), ngư dân Cẩm Lĩnh mới có thể “săn” cua đá. Cua đá thường to gần bằng nắm tay, nặng trung bình 100 - 200g/con, thịt thơm ngon, gạch béo ngậy, đặc biệt là 2 càng to dày thịt bọc trong lớp vỏ rất cứng.

theo chan tho san cua da
theo chan tho san cua da

Cụp, món đặc sản của vùng biển Cẩm Lộc, Kỳ Xuân. Ảnh: FB Nguoikyanh

Theo bí quyết của người dân Cẩm Lĩnh, nếu hấp cua đá còn sống, gặp nước nóng sẽ rụng chân nên trước khi hấp nên dội qua nước đá hoặc dùng tăm nhọn cắm vào tim cua rồi mới xếp vào nồi. Cua đá rửa sạch, để nguyên con hấp bia là cách chế biến nhanh nhất mà vẫn giữ được hương vị thơm ngon. Ngoài hấp bia, các nhà hàng ở Cẩm Lĩnh còn “biến tấu” thành nhiều món khác không kém phần hấp dẫn, được thực khách ưa chuộng như cua đá rang muối, hấp sả, bún riêu cua đá...

Hiện nay, thực đơn của 12 nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống hải sản ở Cẩm Lĩnh đều có món cụp. Chị Trần Thị Lành - chủ Nhà hàng Hải Đăng chia sẻ: “Du khách đến Cẩm Lĩnh đa phần đều gọi món cụp. Nhà hàng chúng tôi mỗi ngày nhập khoảng 20-30 kg. Riêng dịp lễ 30/4, chúng tôi nhập hơn 60 kg và hiện nay đã bán hết”. Ngoài Cẩm Lĩnh, nghề “săn” cụp, đặc sản cụp còn có ở vùng biển Kỳ Xuân (Kỳ Anh) và một số vùng biển có nhiều hang đá trên địa bàn tỉnh.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast