Làng xanh thắm bên bờ sông xanh

(Baohatinh.vn) - Hướng tới kỷ niệm 71 năm cách mạng tháng tám (1945-2016)

Nắng cuối hạ, gió lào vẫn hầm hập quạt lửa vào Hương Sơn. Ấy vậy mà khi tới xã Sơn Châu (Hương Sơn - Hà Tĩnh), tôi lại được tận hưởng không khí mát mẻ và trong trẻo đến lạ lùng...

Vẫn hiện hữu vẻ đẹp làng bên sông Ngàn Phố xanh thắm, vẫn mái đình xưa cổ kính dưới cây đa làng. Vẫn những con trâu đen béo mộng đang nằm lim dim mắt cùng chú nghé tơ non, dưới bờ tre kẽo kẹt ở từng ngõ nhỏ. Nhưng chỉ khác xưa, diện mạo xã này đã đẹp hơn xưa.

lang xanh tham ben bo song xanh

Đường vào thôn Đông Đoài

7 thôn, từ Đông Đoài đến Sinh Cờ, đi tới đâu cũng thấy đường bê tông cứng, nhà đẹp, vườn cây sum suê trái. Từ ao chuôm, giếng nước, đến cây rơm, cây rạ bên bờ rào, đâu cũng ngời lên nét thôn dã.

Lần tìm lại ngôi chùa lịch sử Gôi Mỹ, nhịp tim tôi như đang rung lên cùng nhịp trống năm 1930 của dòng người biểu tình đi “phá huyện”, “phá đồn” thuở ấy, nhằm đòi lại tự do, cơm áo, nhằm thoát khỏi xiềng xích nô lệ thực dân và phong kiến. Cuộc hành trình từ những ngày đầu phôi thai trứng nước của chi bộ Đảng trên đất Sơn Châu, đến nay, bài học ấy vẫn còn nguyên giá trị. Tới bây giờ, vùng đất xã Sơn Châu vẫn giữ được nét gia phong trong mỗi gia đình, nét thuần phong mỹ tục ở mỗi thôn và lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Đời vui dễ mấy ai quên thuở hàn vi. Cùng chung số phận như 2 xã Sơn Long, Sơn Tân, xứ sở Sơn Châu tự bao đời nay đã được liệt vào danh sách “rốn lũ” vùng hạ du sông Ngàn Phố. Lúa cấy xuống, nhiều khi chưa kịp gặt đã bị lũ cướp mất. Người dân quanh năm một nắng hai sương lam lũ ngoài đồng, tất bật tìm kế mưu sinh nhưng “bát cơm ăn vẫn không đầy đặn”.

“Giờ thì khác xưa rồi chú ạ. Dân ở đây lương cũng như giáo, trong nhà ai cũng dư thừa ngô, thóc để phục vụ chăn nuôi. Mùa lũ về, chúng tôi đâu phải lo ruộng đồng ngập úng như trước nữa, vì đã có con đê Tân Long giữ yên cho cả làng, cả xã rồi. Có đê hộ, lại có chính sách mới khuyến khích dân phát triển sản xuất. Nói thật lòng với chú, ai gặp rủi ro mới gieo neo thiếu thốn, chứ gia cảnh bình thường thì chuyện làm đủ ăn chẳng khó khăn gì”. Đó là lời tâm sự của bà Trần Thị Điền (thôn Yên Thịnh).

lang xanh tham ben bo song xanh

Trồng thanh long thử nghiệm ở vườn nhà bà Điền (xóm Yên Thịnh)

Sơn Châu hiện có 1.018 hộ, 3.800 nhân khẩu sinh sống trên 7 thôn, diện tích đất nông nghiệp chỉ hơn 120 ha. Mật độ dân số địa phương này khá lớn, nhưng diện tích đất nông nghiệp ít. Tuy vậy, Sơn Châu đã tìm ra những giải pháp thích hợp trong phát triển kinh tế như xây dựng hệ thống thủy lợi, áp dụng tiến bộ khoa học trong thâm canh, sử dụng hiệu quả nước, phân, giống mới và thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy, nhiều năm qua, sản lượng lương thực đều tăng khá. Người dân Sơn Châu không bao giờ cho đất nghỉ, ngoài lúa là cây chủ lực, họ còn trồng ngô, đậu, lạc. Tăng trưởng thêm sản lượng màu là cơ sở để toàn dân phát triển chăn nuôi.

Ông Trần Xuân Hòa - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Nếu chỉ dựa vào hạt thóc thì dân ở đây không thể có cuộc sống no đủ được. Vì thế, người dân muốn có cuộc sống ổn định và phát triển bền vững phải biết chăn nuôi, biết làm vườn, làm dịch vụ, thương mại”.

Ngoài duy trì truyền thống nuôi hươu lấy lộc, nuôi trâu bò, lợn, gần đây, một số chủ hộ còn mạnh dạn nuôi thêm vịt, gà, thỏ... Hiện tại, xã có 1.649 con hươu, 597 con trâu bò, 3.316 con lợn. Nếu như tổng thu nhập từ trồng trọt đạt hơn 9 tỷ 570 triệu đồng, thì tổng thu nhập từ chăn nuôi của các gia đình đã đạt được hơn 5 tỷ 139 triệu đồng.

Mô hình chăn nuôi lợn quy mô lớn được thử nghiệm đầu tiên là trang trại 500 con của ông Văn Đình Bằng được xây dựng ở khu vực đồng Trằm. Được chính quyền khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, ông Bằng nhận đấu thầu 5,5 ha đất vốn là một bãi hoang sình lầy để xây dựng trại chăn nuôi. Trang trại được xây dựng theo quy trình khép kín, vừa nuôi lợn, kết hợp nuôi cá và trồng lúa. Mô hình cá, lúa, lợn cho lợi nhuận mỗi năm khoảng 50-70 triệu đồng.

Ông Cù Xuân Hùng - Chủ tịch UBND xã kể cho chúng tôi nghe chuyện những hộ nông dân làm vườn mẫu và sự tham gia của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Hiện nay, thôn Yên xây dựng 6 vườn mẫu, thôn Đông 4 vườn, thôn Sinh Cờ 4 vườn. Có những cựu chiến binh mê làm vườn, giờ đã trở thành một giám đốc HTX cây giống như ông Nguyễn Minh (thôn Yên Thịnh)

Cứ mỗi tuần, vào thứ 2 và thứ 6, toàn xã lại ra quân vệ sinh môi trường. Đến năm 2016, xã đã thành lập HTX môi trường, có 1 ô tô tải, 10 xe đẩy thu gom rác thải, rồi chở vào bãi chứa Núi Hủng xử lý. Sơn Châu còn góp sức cho màu xanh cả dòng sông Ngàn Phố chảy qua địa phận mình. Với chiến dịch “vì một dòng sông xanh”, tuổi trẻ quê hương đã trồng tre chắn sóng, gìn giữ môi trường trên bến sông quê, bởi con sông là máu thịt, là cội nguồn, là biểu tượng xanh đẹp của đất Sơn Châu tự bao đời nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast