Ngọn hải đăng sáng ngời

(Baohatinh.vn) - Hàng năm, mỗi độ tháng 4, trong niềm rạo rực chào đón ngày vui lịch sử của đất nước, những trái tim Việt Nam lại đập những nhịp lắng đọng, thiết tha khi nhắc tới ngày sinh V.I Lê-nin. Kỷ niệm 145 năm ngày sinh của ông năm nay, ức triệu tấm lòng Việt lại hướng về ông, về nước Nga xa xôi mà gần gũi với những tình cảm chân thành nhất.

Kỷ niệm 145 năm ngày sinh V.I Lê-nin (22/4/1870 - 22/4/2015)

Ngọn hải đăng sáng ngời ảnh 1

V.I.Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva trước các đơn vị tham gia khóa huấn luyện quân sự toàn dân, ngày 25-5-1919. Ảnh: T.L.

V.I Lê-nin sinh ngày 22/4/1870, trong một gia đình nhà giáo tiến bộ ở tỉnh Simbirsk (Nga). Từ nhỏ, ông đã bộc lộ tư chất thông minh và tinh thần ham hiểu biết. Tốt nghiệp đại học với thành tích xuất sắc, nhưng Lê-nin đã từ bỏ tất cả để dấn thân vào con đường đầy chông gai - đấu tranh cho quần chúng nhân dân trong một xã hội đầy rẫy áp bức bất công. Lê-nin không tán thành con đường đấu tranh theo lối ám sát các quan chức trong bộ máy của Sa hoàng như anh trai mình. Với trí tuệ siêu việt, ông nhận ra vai trò của quần chúng và lựa chọn đi sâu vào quần chúng rồi thức tỉnh họ, phát huy sức mạnh của họ để thay đổi hiện thực xã hội. Năm 24 tuổi, Lê-nin vào Đảng Xã hội - Dân chủ Nga, rồi trở thành người tổ chức và lãnh đạo cách mạng.

Với năng lực tư duy thiên bẩm, tinh thần cầu thị và khát khao cải tạo thế giới, Lê-nin đã đào sâu và nâng học thuyết Marx - vũ khí tinh thần của giai cấp công nhân lên một tầm cao mới trên cả 3 phương diện triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học. Là nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc, Lê-nin đồng thời sở hữu những phẩm chất đáng quý của một nhà khoa học thực thụ. Khi nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản ở Nga, ông đã xem xét tỉ mỉ các số liệu cụ thể và đọc hàng trăm sách báo, khảo cứu kỹ lưỡng đời sống công nhân và nông dân.

Cũng giống Marx và Engels, ông đã dày công nghiên cứu các tài liệu khoa học tự nhiên. Ông còn đề xuất một liên minh giữa các nhà khoa học tự nhiên và các nhà triết học mác xít. Lê-nin cùng với Xtalin, chẳng những đã lãnh đạo giai cấp vô sản biến nước Nga phong kiến và lạc hậu thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh nhất thế giới, mà còn đưa người lao động tiến lên con đường hạnh phúc vẻ vang.

Ngọn hải đăng sáng ngời ảnh 2

Quảng trường Đỏ. Ảnh: Thanh Niên

Lê-nin đã để lại một pho tri thức đồ sộ gồm 54 cuốn sách dày, tập hợp các tác phẩm nghiên cứu, lời kêu gọi, văn bản chỉ đạo và bài phát biểu thể hiện khả năng liên tưởng và khái quát hóa siêu việt của ông trong việc nhìn nhận các hiện tượng tự nhiên, xã hội và cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân bị áp bức.

Kể từ sau cuộc cuộc gặp lịch sử giữa Lê-nin với Nguyễn Ái Quốc ở “Sơ thảo những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa”, thế giới quan và hệ tư tưởng chính trị của Lê-nin thông qua Hồ Chí Minh đã soi đường cho nhân dân Việt Nam đi từ bóng tối lịch sử bước ra ánh sáng. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lê-nin là người thầy vĩ đại, ngọn hải đăng sáng ngời cho con đường cách mạng Việt Nam.

Sau khi V.I Lê-nin qua đời, tại Matxcơva, Nguyễn Ái Quốc viết trên báo Sự Thật (Liên Xô) bài “Lê-nin và các dân tộc thuộc địa” nói lên niềm khao khát tự do, độc lập của các dân tộc thuộc địa khắp năm châu được ánh sáng học thuyết Lê-nin vạch đường, chỉ lối. Tại Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ V, trong tham luận về vấn đề dân tộc và thuộc địa tháng 7/1924, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: cần tập trung sức lực để thực hiện những di huấn của V.I. Lê-nin về vấn đề thuộc địa cũng như những vấn đề khác.

Ghi cảm tưởng trong sổ lưu niệm của Bảo tàng V.I Lê-nin, Hồ Chí Minh viết: “Lê-nin, người thầy vĩ đại của cách mạng vô sản. Cũng là một vị đạo đức rất cao, dạy chúng ta phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Tinh thần Lê-nin muôn đời bất diệt”.

Sự ngưỡng mộ, kính trọng và biết ơn của Bác Hồ đối với Lê-nin cũng chính là tình cảm của muôn triệu công dân Việt Nam.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast