Nhếch nhác chợ Sơn

Chợ Sơn “tọa lạc” giữa trung tâm thị trấn Hương Khê đóng vai trò là điểm giao thương đầu mối của 21 xã trong toàn huyện. Trải qua 20 năm hoạt động, cho đến nay, cơ sở hạ tầng của chợ này đã xuống cấp trầm trọng.

Theo lời ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Ban quản lý chợ thì “chợ Sơn được xây dựng từ năm 92 với tổng diện tích 12.240m2, trong đó đình chính rộng 1.380m2. Năm 2004, xây mới thêm 2 đình trên khuôn viên 1.216 m2 . Tuy nhiên, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, chợ chưa được trùng tu, sửa chữa lần nào”.

Chợ Sơn đã xuống cấp nghiêm trọng
Chợ Sơn đã xuống cấp nghiêm trọng

Nhếch nhác, cũ kĩ là cảm nhận của nhiều người khi tới đây. Bức tường vôi trắng trên đình chợ ngày nào giờ lưu đầy vết ố của thời gian, rêu mốc. Hệ thống đường sá nay đã xuống cấp. 614 hộ kinh doanh ở chợ Sơn đang phải buôn bán trong điều kiện dột nát và ẩm thấp. Theo người dân, cứ sau một trận mưa, đường vào chợ lại trở nên lầy lội, khó đi; nếu không may xảy ra sự cố thì các tiểu thương chỉ còn biết trông chờ vào may rủi.

Lối vào một bên chợ "lồi lõm" sau trận mưa lớn
Lối vào một bên chợ "lồi lõm" sau trận mưa lớn

Chị Phạm Thị Tùng, người có thâm niên hơn chục năm gắn bó với sạp hàng cá, ngán ngẩm: “Chỗ chúng tôi buôn bán là nơi nhếch nhác nhất trong chợ. Tấm tôn trên phía tôi ngồi vừa rồi cũng bị cơn bão số 11 làm hư hỏng nặng. Không có điều kiện sửa chữa nên đành phải lợp tạm để ngồi bán. Mặc dù vậy nhưng hễ mưa to là lại thấp thỏm”.

chị Tùng chỉ tay lên mái tôn vừa được lợp tạm
chị Tùng chỉ tay lên mái tôn vừa được lợp tạm

Hệ thống cống thoát nước không hoạt động được khiến toàn bộ rác thải của chợ đổ về đều ứ đọng tại các hàng cá; mùa nắng bốc mùi hôi hám, mùa mưa lầy lội bẩn thỉu. Các hộ kinh doanh tại đây phải “chữa cháy” bằng cách kê sẵn sạp gỗ để có chỗ ngồi bán trong những ngày mưa bão. Hầu hết cọc chống tại khu vực này đều mục và xập xệ. Bên cạnh đó, các ki ốt bán hàng cũng bắt đầu lộ rõ dấu hiệu của “tuổi tác”. Để khắc phục tình trạng trên, các hộ “mạnh ai người nấy lo” khi phải tự bỏ chi phí sửa chữa.

chỗ bán hàng nhếch nhác....
chỗ bán hàng nhếch nhác....
những sạp gỗ dùng được ngồi để bán hàng trong ngày mưa bão
những sạp gỗ dùng được ngồi để bán hàng trong ngày mưa bão
một trong những cọc chống đã "quá đát"
một trong những cọc chống đã "quá đát"
hệ thống kênh mương đã không còn sử dụng được...
hệ thống kênh mương đã không còn sử dụng được...
... nhiều hộ phải ngăn mùi rác thải bằng cách như thế này
... nhiều hộ phải ngăn mùi rác thải bằng cách như thế này

Ngay cả việc thông thương bán hàng cũng khiến nhiều hộ kinh doanh ngán ngẩm. Theo nhìn nhận, tình hình buôn bán của chợ trong vài năm gần đây ế ẩm. Kinh tế suy thoái khiến cho túi tiền của người mua trở nên eo hẹp. “Hàng hóa của chợ phục vụ chủ yếu cho nông dân lại ở các xã cận nghèo nên không phải lúc nào dân cũng có điều kiện để mua. Có nhà 2 – 3 hôm không ra mở hàng là chuyện thường. Giờ ra chợ gom góp được đồng nào hay đồng ấy thôi” - cô Nguyễn Thị Vinh, kinh doanh chăn ga gối đệm thở dài buồn bã.

Không chỉ vậy, ngay cả những “thượng đế” cũng không còn mặn mà khi ra chợ mua bán. Chị Phan Thị Thương ngồi lựa các mặt hàng nhu yếu phẩm lắc đầu: “Chợ lụp xụp và hôi hám thế này, người mua cũng giảm hào hứng. Không biết đến khi nào chúng tôi mới có được một môi trường mua sắm văn minh”. Đặc biệt, vấn đề phòng cháy chữa cháy (PCCC) của chợ rất đáng quan tâm. Mặc dù chợ Sơn chưa từng xảy ra vụ cháy nào nhưng nếu chẳng may có hỏa hoạn, không biết hàng trăm tiểu thương sẽ còn biết trông cậy vào ai?

Năm 2011, từng có doanh nghiệp tư nhân muốn mua chợ Sơn để đầu tư làm khu trung tâm thương mại, tuy nhiên do vấp phải sự phản đối của người dân nên dự án này sau đó đã dừng lại. Việc đầu tư xây dựng chợ Sơn là mong muốn thiết thực và chính đáng, thế nhưng với những gì đang diễn ra, biết bao giờ giấc mơ đó mới thành hiện thực?!.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast