Suất đầu tư cao tốc Bắc – Nam tương đương gần 182 tỷ đồng/km

Quốc hội vừa duyệt tổng mức đầu tư cho Dự án cao tốc Bắc – Nam là 118.716 tỷ đồng, như vậy suất đầu tư tương đương gần 182 tỷ đồng/km.

Cần khắc phục những hạn chế, bất cập của BOT

Theo Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, tổng mức đầu tư (sơ bộ) của Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 là 118.716 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước đầu tư 55 nghìn tỷ đồng, còn 63.716 tỉ đồng huy động từ các nhà đầu tư.

suat dau tu cao toc bac  nam tuong duong gan 182 ty dong km

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 có tổng chiều dài 654 km, chia thành 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh (Ảnh minh họa: KT)

Dự án này có chiều dài 654 km, gồm 4 đoạn là: Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế); Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai); Cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).

Tuy nhiên, để thực hiện dự án trên, Nghị quyết Quốc hội nêu rõ Chính phủ cần triển khai thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong tổ chức thực hiện và quản lý dự án.

Bên cạnh đó, bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong và ngoài nước; đối với các dự án thành phần đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) cần khắc phục những hạn chế, bất cập đã nêu trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị đề xuất các giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập của hình thức đầu tư đối tác công tư theo hình thức hợp đồng BOT đối với 8 dự án thành phần. Một số ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở lựa chọn hình thức đầu tư cho từng dự án thành phần.

suat dau tu cao toc bac  nam tuong duong gan 182 ty dong km

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để khắc phục những hạn chế, bất cập của hình thức đầu tư đối tác công tư theo hình thức hợp đồng BOT trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã xây dựng các cơ chế triển khai thực hiện dự án như: lựa chọn dự án đầu tư, thứ tự ưu tiên đầu tư một cách khách quan, khoa học trên cơ sở nhu cầu vận tải; đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư; Tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu 15-20% tổng vốn đầu tư dự án...

Ông Thanh cũng nêu ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát, đánh giá và xác định các dự án có thể thu phí toàn bộ để hoàn vốn làm cơ sở bố trí kinh phí ngân sách; minh bạch giữa ngân sách và thu phí theo đó các dự án khó thu phí thì đầu tư toàn bộ bằng ngân sách; các dự án BOT thì ngân sách chỉ hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng; chi phí lập thẩm định phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán, công tác đấu thầu, quyết toán; còn chi phí xây dựng nhà đầu tư bỏ toàn bộ sau đó phí hoàn vốn.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, toàn bộ các dự án thành phần đã được rà soát, đánh giá cụ thể khả năng thu hồi vốn của từng dự án thành phần, trên cơ sở đó tính toán mức vốn nhà nước cần tham gia đầu tư để đảm bảo dự án khả thi.

Khác với Quốc lộ 1 là tuyến cải tạo, nâng cấp, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, đường bộ cao tốc là đường làm mới, yêu cầu về kỹ thuật rất cao nên chi phí đầu tư đường cao tốc lớn hơn nhiều so với Quốc lộ 1; do vậy các dự án thành phần đều cần sự tham gia của Nhà nước (với các mức khác nhau phụ thuộc vào khả năng thu hồi vốn của từng dự án) để bảo đảm hiệu quả tài chính với thời gian hoàn vốn dưới 24 năm (thị trường tín dụng hiện tại chỉ xem xét, cung cấp tín dụng đối với các dự án PPP có thời gian hoàn vốn dưới 24 năm), ông Thanh nêu rõ.

Đấu thầu toàn bộ các dự án thành phần

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý: Vệc phân chia các dự án thành phần như dự thảo Nghị quyết bảo đảm tính khả thi trong việc lựa chọn nhà đầu tư, năng lực thi công của nhà thầu và khả năng cung cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại. Để đảm bảo công khai, minh bạch, toàn bộ các dự án thành phần đều phải được đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư. Ngoài ra, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư căn cứ theo quy mô của từng dự án thành phần theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Trường hợp dự án thành phần đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Trước đó, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, về quy mô đầu tư, do kinh phí có hạn nên phân kỳ đầu tư và chia thành các dự án thành phần trong đó ưu tiên những đoạn cao tốc có lưu lượng xe cao.

suat dau tu cao toc bac  nam tuong duong gan 182 ty dong km

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể

Các dự án BOT đã được Bộ Giao thông Vận tải rút kinh nghiệm bằng cách đấu thầu toàn bộ các dự án BOT, nếu đấu thầu lần một không được thì sẽ tiến hành đấu thầu lần 2, lần 3 để phát huy ưu thế của việc đấu thầu đó là có thể lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BOT đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh, minh bạch.

Bộ trưởng Thể nhấn mạnh: Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là công cụ rất quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư công thông qua việc khai thác hiệu quả nguồn lực, sự sáng tạo của khu vực tư nhân; tìm kiếm và chọn lựa được nhà đầu tư BOT có năng lực, uy tín, đảm bảo khả năng về vốn để đảm bảo tiến trình và chất lượng của dự án.

Chính phủ đưa ra lộ trình dự kiến các đoạn tuyến được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020 có tổng chiều dài 654 km, chia thành 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng.

Trong số 11 dự án thành phần thì có 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, gồm đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) và đoạn Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai). Đầu tư theo hình thức đầu tư công đối với 03 dự án thành phần, gồm đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế), Cầu Mỹ Thuận 2./.

Theo Trần Ngọc/VOV.VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast